Dự án thuộc địa phận các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và TP. Cần Thơ, được thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện để phát triển kinh tế - xã hội khu vực các tỉnh khu vực miền Tây Nam bộ nói riêng và cho cả nước nói chung.
Dự án cải tạo, nâng cấp đường dây 220kV Cai Lậy - Trà Nóc được Tập đoàn Điện lực Việt Nam phê duyệt đầu tư năm 2007 theo Quyết định số 2798/QĐ-EVN-TĐ ngày 18/12/2007 và được Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia điều chỉnh tổng mức đầu tư là 304.343.825.000 đồng theo quyết định số 1416/QĐ-NPT ngày 24/11/2008. Đến năm 2010, dự án chính thức được triển khai thực hiện.
Đại diện PTC4 cho biết, đường dây 220kV Cai Lậy - Trà Nóc hiện hữu vận hành đã lâu, đang có dấu hiệu các điều kiện kỹ thuật và an toàn giảm thấp. Chính vì vậy, mục tiêu chính của dự án nhằm cải tạo, nâng cấp đường dây 220kV Cai Lậy - Trà Nóc hiện hữu, đảm bảo an toàn trong quản lý vận hành và trong tương lai là một trong các tuyến trục để tải công suất từ các nhà máy điện miền Tây Nam bộ vào hệ thống điện, tăng cường khả năng kết lưới cho hệ thống điện khu vực miền Tây Nam bộ; phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015, có xét đến năm 2025. Qua đó, góp phần ổn định nền kinh tế, an ninh xã hội cho khu vực miền Tây và Đông Nam Bộ nói riêng và cho cả nước nói chung.
Dự án cải tạo, nâng cấp đường dây 220kV có điểm đầu là TBA 220/110kV Cai Lậy và điểm cuối là SPP 220kV nhà máy điện Ô Môn; được thực hiện trên hành lang tuyến 220kV Cai Lậy - Trà Nóc hiện hữu với tổng chiều dài 70 km, gồm: Căng dây mạch 2 và 1 dây chống sét kết hợp cáp quang từ trụ 19 đến trụ 70, dài 19,1 km đồng thời thay 1 dây chống sét hiện hữu bằng dây chống sét kết hợp cáp quang trên đoạn từ trạm 220kV Cai Lậy đến trụ 19, dài 7 km. Cải tạo đoạn đường dây 1 mạch từ trụ 271 xây dựng mới đến trụ 284 hiện hữu dài 5,6 km. Cải tạo đoạn đường dây 1 mạch hiện hữu thành đường dây 2 mạch từ trụ 287 hiện hữu đến trụ A.06 (điểm đấu nối vào Nhà máy điện Ô Môn), dài 36,9 km. Trong đó đoạn vượt sông Hậu dài 2,5 km được xây dựng tại vị trí mới. Dự án cũng bao gồm việc thay dây dẫn mạch 1 và căng dây mạch 2 từ trụ A.06 đến sân phân phối nhà máy nhiệt điện Ô Môn, dài 1,4 km. Đồng thời mở rộng 1 ngăn lộ tại sân phân phối 220kV nhà máy điện Ô Môn với điện áp định mức là 220kV.
Về tiến độ dự án, hiện nay, trên suốt chiều dài tuyến đường dây đã được kéo dây và đóng điện vận hành từ năm 2014, ngoại trừ khoảng trụ cuối cùng 36 - 38 (dài 864m) chưa kéo được dây mạch 2. Nguyên nhân là do một số hộ dân thắc mắc, khiếu nại về chính sách và giá trị đền bù mặc dù trước đó nhiều hộ đã nhận bồi thường, hỗ trợ trong giai đoạn thi công mạch 1. Để sớm hoàn thành nhiệm vụ kéo dây mạch 2 đường dây 220kV Cai Lậy – Trà Nóc, PTC4 đã đề nghị Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Cái Bè (Tiền Giang) nhanh chóng hoàn tất những thủ tục chi trả tiền đền bù cho các hộ dân để đơn vị sớm triển khai thi công công trình.
Cũng theo đại diện PTC4, trong quá trình thực hiện dự án, PTC4 là đơn vị đầu tiên ở nước ta ứng dụng thành công công nghệ kéo dây cáp quang skywap trên đường dây 220 kV Cai Lậy – Trà Nóc, đoạn vượt qua sông Hậu bằng rô bốt. Ngoài ra, đây cũng là đường dây tín hiệu viễn thông bằng cáp quang vượt sông Hậu đầu tiên trong ngành điện và bưu chính viễn thông Việt Nam. Bên cạnh đó, trong quá trình thi công, các chuyên gia, nhà khoa học, kỹ sư, công nhân kỹ thuật giỏi nghề, giàu kinh nghiệm của PTC4 đã nghiên cứu đề xuất, phát huy và áp dụng thành công nhiều đề tài tiến bộ kỹ thuật và sáng kiến, tiết kiệm cho ngân sách hàng tỉ đồng, do không phải thuê chuyên gia và nhập khẩu vật tư, thiết bị.
Công ty Truyền tải Điện 4 (PTC4) trực thuộc Tổng công ty Truyền tải Điện quốc gia - thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm trách quản lý vận hành, sửa chữa lưới điện truyền tải từ 220 kV đến 500 kV, nhận điện từ các nhà máy truyền tải đến các Công ty Điện lực trên địa bàn 22 tỉnh, thành phố thuộc vùng trọng điểm kinh tế phía Nam: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu; các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Đây là vùng kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam, chiếm giá trị tổng sản lượng sản xuất công nghiệp, khối lượng nông sản và hải sản, kim ngạch xuất khẩu và nộp ngân sách nhà nước lớn nhất, hàng năm tiêu thụ trên 50% sản lượng điện thương phẩm của cả nước.