EVNNPT tiếp nối truyền thống– Bài cuối: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Thứ tư, 23/5/2018 | 08:32 GMT+7
Xu hướng quan hệ đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế trong kinh tế nói chung và ngành Điện nói riêng đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng.

Lãnh đạo EVNNPT làm việc với các tổ chức quốc tế. Ảnh: EVNNPT
 
Trong bối cảnh đó, để đáp ứng được mục tiêu xây dựng một hệ thống truyền tải điện hiện đại, thông minh, để xây dựng được đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, hiện đại cùng với kỹ năng quản trị tiên tiến thì quan hệ quốc tế rất quan trọng. 
 
Các lĩnh vực quan hệ quốc tế mà Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cần ưu tiên trong giai đoạn hiện nay bao gồm: Huy động các nguồn vốn ODA, vốn song phương, vốn tín dụng thương mại quốc tế với các điều kiện ưu đãi để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án của Tổng Công ty; Phát triển các quan hệ đối tác chiến lược với các tổ chức truyền tải điện của các nước phát triển để tăng cường trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, đào tạo, tư vấn nhằm đạt các mục tiêu hiện đại hóa lưới điện truyền tải, đầu tư phát triển các công nghệ lưới điện thông minh, hoàn thiện về cơ cấu tổ chức và mô hình quản lý hiệu quả.
 
Cùng với đó, tăng cường hội nhập quốc tế và khu vực, tham gia sâu vào các diễn đàn, hội nghị, tổ chức quốc tế và khu vực về truyền tải điện để nâng cao năng lực, tận dụng tri thức và các trợ giúp của quốc tế. Phát triển liên kết hệ thống điện với các nước trong khu vực ASEAN và tiểu vùng sông Mekong nhằm đạt các mục tiêu của ngành điện trong nước, đồng thời nâng cao vị thế của EVNNPT trong khu vực và trên thế giới.
 
Đến thời điểm này, EVNNPT đã thiết lập được mối quan hệ với các tổ chức tài chính thế giới như WB, ADB, JICA, AFD... để thu xếp được nguồn vốn ODA ưu đãi, nguồn vốn song phương và tín dụng thương mại cho nhiều dự án đầu tư phát triển lưới điện truyền tải quan trọng, cơ bản đáp ứng các nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển lưới điện trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới nói chung và khó khăn về tài chính của Tổng Công ty nói riêng. 
 
EVNNPT cũng đã tham gia vào Diễn đàn Tổ chức đứng đầu ngành Điện các nước ASEAN (HAPUA), nhóm công tác Truyền tải/Liên kết lưới ASEAN, đấu nối với một số lưới điện nước láng giềng như Lào, Campuchia...; thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ với nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức tài chính, ngân hàng, đại sứ các nước…
 
Tuy nhiên, các hoạt động hợp tác quốc tế chủ yếu hiện nay vẫn là thu xếp các nguồn vốn ODA và quản lý các dự án dùng vốn vay ODA. Các đối tác cho vay quốc tế chủ yếu được kế thừa từ các đối tác truyền thống của EVN, chưa tìm kiếm và phát triển quan hệ với các đối tác tiềm năng khác.
 
Với tầm nhìn vươn lên hàng đầu châu Á về cung cấp dịch vụ truyền tải điện, hiện tại EVNNPT cần tập trung phân tích, đánh giá lưới điện của mình về quy mô, công nghệ, hiệu quả... để xác định vị trí của mình trong tương quan với các nước trong khu vực và trên thế giới.
 
Việc tìm hiểu, học tập, áp dụng các bài học thực tế, kinh nghiệm thực tiễn của truyền tải điện các nước, đặc biệt là các nước có hệ thống truyền tải điện mang đặc tính tương đồng với hệ thống truyền tải điện Việt Nam hoặc có hệ thống lưới truyền tải điện tiên tiến là hết sức quan trọng, góp phần giúp EVNNPT định hướng và hoạch định đúng lộ trình phát triển, đi tắt đón đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại và phát triển bền vững. 
 
Bên cạnh đó, tăng cường kết nối lưới khu vực là xu thế tất yếu. Trước mắt, EVNNPT cần duy trì những đường dây đấu nối hiện hữu làm cơ sở để phát triển lưới điện đồng bộ trong khu vực, đặc biệt là Tiểu vùng sông Mê Kông nhầm mở rộng hợp tác trao đổi điện năng khu vực trong tương lai.
 
Do đó, Tổng Công ty sẽ tận dụng ưu thế, lợi thế đơn vị độc quyền tự nhiên để chủ động liên hệ và xây dựng mối quan hệ, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực truyền tải điện của các nước trong khu vực và trên thế giới, nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm về quản lý, vận hành, kỹ thuật, công nghệ; chú trọng tăng cường kênh hợp tác với Tổ chức đứng đầu ngành Điện các nước ASEAN. 
 
Trên cơ sở đó, Tổng Công ty chủ động tổ chức các đoàn công tác đi học tập, chia sẻ kinh nghiệm; tích cực tìm hiểu thông tin thông qua các đại sứ quán, các tổ chức tín dụng quốc tế đang cho EVNNPT vay vốn, các ngân hàng thương mại trong nước đã là đối tác của EVNNPT, các nhà cung cấp vật tư thiết bị điện, tư vấn nước ngoài. Bên cạnh đó, thường niên tổ chức Hội nghị nhà tài trợ và các đối tác làm việc nước ngoài, tham gia các buổi gặp gỡ, các buổi làm việc với các tổ chức này....
 
EVNNPT cũng chủ động tiếp cận để tìm kiếm cơ hội hợp tác sâu hơn với các đơn vị truyền tải điện khu vực ASEAN thông qua kênh hợp tác HAPUA đã được EVN/EVNNPT xây dựng; tích cực tổ chức và tham gia các diễn đàn, hội thảo chuyên đề kỹ thuật để học tập kinh nghiệm thực tế, cập nhật các công nghệ, giải pháp tiên tiến, hiện đại ứng dụng trên lưới truyền tải điện Việt Nam theo kịp xu thế hiện đại hóa hệ thống truyền tải điện. Đồng thời rà soát, cập nhật và hoàn thiện các quy định/quy chế về quản lý quan hệ quốc tế và hoạt động đối ngoại của EVNNPT cho phù hợp với thực tế triển khai...
 
Cùng với đó, EVNNPT đẩy mạnh hợp tác đấu nối lưới truyền tải với các nước láng giềng, đặc biệt là các nước thuộc khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) thông qua các chương trình hợp tác đa phương và song phương với mục tiêu tham gia xây dựng khuôn khổ kỹ thuật, thương mại cho việc trao đổi điện năng giữa các nước GMS.
 
Duy trì liên kết lưới điện với Campuchia qua tuyến đường dây 220kV hiện có; nghiên cứu khả năng tăng cường liên kết lưới điện giữa Việt Nam với Campuchia thông qua các chương trình hợp tác đa phương và song phương; duy trì liên kết mua bán điện giữa Việt Nam và Trung Quốc qua các cấp điện áp 220kV, 110kV hiện có; tiếp tục nghiên cứu khả năng trao đổi điện năng với Trung Quốc qua lưới điện liên kết với cấp điện áp 500kV.
 
Theo đó, đến năm 2020, EVNNPT đặt mục tiêu thiết lập mối quan hệ hợp tác mới với các đối tác truyền tải điện; duy trì và tăng cường mối quan hệ sẵn có với các tổ chức truyền tải điện trong khu vực, đặc biệt là trong GMS. Và đến năm 2025, Tổng Công ty xác định mục tiêu đẩy mạnh đấu nối lưới khu vực; hợp tác chiến lược với các đối tác quốc tế có ưu thế về công nghệ và tương đồng về hệ thống với EVNNPT.
Theo: BNews/TTXVN