Hệ thống điện mặt trời do Công ty TNHH MTV Công nghệ Ánh Dương lắp đặt cho tàu cá của ngư dân Phạm Ngọc Thiện.
Nhiều tàu cá lắp đặt điện mặt trời
Theo thông tin từ nhiều đơn vị chuyên lắp đặt điện mặt trời ở Quy Nhơn, từ năm 2018 đến nay, số lượng ngư dân sử dụng điện mặt trời cho tàu cá ngày càng tăng. Ông Trương Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghệ Ánh Dương (TP Quy Nhơn) cho biết DN đã lắp đặt điện mặt trời cho nhiều tàu cá trong tỉnh. Mỗi gói sản phẩm cung cấp điện năng cho tàu cá khoảng 3 - 15 triệu đồng, tùy vào công suất của tàu. Tàu hoạt động trên biển thì các thiết bị thông tin liên lạc, hệ thống hàng hải, hoạt động của máy chính đều sử dụng nguồn điện từ các bình ắc quy dự trữ trên tàu. Với hệ thống điện mặt trời, việc cung cấp nguồn điện dự trữ cho các bình ắc quy sẽ được đảm bảo tính liên tục, hữu dụng trong trường hợp máy phát điện bị hỏng, không sạc được điện cho các bình ắc quy.
Ông Trương Minh Tuấn chia sẻ: “Khi lắp đặt điện mặt trời trên tàu cá thì cần có thời gian để chứng minh hiệu quả. Với ngư dân, khi đề cập đến chuyện rủi ro, họ thường mang tâm lý e ngại, nên ban đầu khi chào hàng, chúng tôi và các ngư dân trao đổi, phân tích rất kỹ về mặt được - mất. Không ai thuyết phục ngư dân chưa sử dụng hay hơn những ngư dân trước đó đã trải nghiệm tiện ích của điện mặt trời. Chúng tôi thành công khi được một ngư dân tín nhiệm và “tiếp thị” cho hàng chục ngư dân khác”.
Năm 2019, ngư dân Phạm Ngọc Thiện (phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn), chủ tàu cá BĐ 91203-TS đã lắp đặt 2 tấm pin quang năng, công suất 55 W, tổng chi phí đầu tư chỉ khoảng 4 triệu đồng. “Nhờ 2 tấm pin hoạt động liên tục nên việc nạp điện cho bình ắc quy rất thuận lợi, hệ thống máy móc trên tàu vận hành đảm bảo thông suốt, việc đánh bắt thuận lợi hơn. Sau giờ làm việc, anh em bạn thuyền thoải mái nghe radio để biết tin tức, xem phim giải trí, gọi điện thoại về cho gia đình mà không lo hết pin như trước...”, ông Thiện cho hay.
Phục vụ trồng trọt, bảo vệ rừng
Năm 2019, DNTN Dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh ở xã Phước Thành (huyện Tuy Phước) đầu tư hơn 1 tỷ đồng lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời có công suất hơn 42 kWp, đưa vào phục vụ hoạt động sản xuất trong năm 2020. Theo bà Phan Thị Hạnh, Giám đốc DN, mỗi năm DN sản xuất hơn 10 triệu cây giống keo lai, bạch đàn cấy mô, phục vụ thị trường cả nước, nên hệ thống điện mặt trời giúp tiết kiệm chi phí điện sản xuất trong các khâu tưới nước, chăm sóc, ươm giống, sản xuất cây giống.
DNTN Dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh đầu tư hệ thống điện mặt trời trong sản xuất cây giống.
Một số nhà vườn ở huyện Hoài Ân đang tính toán việc kết hợp điện mặt trời vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt, tích hợp quản lý trên điện thoại di động thông minh, nhằm tiết kiệm và đảm bảo an toàn hơn. Ông Lê Quang Hải, Giám đốc Công ty CP Cơ điện CTH (TP Quy Nhơn), cho biết, việc vận hành hệ thống tưới thông minh bằng điện mặt trời ở các trang trại rất tiện lợi. Tùy thuộc nhu cầu sử dụng, mỗi nhà vườn chọn những gói đầu tư phù hợp và hiệu quả lâu dài, bởi bình quân một tấm pin mặt trời có tuổi thọ cao, qua 25 năm sử dụng thì mỗi tấm pin vẫn còn đến 80% hiệu suất.
Điện mặt trời cũng đã giúp ích cho công tác bảo vệ rừng, khi khá nhiều đơn vị trong tỉnh từng bước đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại các chốt, trạm bảo vệ rừng ở khu vực rừng sâu. Từ năm 2018, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh đã đầu tư hơn 60 triệu đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại 3 chốt và 1 trạm bảo vệ rừng.
Ông Trần Phước Phi, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, cho hay: “Rất nhiều năm trước, anh em ở các chốt, trạm bảo vệ rừng phải sử dụng đèn dầu, nguồn điện sinh hoạt rất hạn chế do phải dùng bình ắc quy. Có tiết kiệm lắm thì cũng chỉ được 3 ngày là phải mang bình ắc quy xuống thị trấn sạc, mất công lắm. Từ khi có hệ thống điện mặt trời, việc thực hiện nhiệm vụ, sinh hoạt của anh em thuận lợi hơn nhiều”.
Link gốc