Ứng dụng theo dõi tiền điện "hút" người dùng

Thứ hai, 14/6/2021 | 20:39 GMT+7
Các ứng dụng theo dõi lượng điện tiêu thụ thu hút hàng chục nghìn lượt tải mỗi ngày nhưng mới chỉ dành cho người dùng ở Hà Nội và TP HCM.
 
Ứng dụng của EVN Hà Nội giúp theo dõi số điện hàng ngày. Ảnh: Lưu Quý
 
Trên kho ứng dụng của iOS và Android, các ứng dụng chăm sóc khách hàng của công ty điện lực các địa phương nhận được hàng trăm nghìn lượt tải thời gian gần đây.
 
Ứng dụng EVNHCMC của Tổng công ty Điện lực TP HCM đạt hơn 100 nghìn lượt tải trên Play Store. Ứng dụng EVNHANOI của Tổng công ty Điện lực Hà Nội liên tục nằm trong top 10 ứng dụng kinh doanh được tải nhiều nhất trên iOS. Tổng Công ty Điện lực Hà Nội còn cung cấp thêm một ứng dụng khác là EPoint, chuyên theo dõi số điện và tích điểm, cũng lot top 30 ứng dụng được tải nhiều nhất trên iOS tại Việt Nam.
 
Các ứng dụng theo dõi số điện, tiền điện được tải nhiều trong bối cảnh nhiều địa phương giãn cách xã hội, nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Do đó, người dùng cần các giải pháp theo dõi tiền điện hàng ngày. Theo đại diện đơn vị phát triển ứng dụng EPoint cho EVN Hà Nội, ứng dụng này ra mắt cuối năm 2020, có tốc độ tăng trưởng người dùng hơn 100% mỗi tháng. Người dùng có xu hướng tải ứng dụng vào lúc cao điểm nắng nóng và có thời điểm ứng dụng tăng hơn 20.000 người dùng một ngày.
 
Đức Long (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) bắt đầu tải EPoint từ đầu tháng 5, sau khi được một người bạn giới thiệu và thấy đúng nhu cầu của mình từ nhiều năm nay. Theo anh Long, mỗi mùa hè tiền điện nhà anh luôn tăng mạnh vì sử dụng nhiều. Tuy nhiên trước đây, hóa đơn chỉ thể hiện tổng số điện hàng tháng, trong khi giá điện tăng theo bậc, anh phải mua giá cao nếu sử dụng nhiều. Vì vậy, anh luôn có tâm lý nghi ngờ liệu số có bị nhầm lẫn khiến mình phải trả nhiều tiền hơn hay không.
 
"Quan trọng nhất là với ứng dụng, tôi có thể theo dõi số điện hàng ngày, hàng tháng một cách minh bạch. Hôm nào dùng nhiều là biết ngay tiền điện sẽ tăng bao nhiêu", anh Long nói.
 
Ngoài ra, việc theo dõi số điện hàng ngày, lịch sử tiền điện từ nhiều tháng trước, giúp người dùng biết mức độ tiêu thụ và điều chỉnh để tiết kiệm.
 
"Năm ngoái, có tháng tiền điện nhà tôi tăng gấp 3 lần. Tôi từng phải lắp thêm công tơ trong nhà để theo dõi và đối chiếu, nhưng sau đó lại thôi vì việc lắp đặt phức tạp", Đức Hưng (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ. Việc nắm được số điện hàng ngày, theo anh Hưng, còn giúp gia đình anh điều chỉnh việc sử dụng điện.
 
Trên các kho ứng dụng, các ứng dụng theo dõi số điện cũng nhận được nhiều đánh giá tốt. Một số "app" còn ước tính số tiền phải trả theo thời gian thực, so sánh với cùng kỳ năm trước, đưa ra hướng dẫn tiết kiệm điện cho người dùng tham khảo.
 
Ứng dụng theo dõi điện đều có các tính năng chính: theo dõi số điện hàng ngày, ước tính số điện tiêu thụ của mỗi thiết bị, ước lượng số tiền phải trả, thanh toán tiền điện, cũng như thông tin về ngành điện, chẳng hạn lịch cắt điện dự kiến nếu có. Một số ứng dụng còn có chính sách tặng điểm cho ai có số điện giảm.
 
Để sử dụng các ứng dụng này, người dùng phải là chủ hợp đồng điện. Việc đăng ký tài khoản được thực hiện thông qua số hợp đồng và số điện thoại đã đăng ký trước đó. Hệ thống sẽ gửi mã OTP về điện thoại để xác minh và người dùng có thể sử dụng ngay sau đó. Ngoài ứng dụng, việc tra cứu có thể thực hiện thông qua website của các công ty điện lực.
 
Hiện việc theo dõi số điện qua ứng dụng mới được một số Tổng công ty điện lực lớn áp dụng, như  Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, Tổng Công ty Điện lực TP HCM.
 
Trước đây, muốn biết số điện tiêu thụ hàng ngày, người dùng phải tìm đến các thiết bị bên ngoài. Công tơ điện giá vài trăm nghìn đồng từng là mặt hàng bán chạy trên các trang thương mại điện tử vì hỗ trợ người dùng tự theo dõi số điện. Tuy nhiên các thiết bị này lắp đặt khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro về độ an toàn, trong khi độ chính xác chưa được kiểm nghiệm.
 
Theo: VnExpress