Quản lý năng lượng

Vận động doanh nghiệp điều tiết sử dụng điện giờ cao điểm

Thứ năm, 15/8/2019 | 09:40 GMT+7
Chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) được triển khai nhằm khuyến khích khách hàng chủ động giảm nhu cầu sử dụng điện được cung cấp từ hệ thống điện quốc gia khi có yêu cầu. 
Các công xưởng Nhà máy Sơn Hà Bắc Ninh, Tập đoàn Sơn Hà luân phiên sản xuất, tránh gây áp lực về công suất điện trong giờ cao điểm.
 
Chương trình này đang được Chính phủ khuyến khích thực hiện; ngành điện đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để thu hút khách hàng doanh nghiệp (DN) tham gia.
 
Đa lợi ích khi điều chỉnh phụ tải giờ cao điểm
 
Nhấn mạnh lý do vì sao các DN phải điều chỉnh phụ tải điện, theo Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm: Vào những giờ cao điểm, nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, đẩy công suất của hệ thống điện lên cực đại. Nếu không thực hiện DR vào lúc này, ngành điện sẽ phải đầu tư rất nhiều vào nguồn và lưới điện để có thể đáp ứng mức công suất cực đại của hệ thống điện. Mức công suất tăng cao như vậy có thể chỉ kéo dài 10-15 phút, nhưng vốn cần đầu tư lại quá lớn, khiến giá thành sản xuất điện tăng cao, tạo áp lực lên giá bán điện, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng điện. "Kiểm soát nhu cầu phụ tải được EVN xác định là giải pháp hết sức quan trọng và đang được triển khai tích cực. Chỉ cần mỗi người dân, DN giảm một chút nhu cầu sử dụng điện vào giờ cao điểm sẽ góp phần giảm công suất cực đại của hệ thống điện. Từ đó giảm áp lực đầu tư cho ngành điện, giảm áp lực tăng giá điện, tiết kiệm chi phí tiêu thụ điện cho DN, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường… Đây là những lợi ích thiết thực của chương trình DR”, ông Võ Quang Lâm nhấn mạnh.
 
Bộ Công Thương xác định, thời gian tới, chương trình DR cần được đẩy mạnh triển khai tới đông đảo khách hàng tiềm năng, với mục tiêu giảm ít nhất 30% công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện, tương ứng 90MW vào năm 2020, 300MW vào năm 2025 và 600MW vào năm 2030. Chính vì vậy, giải pháp DR rất cần sự chung tay, hưởng ứng của các DN, nhất là các DN công nghiệp xây dựng-khối khách hàng tiêu tốn hơn 50% tổng sản lượng năng lượng toàn quốc.
 
Gắn trách nhiệm với lợi ích của doanh nghiệp
 
EVN và các tổng công ty (TCT) điện lực đang tích cực triển khai chương trình DR. Theo ông Võ Quang Lâm, EVN đã yêu cầu các TCT điện lực trực thuộc tiếp tục xây dựng các chương trình chăm sóc đặc biệt, nâng cao chất lượng điện năng cung ứng cho các khách hàng tham gia chương trình DR phi thương mại.
 
Theo Phó tổng giám đốc TCT Điện lực miền Bắc (EVNNPC) Lê Quang Thái: Tại 27 tỉnh miền Bắc, EVNNPC đã lựa chọn được hơn 4.000 DN có sản lượng điện tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên để mời tham gia chương trình DR. Tính đến tháng 6-2019 đã có hơn 1.100 khách hàng đồng ý và ký thỏa thuận tham gia chương trình này.
 
Đề cập tới các lợi ích của DN khi tham gia chương trình DR, ông Lê Quang Thái cho biết: "EVNNPC cam kết tạo điều kiện tối đa cho DN tham gia chương trình bằng việc hỗ trợ nâng cao độ tin cậy cung cấp điện; đưa vào danh sách khách hàng ưu tiên cấp điện; rút ngắn thời gian xử lý sự cố lưới điện; hỗ trợ tối đa các yêu cầu phát sinh trong quá trình sử dụng điện; tư vấn miễn phí về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; miễn phí vệ sinh định kỳ trạm biến áp khách hàng; hỗ trợ, tư vấn kiểm toán năng lượng; chăm sóc khách hàng...".
 
Theo Phó giám đốc Công ty Điện lực Hải Phòng Nguyễn Hữu Hưởng: Chương trình DR ngoài việc tiết giảm công suất phụ tải đỉnh cho ngành điện, nâng cao chất lượng cung cấp điện, phát triển kinh tế bền vững thì cũng giúp khách hàng tham gia giảm chi phí sử dụng điện do giảm nhu cầu dùng điện vào giờ cao điểm, tăng hiệu quả sử dụng điện, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, ngành điện cũng có nhiều ưu đãi để khuyến khích khách hàng tham gia chương trình DR. Dư địa để thực hiện điều chỉnh phụ tải, giảm áp lực lên hệ thống điện còn rất lớn, song, nhiều DN vẫn còn băn khoăn về điều chỉnh phụ tải có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị, bởi phải điều chỉnh lại thời gian hoạt động sản xuất, phân bổ nhân lực.
 
Ngành điện đã dành nhiều lợi ích cho khách hàng tham gia chương trình DR nhưng nhiều ý kiến cho rằng điều này chưa đủ sức để chương trình DR hoạt động lâu bền và hiệu quả. Bởi thực tế cho thấy, có tình trạng khách hàng đã ký cam kết tiết giảm công suất vào giờ cao điểm, nhưng các thỏa thuận chưa có tính ràng buộc pháp lý nên đến thời điểm cần tiết giảm, một số khách hàng từ chối tham gia vì đang gấp rút sản xuất theo đơn hàng. Do đó, một số ý kiến đề nghị Bộ Công Thương, EVN sớm nghiên cứu, xây dựng chế tài điều chỉnh phụ tải thương mại, gắn liền quyền lợi với trách nhiệm của khách hàng để tạo động lực, khuyến khích khách hàng tích cực tham gia mà vẫn bảo đảm được mục tiêu đề ra.
 
Với góc nhìn của DN sử dụng điện, Phó TCT Công ty Ximăng Chinfon (Hải Phòng) Lê Minh Hiếu cho rằng: "Chu trình hoạt động sản xuất của các DN là khác nhau, kéo theo nhu cầu sử dụng điện cũng khác nhau. Vì vậy, cơ quan quản lý Nhà nước và ngành điện cần xây dựng chương trình DR hợp lý với hoạt động của DN. Theo đó, trên cơ sở thống kê, tính toán nhu cầu sử dụng điện của từng DN theo khối sản xuất, ở từng thời điểm, ngành điện sẽ xây dựng chương trình phần mềm quản lý thông minh để tự động điều tiết, tránh chỗ thừa, chỗ thiếu. Điều này nhằm bảo đảm được cả hai mục tiêu giảm phụ tải cực đỉnh và bảo đảm ổn định hoạt động của DN".
Theo: QĐND