Ảnh: VH.
Trong những năm qua, hệ thống VTDR của EVN đóng góp quan trọng vào việc điều hành, vận hành ổn định hệ thống điện cũng như phục vụ công tác quản trị, quản lý tới các đơn vị cấp 3, cấp 4 của Tập đoàn.
Thực hiện nhiệm vụ của Tập đoàn giao, Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) là đơn vị đang triển khai thay đổi quy trình sản xuất, triển khai, quản trị, vận hành các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) và VTDR để tối ưu hóa hiệu suất, năng lực hệ thống điện, nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa chi phí của Tập đoàn.
Là một Tập đoàn lớn, có nhiều đơn vị thành viên, vì thế EVN đã xác định cần xây dựng các kế hoạch định hướng phát triển VTDR một cách thống nhất về kiến trúc hệ thống, công nghệ sử dụng và mô hình cung cấp dịch vụ. Ông Phạm Ngọc Hiển - Phó Giám đốc EVNICT cho biết, ngay từ năm 2016, EVN đã ban hành kế hoạch phát triển VTDR giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2025. Và trong năm 2021 này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành kế hoạch phát triển VTDR giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong định hướng phát triển hệ thống mạng VTDR của EVN có các nội dung chính như: Xây dựng và phát triển hệ thống truyền dẫn của EVN hiện đại, an toàn, tin cậy, chất lượng cao và có độ dự phòng đáp ứng được các nhu cầu phục vụ công tác điều hành sản xuất kinh doanh điện năng; điều hành, vận hành hệ thống điện và thị trường điện. Cùng với đó, xây dựng hệ thống truyền dẫn quang của EVN tin cậy, ổn định thông qua mạng cáp quang đến các nhà máy điện (NMĐ) của EVN, các trạm biến áp (TBA) có cấp điện áp từ 110kV trở lên, trụ sở các điện lực cấp quận/huyện trở lên. Đồng thời đảm bảo tính hiệu quả, khai thác sử dụng chung tài nguyên hệ thống viễn thông giữa các đơn vị trong toàn Tập đoàn.
Ảnh: VH.
Cùng với đó chuẩn hóa mô hình cung cấp dịch vụ cho các công trình điện (TBA, NMĐ, đường dây) làm cơ sở cho công tác tư vấn, thiết kế hạng mục viễn thông đầu tư đồng bộ với công trình điện; Tiêu chuẩn hóa các thiết bị, hạ tầng dùng trong hệ thống viễn thông của EVN. Mặt khác chuẩn hóa trong toàn EVN cấu trúc mạng truyền dẫn, phương thức ghép nối giữa các lớp mạng, tiêu chuẩn công nghệ - kỹ thuật của thiết bị đảm bảo ghép nối tương thích các lớp truyền dẫn làm cơ sở để tối ưu hóa mạng, dễ dàng thiết lập các mạch vòng làm tăng độ ổn định và tin cậy hệ thống. Ngoài ra đảm bảo hạ tầng viễn thông phục vụ kế hoạch chuyển đổi số của EVN.
Với vai trò và nhiệm vụ của mình, EVNICT đã xây dựng và tham mưu cho Tập đoàn sớm ban hành kế hoạch định hướng phát triển VTDR giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời vận hành mạng truyền dẫn quang đường trục Bắc - Nam theo các mạch đường dây 500kV với tốc độ cao và độ ổn định cao nhất để làm mạng đường trục cho toàn bộ các đơn vị trong EVN.
Phó Giám đốc Phạm Ngọc Hiển cho biết, mạng truyền dẫn đường trục đang được EVN xây dựng với công nghệ tiên tiến hiện nay là công nghệ ghép kênh bước sóng DWDM 100Gbps. Việc chuyển đổi công nghệ SDH có từ đầu những năm 1990 sang công nghệ mới OTN cho mạng truyền dẫn liên tỉnh của EVN nhằm đáp ứng nhu cầu băng thông tốc độ cao và dịch chuyển sang mạng IP của các đơn vị thành viên trong Tập đoàn.
Theo ông Hiển, chuyển đổi công nghệ truyền dẫn và các dịch vụ sang IP để phù hợp với xu thế chung của thế giới, hiện EVN đang áp dụng mạnh hệ thống SCADA 104 (IP) vào các TBA/Nhà máy để kết nối về Trung tâm điều khiển xa của các đơn vị. Cùng với đó, EVNICT nâng cấp và bổ sung mới các hệ thống phần mềm giám sát, công cụ giám sát để giám sát mạng lưới, tài nguyên và dịch vụ cho hệ thống mạng VTDR của EVN. Mặt khác, củng cố và tăng cường đội ngũ nhân sự Điều hành toàn quốc mạng VTDR của EVN để điều hành thống nhất hệ thống VTDR; vận hành ổn định hệ thống truyền dẫn đường trục của EVN, đảm bảo kết nối thông suốt và liên tục với độ ổn định trên 99,99%.
Trong kế hoạch phát triển viễn thông của EVN giai đoạn từ 2021 đến 2030, sẽ xây dựng hệ thống truyền dẫn quang đến các TBA từ 110kV trở lên, các NMĐ của EVN, các trụ sở điện lực bằng cáp quang OPGW, cáp quang ADSS, cáp quang F8, đồng bộ với việc xây dựng và phát triển hệ thống điện theo dự thảo Quy hoạch điện VIII và các quy hoạch điện tại 63 tỉnh/thành.
Mục tiêu trong 10 năm tới của EVN là xây dựng hệ thống truyền dẫn quang theo công nghệ WDM/OTN và truyền tải IP công nghệ MPLS-TP; Đảm bảo 100% các NMĐ củaTập đoàn, TBA 500kV được kết nối bằng hai đường truyền dẫn quang độc lập; Đảm bảo 100% các TBA 220kV được kết nối bằng hai đường truyền độc lập, tối thiểu một trong hai đường phải sử dụng cáp quang OPGW để kết nối; Đảm bảo 100% các TBA 110kV được kết nối bằng cáp quang về Trung tâm điều khiển xa; trong đó trên 90% số trạm được kết nối dự phòng.
Cũng trong 10 năm tới, EVN đảm bảo 100% các đơn vị cấp 3 và trên 95% các đơn vị cấp 4 (Điện lực Quận/huyện) được kết nối bằng cáp quang vào hệ thống truyền dẫn của Tập đoàn; Đảm bảo đến năm 2025, EVN có 4 đường trục truyền dẫn quang Bắc – Nam; trong đó có 3 mạch đường trục DWDM (200Gbps/mạch) và 1 mạch đường trục OTN (10Gbps). Hệ thống tổng đài và thuê bao sẽ xem xét chuyển sang dùng công nghệ IP, thoại chạy qua giao thức SIP thay thế cho cho các tổng đài thuần TDM hiện nay.
EVN cũng đáp ứng cung cấp kênh truyền phục vụ các dịch vụ quan trọng của Tập đoàn như: hệ thống kênh phục vụ điều hành, vận hành hệ thống điện; kênh truyền dẫn phục vụ điều hành sản xuất kinh doanh điện năng; kênh truyền phục vụ điều hành, vận hành thị trường điện. Bên cạnh đó, chia sẻ và sử dụng chung hạ tầng giữa các đơn vị trong Tập đoàn để tối ưu chi phí sử dụng chung như: sợi quang, kênh luồng, phòng máy, thiết bị nguồn DC/UPS…
Bên cạnh việc xây dựng hạ tầng phụ trợ tại phòng thông tin, phòng máy viễn thông các trạm 500kV, 220kV, NMĐ tuân thủ theo quy chuẩn Việt Nam, EVN còn xây dựng phương án đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống viễn thông dùng riêng tuân thủ theo quy định đảm bảo An toàn thông tin trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam.
Về kiến trúc, lựa chọn công nghệ cho mạng truyền dẫn giai đoạn 2021-2030, Tập đoàn định hướng như sau: Lớp truyền dẫn đường trục của EVN sẽ áp dụng công nghệ DWDM, là công nghệ ghép kênh phân chia theo bước sóng mật độ cao, có thể ghép 40-80 bước sóng trên một đôi sợi quang, tốc độ mỗi bước sóng là 10Gbps hoặc 100Gbps phù hợp với mạng EVN. Lớp truyền dẫn liên tỉnh EVN sẽ áp dụng công nghệ OTN, là công nghệ truyền dẫn thế hệ sau của công nghệ NG-SDH, nhưng tốc độ cơ sở sẽ cao hơn công nghệ SDH (tốc độ nx1,25Gbps), một số cung đoạn có thể áp dụng WDM kết hợp OTN.
Đối với lớp truyền dẫn 220kV của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), sẽ áp dụng hai công nghệ OTN và/hoặc MPLS-TP tuỳ thuộc vào đặc điểm tuyến kết nối. Với tuyến truyền dẫn 110kV, sẽ định hướng sử dụng kết hợp công nghệ WDM+OTN hoặc OTN (khi dung lượng ≤100Gbps); Hoặc sử dụng công nghệ MPLS-TP đối với các Tổng công ty không có nhu cầu truyền tải lưu lượng liên tỉnh tốc độ cao (≤10Gbps).
Để đồng bộ với kế hoạch phát triển viễn thông dùng riêng của EVN, theo ông Phạm Ngọc Hiển, với vai trò và nhiệm vụ của mình, EVNICT sẽ duy trì tốt việc điều hành, vận hành, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống VTDR do EVN giao, giữ vững vai trò là cấp điều hành cao nhất trong điều hành toàn quốc hệ thống VTDR của EVN.
Cùng với việc đáp ứng các chỉ tiêu về nâng cao độ ổn định của mạng; chất lượng quản lý vận hành hệ thống VTDR bao gồm độ khả dụng thiết bị, suất sự cố tính trên mỗi thiết bị; nâng cao năng lực điều hành hệ thống VTDR, EVNICT sẽ tiếp nhận và đưa vào vận hành các hệ thống VTDR mới do Tập đoàn đầu tư. Cung cấp đầy đủ các kênh truyền phát sinh mới từ các hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN.
EVNICT tiếp tục đảm nhận vai trò đầu mối của EVN trong lập và hiệu chỉnh Kế hoạch phát triển VTDR cho phù hợp với Quy hoạch phát triển Điện VIII khi được ban hành nhằm đảm bảo hệ thống hạ mạng lưới VTDR đồng bộ với quy mô của hệ thống Điện. Đồng thời, nghiên cứu và đề xuất EVN lộ trình và mô hình chuyển đổi dịch vụ TDM sang IP, phù hợp với xu thế công nghệ mới của thế giới. Đặc biệt đề xuất các giải pháp kỹ thuật về kênh truyền cho các nhu cầu dịch vụ mới của EVN và các đơn vị; giải pháp thay thế thiết bị cũ, lạc hậu để đáp ứng cho các dịch vụ mới hiện nay.
Trong những năm tới, EVNICT còn chú trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ chuyên gia, nhân sự đáp ứng nhu cầu vận hành các thiết bị mới, công nghệ mới cho hệ thống VTDR; Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng mạng lưới VTDR của EVNICT cả về số lượng và dung lượng, thậm chí dự phòng cho hệ thống theo định hướng của EVN. Ngoài ra, xây dựng giải pháp tăng cường An ninh bảo mật cho hệ thống VTDR này.