Phải kiểm tra nhiều lần, cả ngày lẫn đêm thì Điện lực Đức Thọ mới phát hiện hành vi ăn trộm điện của gia đình bà Nguyễn Thị L. Thiết bị kiểm tra, phát hiện các hộ vi phạm về sử dụng điện (ảnh phải).
Gia đình bà Nguyễn Thị L. (thôn Vĩnh Yên, xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) sử dụng 2 công tơ cho nhiều thiết bị điện phục vụ việc sinh hoạt hàng ngày và kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, mỗi tháng, gia đình bà L. chỉ sử dụng bình quân 115 Kwh và hóa đơn tiền điện chi trả trong khoảng 200.000 – 300.000 đồng.
Theo anh Trần Ngọc Sơn - Tổ trưởng Tổ kiểm tra, giám sát mua bán điện (Điện lực Đức Thọ) thì đây là điều bất thường bởi qua tính toán, trung bình mỗi tháng, nhà bà L. phải sử dụng sản lượng điện lớn hơn nhiều, hóa đơn tiền điện ít ra cũng phải từ 500.000 – 600.000 đồng, chứ không thể giống như của những hộ chỉ sử dụng điện phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.
Điều bất thường càng thể hiện rõ khi trạm biến áp số 6 – nơi gia đình bà L. sử dụng, có tổn thất điện năng tăng cao, dù nhân viên Điện lực Đức Thọ thường xuyên kiểm tra lưới điện, sửa chữa các khiếm khuyết. Nghi ngờ có việc câu trộm điện, nhân viên điện lực đã nhiều lần xuống cơ sở tìm hiểu.
“Kiểm tra ban ngày không phát hiện, anh em trong đội đã phải đi vào ban đêm. Qua nhiều lần như thế, cuối cùng đội cũng tìm ra việc gia đình bà Nguyễn Thị L. “ăn cắp” điện bằng cách đảo cực tính công tơ điện. Chồng bà L. từng làm ở HTX về điện nên có ít nhiều kiến thức để thực hiện các “chiêu thức” gian lận trong sử dụng điện” - anh Trần Ngọc Sơn chia hay. Với hình thức đảo cực tính công tơ điện, gia đình bà L. đã “ăn cắp” được 17.364 Kwh. Điện lực Đức Thọ đã phối hợp với cơ quan chức năng lập biên bản, truy thu số tiền 55,9 triệu đồng.
Một trường hợp khác là ông Mai Trọng Th. (Tổ dân phố 5, thị trấn Đức Thọ) cũng bị buộc phải bồi thường 15.597 kWh, với số tiền điện phải bồi thường là 46,9 triệu đồng do hành vi trộm cắp điện.
Ngoài sử dụng điện cho sinh hoạt hàng hàng, ông Th. còn sửa chữa, bán xe đạp điện và để hạ thấp sản lượng điện tiêu thụ, giảm số tiền phải đóng, ông này đã “gọt cáp nguồn trục chính” bằng cách đấu nối một đường dây “bí mật” đi trên mái nhà.
Không chỉ ở huyện Đức Thọ mà tại một số địa phương ở Hà Tĩnh, tình trạng trộm cắp điện vẫn diễn ra khá phổ biến, dù ngành điện đã có nhiều biện pháp ngăn chặn.
Trưởng phòng Kiểm tra, giám sát mua bán điện Công ty Điện lực Hà Tĩnh Trần Sỹ Bưởi cho biết: Trong năm 2019, công ty đã phát hiện 134 vụ vi phạm sử dụng điện (trộm cắp điện), truy thu số tiền 857.796 triệu đồng, tương đương với 269.170 Kwh.
Những địa phương xảy ra vi phạm trộm cắp điện nhiều như: Kỳ Anh 51 vụ; Hương Sơn 18 vụ, Cẩm Xuyên 15 vụ, Đức thọ 8 vụ, Can Lộc 11 vụ, Nghi Xuân 10 vụ...
Dù ngành điện đã triển khai nhiều biện pháp ngăn ngừa việc ăn trộm điện nhưng tình trạng này vẫn tái diễn ở nhiều địa phương.
Theo thống kê, đối tượng câu trộm điện chủ yếu là các hộ gia đình, khi sử dụng các thiết bị tiêu hao nhiều điện năng. Các hình thức câu trộm điện như: Câu móc trực tiếp trước công tơ không qua hệ thống đo đếm, phá chì niêm công tơ làm sai lệch hệ thống đo đếm, dùng thiết bị bên ngoài đảo sơ đồ đấu dây tác động đến hệ thống đo đếm nhằm làm sai lệch điện năng tiêu thụ…
Trưởng phòng Kiểm tra, giám sát mua bán điện Công ty Điện lực Hà Tĩnh cho biết, cũng do một phần nhận thức và trình độ hiểu biết pháp luật của người dân ở một số vùng còn hạn chế, không ý thức được việc trộm cắp điện là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít trường hợp cố tình vi phạm với mục đích dùng điện “chùa” hay giảm tiền điện cho gia đình.
“Việc trộm cắp điện không chỉ làm thất thoát điện năng mà còn gây sự cố, mất an toàn lưới điện” - ông Trần Sỹ Bưởi cho hay.
Link gốc