Diễn đàn năng lượng

Vì sao đầu tư năng lượng mặt trời ngày càng có sức hút mạnh mẽ?

Thứ hai, 30/3/2020 | 01:45 GMT+7
Đầu tư năng lượng mặt trời đang là một xu hướng, nhộn nhịp với các dự án lên tới hàng trăm triệu USD.

Lĩnh vực xanh và năng lượng tái tạo đang thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư.
 
Trên toàn cầu đang diễn ra một cuộc cách mạng về năng lượng tái tạo với mức đầu tư “nhảy vọt” mỗi năm. Hiện nay, năng lượng tái tạo đang là ngành công nghiệp lớn thứ 3 trên thế giới về thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực xanh. Giai đoạn 2010-2019, có tới khoảng 2,6 nghìn tỷ USD đổ vào năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện lớn với công suất trên 50MWh). Con số này nhiều hơn gấp ba lần so với thập kỷ trước. Trong đó, đầu tư năng lượng mặt trời hút nhiều vốn nhất (chiếm 52%), tiếp theo là năng lượng gió (41%), năng lượng sinh khối và chất thải (4%), sau cùng là địa nhiệt và đại dương.
 
Có thể kể đến một số lý do khiến năng lượng mặt trời nói riêng, năng lượng tái tạo nói chung được ngày càng nhiều “ông lớn” lựa chọn đầu tư:
 
Đón đầu xu hướng của tương lai
 
Nguồn nguyên liệu hóa thạch dần cạn kiệt, môi trường ngày càng ô nhiễm, hiệu ứng nhà kính và sự nóng lên của trái đất… là bài toán đặt ra cho toàn nhân loại. Một trong những giải pháp cho vấn đề bức thiết này là khai thác các nguồn năng lượng tái tạo sạch, bền vững. Hơn nữa, khi nguyên liệu hóa thạch dần cạn kiệt, sản lượng điện từ các nhà máy điện truyền thống cũng giảm mạnh, dẫn đến nguy cơ thiếu điện xảy ra không chỉ ở phạm vi một vài nước. Đầu tư năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các nguồn năng lượng sạch khác tất nhiên sẽ mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho những ai “nhanh chân”. Khi cả thế giới chuyển mình sang khai thác năng lượng tái tạo thay thế các nguồn năng lượng truyền thống, việc đầu tư đón đầu xu hướng là điều tất yếu.
 

Phát triển năng lượng tái tạo – xu hướng toàn cầu để đón đầu tương lai.
 
Nhiên liệu miễn phí, phí bảo dưỡng thấp, chi phí ngày càng giảm
 
Khi đầu tư năng lượng mặt trời, có một thế mạnh rất lớn là chỉ bỏ ra chi phí ban đầu, sau đó không tốn chi phí nhiên liệu và vận hành, chi phí bảo dưỡng cũng rất thấp. Hơn nữa, chi phí đầu tư điện mặt trời cũng đang ngày càng giảm. Theo thống kê, tính từ năm 2009 đến đầu năm 2019, chi phí cho năng lượng mặt trời đã giảm tới 81%, còn 57 USD/MWh. Ở các nước G20, con số này còn thấp hơn. Trong khi đó, sản xuất năng lượng bằng nhiên liệu hóa thạch có giá từ 50-170 USD/MWh. Việc chi phí đầu tư của điện mặt trời giảm liên tục trong vài năm trở lại đây càng thúc đẩy sự gia tăng các dự án lớn ở nhiều quốc gia.
 

Những dự án điện mặt trời công suất lớn với số vốn đầu tư “khủng” xuất hiện ngày càng nhiều.
 
Chính sách trợ cấp vốn và hỗ trợ trực tiếp
 
Nhiều quốc gia trên toàn cầu muốn phát triển năng lượng tái tạo nên tung ra các khoản tài trợ và chính sách ưu đãi tài chính, kích thích ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này. Chẳng hạn, năm 2016, có tới 58 quốc gia áp dụng trợ cấp vốn cho năng lượng tái tạo, trong khi con số này vào năm 2005 là 28 quốc gia. Hiện nay, các quốc gia đang chuyển từ trợ cấp vốn sang đấu thầu nhưng vẫn đi kèm nhiều chính sách hỗ trợ nên vẫn thu hút dòng vốn đầu tư. Điểm đến hàng đầu cho các nhà đầu tư năng lượng mặt trời nói riêng, năng lượng tái tạo nói chung là khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, tiếp theo là Tây Âu và Hoa Kỳ. Trong đó, dòng vốn đầu tư đổ nhiều nhất vào cơ sở hạ tầng và R&D (nghiên cứu phát triển) nhằm tăng khả năng áp dụng công nghệ điện lưới thông minh, cải thiện hiệu suất và giảm nhanh giá thành.
 
Mua bán chứng chỉ CERs
 
Với những nhà đầu tư năng lượng mặt trời, lợi nhuận thu được từ sản xuất điện không phải là mục tiêu duy nhất. Trong khoảng thời gian Nghị định thư Kyoto có hiệu lực (năm 2005-2012), việc mua bán chứng chỉ CERs trở nên sôi động, chứng chỉ CERs là lợi ích thứ hai hấp dẫn các nhà đầu tư. Nghị định thư Kyoto là một thỏa thuận về việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính còn chứng chỉ CERs là chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận. Tại các nước phát triển, có thể mua bán các chứng chỉ CERs hoặc hợp tác với các nước đang phát triển xây dựng các dự án CDM để sở hữu các chứng chỉ CERs. Mặc dù Nghị định thư Kyoto đã hết hiệu lực, các dự án phát triển sạch vẫn phát triển để đón đầu thị trường CERs sôi động trở lại. Đó cũng là một lý do khiến các nhà đầu tư hào hứng trong lĩnh vực điện mặt trời.
Theo: Năng lượng news