Các DN năng lượng Hoa Kỳ chia sẻ kinh nghiệm khai thác, vận chuyển, nhập khẩu LNG
Tiềm năng hợp tác
Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí của Việt Nam đến năm 2025, định hướng tới năm 2035, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu 1- 4 tỉ m3 khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG - Liquefied Natural Gas) mỗi năm trong giai đoạn 2021-2025, con số này có thể tăng tới mức 6- 10 tỉ m3 mỗi năm sau đó.
Hiện nay, Hoa Kỳ hiện là một trong những đối tác hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng để nhập khẩu và vận chuyển LNG tại cảng Sơn Mỹ, phục vụ cho vận hành Nhà máy Điện khí Sơn Mỹ 2- là dự án của Tập đoàn AES (Hoa Kỳ) có tổng công suất 2,2GW, đặt tại tỉnh Bình Thuận. Dự án Với tổng vốn đầu tư dự kiến 1,7 tỷ USD.
Ngoài ra, hiện tại có khoảng 7 khu vực cảng được xây dựng để chuẩn bị cho việc khai thác LNG. Công suất mỗi cảng có thể cung cấp từ 1- 3 triệu tấn LNG mỗi năm, đặc biệt khu vực cảng Tiền Giang có công suất lên tới 4- 6 triệu tấn khí hoá lỏng/năm. Dự kiến có 5 trong 7 cảng sẽ chính thức hoạt động vào giai đoạn 2020- 2025 để kịp thời phục vụ cho nhu cầu sử dụng LNG của ngành năng lượng Việt Nam.
Đẩy mạnh hợp tác
Tại buổi thảo luận về việc áp dụng các tiêu chuẩn công nghiệp của Hoa Kỳ được công nhận và áp dụng trên toàn cầu cho ngành LNG ngày 13/12 do phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, hợp tác với Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) tổ chức - Phó Tổng lãnh sự Hoa Kỳ - ông Timothy Liston cho biết các DN Hoa Kỳ sẵn sàng chia sẻ thông tin và các kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất để áp dụng các tiêu chuẩn, quy tắc của ngành LNG với mục tiêu hỗ trợ hai khối công và tư của Việt Nam thực hiện các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận trong lĩnh vực năng lượng vào các dự án khai thác, vận chuyển LNG tại Việt Nam.
Đại diện các DN trong ngành năng lượng Hoa Kỳ như Cheniere Energy, Energy Capital Vietnam, Gen- X Energy, LNG Limited... cũng có cùng đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng đối với các công ty cung cấp LNG từ Hoa Kỳ, tiềm năng của thị trường năng lượng và LNG của Việt Nam rất lớn và còn tiếp tục mở rộng trong vòng 5- 10 năm tiếp theo nhằm ứng nhu cầu phát triển và sử dụng năng lượng sạch tại Việt Nam. Hiện nhiều DN Hoa Kỳ đang trong tiến trình thương lượng với những tập đoàn năng lượng đầu ngành, các cơ quan chính quyền ở Việt Nam để việc nhập khẩu LNG từ Hoa Kỳ vào Việt Nam dễ dàng và thuận tiện hơn.
Sắp tới, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ tổ chức một chương trình xúc tiến thương mại vào cuối tháng 3/2020 tại Việt Nam theo chương trình AsiaEDGE (Chương trình tăng cường phát triển và tăng trưởng thông qua năng lượng tại châu Á) nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong ngành năng lượng giữa hai nước.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến 2025, định hướng đến 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và các công ty thành viên sẽ triển khai chuỗi các dự án khí - điện sử dụng khí LNG nhập khẩu. Chính phủ cũng chấp thuận việc nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 sử dụng LNG theo nguyên tắc giá khí chuyển ngang và bao tiêu sản lượng. Việc sử dụng khí LNG cung cấp giải pháp năng lượng sạch hơn, tin cậy hơn với giá hợp lý sẽ giữ vai trò chủ chốt trong việc giải quyết nhu cầu năng lượng đang ngày càng tăng của Việt Nam.
Link gốc
Theo: Báo Công Thương