Quản lý năng lượng

Việt Nam có đủ nhân lực khi nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vận hành

Thứ sáu, 6/5/2016 | 10:30 GMT+7
Đến năm 2022, số lượng nhân sự cần thiết cho hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I và II khoảng 2.200 người.

 
Theo Ban Quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đến năm 2022, số lượng nhân sự cần thiết cho hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I và II khoảng 2.200 người. Trong đó, yêu cầu về trình độ đại học hơn 800 người, cao đẳng nghề hơn 900 người và gần 400 lao động phổ thông.
 
Việt Nam có đủ nhân lực
 
Để đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, từ năm 2010 Nga và Việt Nam đã triển khai một chương trình huấn luyện nhân lực công nghiệp hạt nhân cho Việt Nam tại Nga. Đến năm 2015 đã có gần 400 sinh viên Việt Nam học tập tại các trường đại học ở Nga về công nghệ hạt nhân và lứa sinh viên đầu tiên của Việt Nam sẽ tốt nghiệp vào cuối năm nay.
 
Theo các chuyên gia về điện hạt nhân, đào tạo nhân sự vận hành nhà máy điện hạt nhân không thể thành công nếu nền khoa học cơ bản không được phát triển mạnh mẽ. Ông Valery Karezin, Giám đốc Dự án của Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga cho rằng, với lợi thế của Việt Nam là có hệ thống các trường đại học, cao đẳng và trung cấp kỹ thuật về khoa học, kỹ thuật và công nghệ tốt, có kinh nghiệm về đào tạo; tại các bậc học phổ thông đã có sự tiếp cận ban đầu với các kiến thức về vật lý và các kiến thức liên quan. Có thể nói hạ tầng cơ sở cho việc đào tạo nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân rất thuận lợi.
 
Trong những năm qua, Nga cũng đã tổ chức cho các chuyên gia Việt Nam thực tập tại các công trình nhà máy điện hạt nhân đang được thi công. Năm 2014, đã có hơn 150 chuyên gia hoàn thành khóa thực tập tại công trường nhà máy điện hạt nhân Rostov.
 
Không chỉ đưa các sinh viên, chuyên gia đi đào tạo tại Nga, Việt Nam còn phối hợp với Nhật Bản tìm kiếm và lựa chọn những học sinh xuất sắc học tập về ngành điện hạt nhân tại Nhật Bản, dự kiến khoảng 20 người/năm. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng của các lượt cán bộ tham dự các chương trình đào tạo ngắn hạn về quản lý và kỹ thuật tại Nhật Bản.
 
EVN đã đào tạo 15 cán bộ nòng cốt đầu tiên tại Nhật trong 2 năm để làm việc tại Ban quản lý dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận và hiện EVN tiếp tục gửi 9 cán bộ nòng cốt đào tạo 2 năm tại Nhật Bản từ tháng 9/2014. Các nhân sự này sau khi về nước sẽ tiếp tục tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn chuyên sâu khác ở trong và ngoài nước tùy thuộc vào vị trí, chức danh công nghiệp được phân công.
 
Ngoài ra, trong những năm qua, một số lượng cán bộ kỹ thuật của Việt Nam cũng đã tốt nghiệp thạc sỹ và tiến sỹ tại các nước tiên tiến trong lĩnh vực điện hạt nhân. Bên cạnh đó, hàng trăm lượt chuyên gia nước ngoài đã đến hỗ trợ Việt Nam. Hàng trăm lượt cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật của các cơ quan chức năng đã được huấn luyện, bồi dưỡng ở nước ngoài nhằm bổ sung kiến thức và kỹ năng cần thiết cho yêu cầu triển khai chương trình điện hạt nhân.
 
Ngoài ra, từ nhiều năm qua, ở một số có sở đào tạo ở trong nước đã mở một số chuyên ngành đào tạo về kiến thức cơ bản (cử nhân) và ứng dung (kỹ sư), về vật lý và hóa học … như các Trường Đại học Khoa học, Đại học Bách khoa ở Hà Nội và Tp. HCM hay Đại học Đà Lạt với sự tận dụng điều kiện gần lò phản ứng duy nhất ở nươc ta ở Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Dĩ nhiên, sự quan tâm đầu tư hơn nữa của các cấp đối với việc đào tạo trong nước cũng cần tăng cường hơn nữa.
 
Trả lời về câu hỏi về “Khả năng đáp ứng nhu cầu nhân lực” cho dự án Nhà máy điện hạt nhân Việt Nam, ông Phan Minh Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận khẳng định: “Việc đào tạo nhân lực cho phát triển điện hạt nhân triển khai theo đúng kế hoạch thì Việt Nam đủ nhân lực khi nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vận hành”.
 
Sinh viên Việt Nam có nền tảng tốt
 
Theo các chuyên gia quốc tế, Việt Nam có tiềm năng lớn trong đào tạo nhân lực điện hạt nhân vì có hệ thống quốc gia đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực vật lý, toán học và khoa học kỹ thuật rất tốt.
 
Ông V. Karezin, Giám đốc Dự án Giáo dục Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Nga - ROSATOM, khẳng định, hiện tại, hơn 340 sinh viên Việt Nam đang học tại các trường đại học đào tạo về hạt nhân tại Nga. “Chúng tôi rất vui khi nói rằng sinh viên Việt Nam được đánh giá cao không chỉ bởi sự chăm chỉ mà còn bởi học lực của các em. Sinh viên Việt Nam thể hiện được nền tảng kiến thức vững chắc tiếp thu được từ hệ thống giáo dục của Việt Nam, nơi các trường học rất chú trọng các môn vật lý và toán học. Đây là 2 ngành học sinh viên Việt Nam thu được kết quả tốt nhất thể hiện qua việc chiến thắng nhiều cuộc thi”, ông V. Karezin nói.
 
Trao đổi về những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến quá trình đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân Việt Nam tại Nga, ông V. Karezin cho rằng, khó khăn lớn nhất có thể cản trở việc học tập hiệu quả của sinh viên Việt Nam là rào cản ngôn ngữ. Tuy nhiên, thực tế thì các sinh viên Việt Nam lại thích nghi rất nhanh với môi trường mới.
 
Năm 2014, 174 chuyên gia xây dựng Việt Nam đã thực tập tại công trường xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Rostov. Bên cạnh việc thực tập tại công trường, chương trình này cũng bao gồm tập huấn phân tích các tài liệu kỹ thuật, làm chủ quy trình an ninh, nghiên cứu về tiêu chuẩn và yêu cầu an toàn của Nga.
 
Nga đã xây dựng một chương trình đào tạo thích hợp cho các chuyên gia điện hạt nhân Việt Nam và chương trình này tuân thủ theo nhu cầu nhân lực quốc gia trong dài hạn. Cũng cần lưu ý rằng, tính đến trình độ kỹ thuật cao của Việt Nam và mối quan hệ truyền thống gần gũi giữa 2 quốc gia, Việt Nam sẽ dần phát triển chương trình đào tạo nhân lực ngay tại các trường đại học học của mình. “Hơn thế nữa, vào năm 2017, chúng tôi sẽ bắt đầu xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ tại Việt Nam, với nguồn nhân lực sở tại cũng như có sự cộng tác của các chuyên gia nước ngoài”, ông V. Karezin khẳng định.
Theo: Viet Q