Diễn đàn năng lượng

Việt Nam được lợi gì từ phát triển điện hạt nhân?

Thứ năm, 7/5/2015 | 14:49 GMT+7
Dự án điện hạt nhân (ĐHN) lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, trong bối cảnh đất nước có trình độ phát triển khoa học và công nghệ ở mức vừa phải. Vậy, việc phát triển ĐHN sẽ mang lại lợi ích gì - là vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm. 
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt .
 
Đa dạng hóa nguồn năng lượng
 
Ông Đoàn Thế Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Nhiệt điện và điện hạt nhân- Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương- cho biết, theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến 2030, phải cung cấp đủ nguồn điện trong nước. Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2015 khoảng 194 - 210 tỷ kWh; năm 2020 khoảng 330 - 362 tỷ kWh; năm 2030 khoảng 695 - 834 tỷ kWh.
 
Do đó, việc phát triển ĐHN không những đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng lên, đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, bảo đảm giá thành sản xuất năng lượng mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính. Đặc biệt, việc đầu tư ĐHN nhằm đáp ứng kỳ vọng giảm nhập khẩu nhiên liệu và năng lượng luôn bất ổn về giá. Bởi hiện nay, tổng vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2011 - 2015 là khoảng 5,864 tỷ USD/năm, 2016 - 2025 là hơn 7,8 tỷ USD/năm; 2026-2030 là hơn 9,6 tỷ USD/năm. Bên cạnh đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than từ nay đến 2030 là khoảng 33 tỷ USD, bình quân khoảng 1,6 tỷ USD/năm.
 
“Việc phát triển ĐHN nhằm bảo đảm an ninh năng lượng. Các nhà quản lý luôn phải tính đến phương án rủi ro khi một loại năng lượng nào đó ngừng hoạt động, phải có một loại năng lượng khác thay thế”, ông Vinh nhấn mạnh.
 
Cũng trên quan điểm này, ông Phan Minh Tuấn- Phó giám đốc Ban Quản lý dự án ĐHN Ninh Thuận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)- cho rằng, hiện nay hệ thống điện Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nhiệt điện và thủy điện. Trong đó, thủy điện chiếm gần một nửa tổng công suất nguồn điện quốc gia. Trong điều kiện giá thành nhập khẩu nhiên liệu rất đắt đỏ, ĐHN là giải pháp quan trọng.
 
Không là năng lượng chủ đạo   

Ông Lê Doãn Phác, chuyên viên cao cấp Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam:
 
Trên thế giới, ĐHN vẫn tăng trưởng và được các quốc gia lựa chọn. Chẳng hạn, như Pháp có tỷ lệ ĐHN chiếm đến hơn 70% trong tổng công suất điện.
Cũng theo ông Vinh, cơ cấu nguồn điện trong Tổng sơ đồ điện VII chỉ rõ: Đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 146.800 MW, trong đó thủy điện chiếm 11,8%, thủy điện tích năng chiếm 3,9%, nhiệt điện than chiếm 51,6%, nhiệt điện khí đốt chiếm 11,8%, nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo chiếm 9,4%, điện hạt nhân chiếm 6,6% và nhập khẩu chiếm 4,9%..
 
Theo ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH&CN), xu hướng chung của thế giới là sử dụng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối… Cho nên năng lượng hạt nhân không bao giờ trở thành nguồn năng lượng chủ yếu. Tuy nhiên, tăng trưởng dân số và nhu cầu điện năng ở các nước đang phát triển, cùng những lo ngại về biến đổi khí hậu, an ninh cung cấp năng lượng và biến động giá các loại nhiên liệu, vẫn tiếp tục khẳng định ĐHN đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng.
 
“ĐHN có nhiều điểm ưu việt so với các dạng sản xuất năng lượng khác. Đây là giải pháp chưa thể thay thế, phù hợp với các điều kiện của Việt Nam trong quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việt Nam sẽ lựa chọn công nghệ hiện đại cũng như chuẩn bị đầy đủ các yếu tố khác để bảo đảm an toàn tuyệt đối trong đầu tư ĐHN”, ông Vinh chia sẻ thêm.
Theo: Báo Công thương