Trong khi đó, đèn LED đã và đang có những ưu việt vượt trội khi đạt hiệu suất 300 lm/W, hay 150 lm/W với các sản phẩm thương mại, chuyển đổi 50% điện năng thành ánh sáng.
Tại Việt Nam, tổng lượng điện sử dụng cho chiếu sáng chiếm 25%, tương đương với 50 tỷ kWh. Do đó, nếu đèn LED được sử dụng, vấn đề chiếu sáng và tiết kiệm điện sẽ có bước tiến nhảy vọt, thông qua những đặc điểm nổi trội như: đèn LED có hiệu suất phát sáng cao hơn bóng sợi đốt lên đến 90%; có thể phát ra mầu sắc như ý muốn mà không cần bộ lọc mầu theo phương pháp truyền thống. Đặc biệt, đèn LED có tuổi thọ vào khoảng 35 nghìn đến 50 nghìn giờ, lớn hơn nhiều lần so với bóng huỳnh quang và sợi đốt; rất khó bị phá hủy bởi sự va đập và không gây độc hại, thân thiện với môi trường...
Ngoài ra, công nghệ LED còn cho phép tạo ra các loại đèn đặc chủng, sử dụng để điều khiển thời điểm ra hoa của cây hoa cúc, cây thanh long... đem lại giá trị kinh tế cao và tiết kiệm năng lượng.
Mặc dù đèn LED đã được ứng dụng không giới hạn trong các lĩnh vực xã hội và nhà ở của Việt Nam trong gần bốn năm qua, tuy nhiên, đến nay việc triển khai chiếu sáng trên đường phố các đô thị lớn của nước ta lại rất "nhỏ giọt".
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp Hapulico Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, đèn LED được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực quảng cáo thương mại nhờ ưu điểm vượt trội về khả năng thay đổi hình ảnh, mầu sắc theo chương trình, tuổi thọ cao và giá thành rẻ.
Hiện đèn LED cũng đã được sử dụng trong trang trí quảng cáo các công trình kiến trúc lớn như tòa nhà Tổng công ty cổ phần thiết bị điện Việt Nam, tòa nhà Charm Vit Tower, hệ thống trang trí sử dụng đèn LED đổi mầu theo chương trình chung quanh hồ Hoàn Kiếm, cầu vượt Mai Dịch, các dàn và khung ngang đường bao gồm 30 điểm trên các tuyến phố như Tràng Tiền, Tràng Thi, Hàng Bài, Bà Triệu...
Tuy nhiên, hiện vẫn còn những hạn chế sử dụng đèn LED trong chiếu sáng đường phố như chi phí đầu tư ban đầu cao. Một bộ đèn LED có công suất 100 - 160W giá khoảng từ 15 đến 20 triệu đồng, với những bộ đèn LED của các hãng lớn như Philips giá thành còn cao hơn nhiều, trong khi chi phí đầu tư cho một bộ đèn chiếu sáng đường phố sử dụng bóng Sodium từ 3 triệu đến 3,5 triệu đồng. Ở Việt Nam hiện có ít hãng cung cấp chủng loại đèn LED có công suất lớn (từ 200W trở lên), chưa có tiêu chuẩn để áp dụng cho phù hợp với điều kiện khí hậu cũng như đặc thù đường phố Việt Nam, thiếu cơ chế, chính sách đầu tư, kiểm soát chất lượng đèn LED...
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch thường trực Hội Chiếu sáng Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng nhấn mạnh, hiện công nghệ chiếu sáng LED vẫn quá đắt so với các công nghệ chiếu sáng truyền thống khác. Ngoài ra, chất lượng sản phẩm chiếu sáng LED nhập từ Trung Quốc hoặc có cơ sở trong nước nhập linh kiện về lắp ráp, sao chép giản đơn, gây ấn tượng xấu với những quảng cáo phóng đại là những rào cản khiến LED chưa được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam.
Chính vì vậy, để đèn LED có thể chiếm lĩnh thị trường, đã đến lúc cần ban hành các cơ chế chính sách như cơ chế huy động các nguồn vốn đầu tư; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, nghiên cứu áp dụng đèn LED trong chiếu sáng đường phố; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sử dụng tiết kiệm điện và sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao cũng như xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho các công ty chiếu sáng bao gồm đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý... nhằm bảo dưỡng đèn LED trong chiếu sáng đạt hiệu quả cao.