Ảnh minh họa.
Phát triển năng lượng tái tạo có thể không còn là xu quá mới mẻ tại vùng Vịnh nhưng một sự chuyển hướng mạnh mẽ cơ cấu đầu tư, coi năng lượng tái tạo như là một nguồn vàng mới của nền kinh tế không khỏi khiến nhiều tờ báo khu vực này phải quan tâm.
Trang mạng Zawya của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cho biết, các nước vùng Vịnh còn đang đổ những nguồn đầu tư khổng lồ để khai quật những mỏ "vàng xanh" tại Trung Đông và châu Phi. Những quốc gia châu Phi như Kenya chẳng hạn, vốn lạc hậu về kinh tế nhưng lại đang là một trong những quốc gia dẫn đầu về tiềm năng năng lượng tái tạo với tài nguyên gió và năng lượng địa nhiệt. Nước này hiện có tới 70% cơ sở sản xuất điện là từ năng lượng tái tạo với mục tiêu năm 2020, 100% nguồn điện sản xuất tại Kenya là từ năng lượng tái tạo.
Trong khi mảnh đất sa mạc vùng Vịnh dồi dào ánh nắng, nhiều quốc gia châu Phi, đặc biệt là Bắc Phi lại được xem là mỏ năng lượng gió của thế giới. Ở thời đại dầu giá cao đã trở thành dĩ vãng, các nước vùng Vịnh cảm thấy họ không thể làm ngơ trước nguồn tài nguyên dồi dào ngay trước mắt.
Trạng mạng Arab Weekly cho biết là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đang đặt mục tiêu đi đầu về sản xuất điện Mặt trời trên thế giới. Không chỉ phát triển các dự án trong nước, Chính phủ nước này cũng có kế hoạch đầu tư 340 triệu USD vào các dự án năng lượng tái tạo ở các nước đang phát triển. Hiện 46 triệu USD đã được nước này đầu tư vào châu Phi và một số nước Caribe.
Dồi dào nguồn năng lượng tái tạo nhưng xu thế đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo của các quốc gia vùng Vịnh thời gian gần đây được cho đến từ một yếu tố mấu chốt khác đó là sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các công nghệ cho năng lượng tái tạo hiện đã rẻ hơn rất nhiều. Thậm chí, đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo có thể sẽ kinh tế hơn cả năng lượng hóa thạch trong tương lai không xa.
Trung Đông và vùng Vịnh vốn là vùng đất sa mạc. Tiêu dùng điện nơi đây thường vượt trội so với thế giới, bởi nhu cầu lớn cho hệ thống làm mát và lọc nước biển. Đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo trên toàn khu vực còn đang được các quốc gia vùng Vịnh xem như một kế hoạch bảo hiểm cho tương lai của nước này.
Năm 2017, một bản ghi nhớ đã được ký kết giữa các quốc gia Arab, trong đó cam kết sẽ cùng chia sẻ mạng lưới điện với nhau để có thể hỗ trợ đáp ứng nhu cầu điện của các quốc gia trong khối.
Theo: VTV