Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha.
Theo tuyên bố của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha vào năm ngoái, chủ đề cho năm chủ tịch ASEAN là 2019 “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự phát triển bền vững” mang một thông điệp quan trọng đối với hợp tác khu vực. Cụm từ “thúc đẩy” được lựa chọn để khuyến khích ASEAN tiếp tục theo sát và lựa chọn phát triển công nghệ mang tính đột phá trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0).
Với cụm từ “quan hệ đối tác”, Thái Lan mong muốn tất cả các nước ASEAN (AMS) tăng cường hợp tác kinh tế theo đó ASEAN có thể giữ vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.
Bên cạnh đó, cụm từ “sự bền vững” phản ánh tất cả những nỗ lực ở cấp độ quốc gia và khu vực cần được thực hiện theo hướng bền vững cho tất cả các lĩnh vực kinh tế. Vậy “thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững” có ý nghĩa như thế nào đối với hợp tác năng lượng trong ASEAN?
Việc sử dụng công nghệ và mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT) đã trở nên phổ biến trong kỷ nguyên Cách mạng 4.0. Để giữ vai trò chủ động trong kỷ nguyên đó, ASEAN cần phải chuẩn bị cho những thay đổi và khởi động quá trình số hoá lĩnh vực năng lượng để phục vụ cho khả năng kết nối và tính hiệu quả cao hơn.
Một số công nghệ mới như blockchain (công nghệ chuỗi khối) cần được nhìn nhận là một cơ hội cho ASEAN thâm nhập vào một thị trường năng động. Một số AMS như Thái Lan, Singapore và Philippines đã bắt đầu sử dụng các nền tảng thương mại năng lượng tái tạo tự động sử dụng công nghệ blockchain.
Với vai trò Chủ tịch năm nay, Thái Lan được mong đợi sẽ khuyến khích các đối tác thành viên tiến hành nghiên cứu và thực hiện tiến trình số hoá trong lĩnh vực năng lượng.
Đây là thời điểm tốt hơn bao giờ hết cho ASEAN hành động theo một khối thống nhất, bởi vì các mối quan hệ đối tác không chỉ rất quan trọng đối với việc giải quyết những thách thức về năng lượng ở cấp quốc gia mà cả ở cấp khu vực.
Đối với việc thúc đẩy các mối quan hệ đối tác, ASEAN cần hợp tác cả trong lẫn ngoài, không chỉ ở trong khu vực mà còn phải hợp tác với các nước láng giềng và các khu vực khác của thế giới nhằm tăng cường nhận thức trong việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, trong đó có biến đổi khí hậu.
Một nghiên cứu chung giữa Trung tâm Năng lượng ASEAN, Tổ chức Hợp tác và Phát triển năng lượng toàn cầu đa kết nối (GEIDCO) và Uỷ ban Kinh tế và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc với chủ đề “Đa kết nối năng lượng ở ASEAN vì xã hội bền vững và tự cường” đã chỉ ra rằng xây dựng nền tảng đa kết nối năng lượng ở ASEAN và kết nối với bên ngoài là chìa khoá để thúc đẩy sự phát triển của năng lượng sạch.
Đa kết nối là yếu tố rất quan trọng trong việc đạt được mục tiêu khu vực đến năm 2025 với 23% là năng lượng tái tạo. Sự chuyển biến trong khả năng kết nối sẽ chỉ xảy ra nếu ASEAN đặt quan hệ đối tác lên vị trí ưu tiên.
Trong năm 2017, ASEAN đã tạo ra một bước tiến quan trọng về thương mại điện năng đa phương trong dự án Lào - Thái Lan - Malaysia (LTM). Tuy nhiên, khu vực này cần tiếp tục áp dụng cách tiếp cận mang tính hợp tác để giải quyết các vấn đề pháp lý, kỹ thuật và chính sách còn tồn đọng liên quan đến đa kết nối khu vực.
Rõ ràng, đồng hành phát triển không đủ để xử lý các vấn đề năng lượng khu vực. ASEAN cần phải có những bước đi bền vững để đảm bảo rằng phát triển kinh tế không đi ngược lại các nỗ lực giảm thiểu phát thải carbon và bảo vệ môi trường. Khu vực này cần phải thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch và không ngừng phát triển năng lượng tái tạo.
Thái Lan có thể trở thành điển hình cho các thành viên của AMS. Thái Lan đang có vị trí tiên phong trong việc đưa năng lượng tái tạo vào khu vực. Với năng lực sản xuất xấp xỉ 3 GW năng lượng từ Mặt Trời - lớn hơn khả năng sản xuất năng lượng từ Mặt Trời của tất cả các nước ASEAN cộng lại - Thái Lan đã đi được nửa chặng đường hướng tới mục tiêu đạt được 6 GW năng lượng từ Mặt Trời vào năm 2036.
Theo số liệu thống kê, 10,2 GW điện năng của Thái Lan trong năm 2017 được sản xuất từ nhiều nguồn năng lượng tái tạo khác nhau.
Theo Kế hoạch Phát triển năng lượng năm 2019 (PDP) vừa được khởi động, Thái Lan lên kế hoạch tiếp tục thực hiện cam kết trong việc sử dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn, nhằm đạt được mục tiêu 20,7 GW năng lượng tái tạo vào năm 2037, chiếm khoảng 35% tổng năng lực sản xuất năng lượng của nước này.
Thái Lan cũng tự đặt mình vào những vị trí dẫn đầu trong các nỗ lực sử dụng hiệu quả năng lượng, khi nước này dự định giảm 30% mức độ tiêu thụ vào năm 2036 so với năm 2010. Con số này sẽ đóng góp đáng kể trong mục tiêu cắt giảm 30% mức độ sử dụng năng lượng trước năm 2025 so với năm 2005.
Thái Lan cũng có thể trở thành tiêu chuẩn cho ASEAN ở khía cạnh sáng tạo và lựa chọn số hoá lĩnh vực năng lượng bởi nước này đã khởi động các sáng kiến lớn trong chiến lược kinh tế Thái Lan 4.0, trong đó các thành phố thông minh và sử dụng năng lượng hiệu quả sẽ trở thành trọng tâm chính của nền kinh tế đất nước và quá trình phát triển về năng lượng.
Cam kết và hành động của Thái Lan có thể thúc đẩy tất cả các AMS phát triển theo định hướng năng lượng bền vững.
Với vị trí trung tâm ASEAN, Thái Lan được đặt vào vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực đa kết nối năng lượng khu vực. Trong số 15 dự án đa kết nối năng lượng song phương ở ASEAN, Thái Lan tham gia 9 dự án truyền tải năng lượng; chưa kể đến việc nước này còn tham gia 13/26 dự án đa kết nối trong tương lai.
Xem xét tầm nhìn mạnh mẽ của Thái Lan, đây là thời điểm nước này dẫn dắt ASEAN hướng tới tương lai năng động và bền vững với chủ đề “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững”, kế thừa vai trò nước Chủ tịch từ Singapore dẫn dắt ASEAN với chủ đề “Tự cường và Sáng tạo”.