Công nhân PC Quảng Trị hướng dẫn khách hàng tra cứu thông tin bằng máy tính bảng và điện thoại thông minh. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Tôi đã cố mà vẫn không hình dung nổi một Khe Sanh chốn rừng thiêng nước độc nhiều năm về trước nay lại được Công ty Điện lực Quảng Trị chọn để thực hiện lắp đặt hệ thống thu thập dữ liệu công tơ điện tử từ xa (gọi tắt là hệ thống đo xa), làm cơ sở để xây dựng lưới điện thông minh nhằm nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện; góp phần trong công tác quản lý nhu cầu điện, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Những năm sau giải phóng Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị đã tiến hành khảo sát địa bàn Hướng Hóa để chuẩn bị đón đồng bào Triệu Phong lên theo chủ trương di dân khai hoang miền núi. Những năm đầu mở đất lập làng mới dọc đường 9, dân số toàn huyện Hướng Hóa chỉ hơn 2 vạn người. Do yêu cầu cấp bách về điều chỉnh mật độ dân số, di dân khai thác vùng miền núi và bảo vệ an ninh biên giới, tháng 9 - 1975, Hướng Hóa đón gần 13.000 lao động từ đồng bằng Triệu Phong lên định cư. Người dân ở các vùng Triệu Trạch, Triệu Lương, Triệu Lễ lập xã Tân Hợp; người dân Triệu Độ lập xã Tân Độ (sau nhập vào thị trấn Khe Sanh); người dân Triệu Đại, Triệu Hòa lập xã Tân Liên; người dân Triệu Trung, Triệu Tài, Triệu Sơn lập xã Tập Lập, người dân Triệu Thành lập xã Tân Thành; người dân Triệu Long lập xã Tân Long; người dân Triệu Phước ở vùng giáp biên thành lập xã Tân Phước (sau chuyển thành thị trấn Lao Bảo)... Rất đông cư dân của Hướng Hóa bây giờ là gốc Triệu Phong, họ là thế hệ thứ nhất đi khai phá vùng đất Khe Sanh quần tụ quanh đường 9.
Một trong 7 trạm biến áp 110kV không người trực trên địa bàn tỉnh Quảng Trị do Công ty Điện lực Quảng Trị quản lý, vận hành. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Đường 9 ngày nay là tuyến quốc lộ huyết mạch xuyên Á với trọng trách mới Hành lang kinh tế Đông Tây. Nhưng ngày xưa vùng này có tiếng là đất dữ. Khởi thủy chỉ có người Vân Kiều, Pa Cô sinh sống ở địa bàn, họ là chủ nhân của núi rừng phía tây Quảng Trị. Trong cuộc chiến tranh Đông Dương, người Pháp đã chọn nơi thâm sơn này để lập nhà đày Lao Bảo và sử dụng những quả đồi đất đỏ bazan mở đồn điền cà phê. Con đường số 9 là lối đi do người Pháp khai mở để dễ bề khai thác thuộc địa Đông Dương. Sau đó người Mỹ thay chân đến đồn trú xây dựng những cứ điểm lớn ở Tà Cơn, Làng Vây, Khe Sanh án ngữ đường số 9 và hòng cắt đứt tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Khi quân đội Mỹ bị vây ráp Khe Sanh từ tháng Giêng 1968, chính Tổng thống Mỹ Giôn-xơn, Bộ trưởng quốc phòng McNamara, tướng Westmoreland đã họp bàn ở Lầu Năm Góc về kế hoạch ném bom nguyên tử xuống Khe Sanh, nhưng cuối cùng may mắn vũ khí nguyên tử đã không được sử dụng, pháo đài bay B52 được huy động rải hơn 100.000 tấn bom xuống một vùng rộng chưa đến 5 dặm vuông trong vòng 3 tháng trời. Đây được coi là cuộc dội bom có mật độ dày nhất trong lịch sử chiến tranh, nhưng người Mỹ vẫn phải tháo chạy khỏi Khe Sanh. Khi người dân Triệu Phong lên tiếp quản vùng đất dọc đường 9, di tích của cuộc khai hoang là những quả đồi ràn rạt cỏ tranh, bom đạn.
Vận hành hệ thống điều khiển tự động lưới điện. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Được nghe kể lại, những ngày sau giải phóng, dường như ngày nào cũng có tiếng bom nổ gây thương vong, hố bom còn nhiều hơn những nóc nhà mới dựng. Người dân đi kinh tế mới được huy động trồng sắn để giải quyết nhu cầu lương thực trước mắt, nhát cuốc bổ xuống là thấy bom đạn trồi lên luống đất mới cày. Những ngày tăm tối còn ghi trong ký ức của lớp công dân đầu tiên ở Khe Sanh. Bom đạn, sốt rét rừng kinh hoàng khiến xác xơ những làng quê vừa mới lập. Vì quá hoảng sợ, đã không ít người đưa cả gia đình bỏ xứ về xuôi rồi vào Nam Bộ và Tây Nguyên lập nghiệp. Người dân ở Thị trấn Lao Bảo sốt rét dữ quá, 1.500 lao động đi kinh tế mới thì hai năm sau đã bỏ đi gần nửa. Dân bỏ đi có nghĩa là khát vọng xây dựng miền đất biên ải sẽ thất bại, lãnh đạo huyện phải đến từng nhà vận động người dân bám đất, canh gác các ngả đường để can ngăn các hộ gia đình tìm cách bỏ xứ. Điện ngày ấy là một thứ xa xỉ không ai dám nghĩ tới.
Công nhân Điện lực Đông Hà cập nhật dữ liệu, thông tin khách hàng. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Bắt đầu từ việc san lấp hố bom, dựng nhà làm rẫy, bằng ý chí cần cù chịu khó người dân kinh tế mới đã làm tái sinh những cánh rừng bị bom đạn và chất độc hóa học tàn phá. Rồi hai huyện Nam - Bắc Hướng Hóa và vùng kinh tế mới Triệu Phong thống nhất thành một huyện, Hướng Hóa bắt tay vào tái thiết lại quê hương, người dân đường 9 đã đồng tâm hợp lực cùng người Vân Kiều, người Pa Cô làm nên những kỳ tích từ đất. Cùng với việc tái sinh vùng đất, ngành điện cũng bước những bước nhịp nhàng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ người dân. Khi lập dự án đầu tư bán điện trực tiếp cho người dân Hướng Hóa, lãnh đạo ngành Điện cũng không phải không có chút băn khoăn khi việc thu hồi vốn bỏ ra đã phải mất thời gian đến 120 năm, chưa kể chi phí quản lý. Nhưng nếu Đảng, Nhà nước và Chính phủ không lo cho Hướng Hóa thì mãi mãi Hướng Hóa chỉ là những hố bom, những cánh rừng chết do chất độc hóa học. Đảng lo là ngành Điện phải lo vì ngành Điện là được Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao nhiệm vụ cung cấp điện cho nhân dân và cho phát triển nền kinh tế, an ninh quốc phòng. Bất chấp những vùng núi cao, rừng sâu, Công ty Điện lực Quảng Trị cần mẫm, lặng lẽ với công việc đưa điện đến cho người dân dù họ ở vùng sâu vùng xa hay biên giởi hải đảo.
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Trị Phan Văn Vĩnh nói, hệ thống đo xa đang được lắp đặt tại huyện Hướng Hóa có 22.333 công tơ sử dụng số vô tuyến RF để thu thập dữ công tơ khách hàng tập trung (các khách hàng sau Trạm biến áp công cộng), được gọi là Hệ thống RF-Spider; 56 công tơ sử dụng sóng GPRS/3G để thu thập đơn lẻ (thường là các khách hàng TBA chuyên dùng), gọi là DSPM; còn lại 226 công tơ (7 trạm) không lắp được đo xa đo nằm tại khu vực quá xa, không có sóng điện thoại.
Hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh Quảng trị được quản lý và vận hành tại Trung tâm điều khiển. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Với việc lắp đặt hệ thống RF-Spider, khách hàng cũng như Điện lực có thể giám sát hoạt động của công tơ từ bất cứ nơi đâu có kết nối internet, giám sát đồng thời được nhiều công tơ; liên kết với chương trình CMIS để xuất hóa đơn tiền điện cho khách chính xác, tránh các trường hợp nhầm lẫn do nhập chỉ số bằng tay; giảm được nhân công, chi phí ghi chỉ số công tơ, đặc biệt với Hướng Hóa là huyện có địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, địa hình và đường sá đi lại rất khó khăn.
Hệ thống RF-Spider còn cảnh báo cho người vận hành các sự cố vận hành, như: Mất áp, kém áp, hệ số công suất thấp, truy xuất số liệu lịch sử các điểm đo một cách dễ dàng, kiểm soát sử dụng điện của khách hàng, giám sát ngăn chặn kịp thời các trường đấu sai sơ đồ dây, ăn cắp điện; hỗ trợ công tác vận hành lưới điện. Ngoài ra, Công ty Điện lực đang xây dựng và phát triển các chức năng: Cảnh báo mất điện và tính toán tổn thất trạm biến áp công cộng theo thời gian thực.
Với những tính năng, hiệu quả mang lại như trên, Công ty Điện lực Quảng Trị phấn đấu hoàn thành lắp đặt hệ thống đo xa cho tất cả các công tơ khách hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng đã triển khai lắp đặt tại huyện Đakrông, Thị xã Đông Hà và đang tiến tới triển khai rộgn rãi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Trọn nửa thế kỷ huyện Hướng Hóa giải phóng, và cũng gần bằng từng ấy thời gian những người từ đồng bằng Triệu Phong lên đây, và sau đó là các cuộc di dân tự do, người Kinh, người Vân Kiều, người Pa Cô thế hệ nối tiếp thế hệ cần cù, chịu thương chịu khó đã dày công khai phá, chăm bẵm, đổ biết bao máu và mồ hôi làm cho đất đai trở về vẹn nguyên tươi tốt, cho bao mùa hoa trái sinh sôi, cho cuộc sống hồi sinh, giàu có và thịnh vượng từ đất. Cũng từ đất bazan Hướng Hóa đã cho ra những thương hiệu đàng hoàng tự tin xuất khẩu như cà phê Khe Sanh, tinh bột sắn Sê Pôn, chuối mật mốc Tân Long. Hiện nay, Hướng Hóa đã xây dựng được vùng chuyên canh các cây trồng chủ lực cho giá trị kinh tế cao, như: cà phê, cao su, chuối, sắn nguyên liệu, hồ tiêu... Hướng Hóa hôm nay đã trở thành nơi “đất lành, chim đậu” và kết quả ấy có sự đóng góp không nhỏ của Công ty Điện lực Quảng Trị và điều ấy càng được khẳng định khi Công ty Điện lực Quảng trị đã chọn Hướng Hóa là huyện đi đầu trong xây dựng lưới điện thông minh.