Ngay sau khi chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ chấm dứt trên miền Bắc và Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết tháng 10-1973, Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp phiên toàn thể lần thứ 22 tại Thủ đô Hà Nội vào tháng 1-1974, bàn phương hướng phục hồi và phát triển kinh tế miền Bắc trong 2 năm 1974 và 1975. Nghị quyết được Hội nghị thông qua, nêu rõ: “Nhanh chóng hoàn thành việc hàn gắn những vết thương chiến tranh, ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội”. Hội nghị cũng xác định những bước đi ban đầu của quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc diễn ra trong hai năm nói trên. Trong đó, ngành Điện nhận nhiệm vụ: “Phải khôi phục xong các nhà máy điện, đẩy mạnh thi công các nhà máy điện đang xây dựng để sớm đưa vào sản xuất, chuẩn bị xây dựng những nhà máy điện mới; cải tạo hệ thống đường dây và các trạm biến áp, xây dựng một số tuyến đường dây mới nhằm cân đối nguồn điện và lưới điện, bảo đảm cung cấp điện có chất lượng, an toàn…”.
Trong hai năm sau khi Hiệp định Paris được ký kết, miền Bắc nhanh chóng khôi phục kinh tế để chuẩn bị kế hoạch cho sự phát triển lâu dài của đất nước. Theo đó, các nhà máy điện được phục hồi một cách nhanh chóng, các tuyến đường dây tải điện được sửa chữa và nâng cấp nhằm truyền tải công suất từ các nhà máy điện đến nơi tiêu thụ. Việc khắc phục tình trạng mất cân đối giữa nguồn và lưới điện, giữa lưới truyền tải và lưới phân phối được thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt bằng các biện pháp kỹ thuật như đặt tụ bù, cải tạo lưới điện các khu vực trọng điểm.
Từ năm 1960-1975, mặc dù nguồn ngân sách còn hạn hẹp nhưng Đảng và Nhà nước vẫn luôn dành một phần vốn nhất định cho việc phát triển ngành Điện non trẻ để sửa chữa, xây dựng mới các công trình điện. Truyền tải điện miền Bắc từng bước được hình thành một cách có hệ thống.
Cũng vào giai đoạn 1954-1975, ở miền Nam, lưới điện có ba cấp điện áp là 230kV, 66kV và 15kV. Trên danh nghĩa đền bù chiến tranh, năm 1961, Chính phủ Nhật Bản đã giúp đỡ chính quyền Việt Nam Công hòa xây dựng tuyến đường dây 230kV Đa Nhim – Sài Gòn dài 257km, với 729 cột thép đi qua địa hình sông, núi rất hiểm trở. Đây chính là tuyến đường dây truyền tải cấp điện áp 220kV đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam. Đường dây 230kV nối Nhà máy điện Đa Nhim (công suất 160MW) với Nhà máy điện Thủ Đức (công suất 165MW) tại thành trục 230kV đưa điện đến các khu vực phân phối.
Một đường dây 66kV cũng được lấy điện từ Nhà máy điện Đa Nhim để phân phối điện cho khu vực Cam Ranh, Tây Nguyên, Đà Lạt và Ninh Thuận. Một đường dây 66kV khác lấy điện từ trạm biến áp Thủ Đức về phân phối cho Sài Gòn – Chợ Lớn và khu vực lân cận.
Điện ở miền Nam thời kỳ này chủ yếu phục vụ cho thắp sáng, tiêu dùng ở Sài Gòn. Hệ thống truyền tải điện lúc đó gồm 257km đường dây 230kV, 184km đường dây 66kV và 13 trạm biến áp với tổng dung lượng 579MVA.
Lưới điện truyền tải điện miền Nam thời điểm tiếp quản có tổng cộng chiều dài đường dây là 818km, trong đó, 257km đường dây 230kV, 543km đường dây 66kV; một trạm biến áp 230kV có dung lượng 168MVA, 28 trạm biến áp 66kV có tổng dung lượng 432MVA. Lưới điện truyền tải được chia thành ba hệ thống độc lập: Miền Đông (gồm Sài Gòn, Đồng Nai, Long An và Tiền Giang), Cao Nguyên (gồm Nhà máy điện Đa Nhim, một phần các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa và Lâm Đồng), miền Tây (gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long).
Ở miền Trung, không có lưới điện truyền tải cao áp. Toàn bộ miền Trung được cấp điện từ 150 máy phát diesel phân tán ở các đô thị, không có sự kết nối với nhau.
Từ năm 1975-1986, sau khi nước nhà thống nhất, ngành Điện vừa phải lo khôi phục và phát triển hệ thống điện miền Bắc, vừa tiếp quản hệ thống điện miền Nam và miền Trung do chính quyền cũ để lại. Do nguồn điện của chế độ cũ chỉ để phục vụ cho chiến tranh, nay chuyển hướng phục vụ phát triển kinh tế xã hội nên nhiệm vụ quan trọng trước mắt là cải tạo nguồn và lưới điện hiện hữu. Tổng Cục Điện lực được thành lập ngay sau khi tiếp quản với nhiệm vụ “khôi phục đường ống thủy áp Nhà máy thủy điện Đa Nhim và đường dây 230kV Đa Nhim – Sài Gòn để cung cấp điện cho khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận”. Trong một thời gian ngắn, đường dây 230kV Đa Nhim – Sài Gòn được khôi phục và đưa vào vận hành, liên kết được lưới điện khu vực Cao Nguyên và miền Đông Nam bộ. Trước nhu cầu thực tế, ngày 15-9-1976, Bộ Điện và Than đã ký Quyết định số 187/ĐQ-TCCB.3 đổi tên Nha Chuyển vận Phân phối thành Sở Quản lý truyền tải điện (tiền thân của Công ty Truyền tải điện 4) có chức năng, nhiệm vụ là quản lý vận hành và vận hành lưới điện truyền tải từ 66kV trở lên; tiếp nhận bộ phận truyền tải điện của các khu khai thác điện lực miền Tây, miền Đông và Cao Nguyên, các đơn vị Nha Trung bộ, Nha phối hợp địa phương, cùng một số đơn vị tham gia phục hồi đường dây 230kV Đa Nhim – Sài Gòn, đường dây 66kV Đa Nhim – Phan Rang – Nha Trang, bao gồm: Phân sở 1 Truyền tải điện (quản lý lưới điện truyền tải khu vực miền Đông và Cao Nguyên), Phân sở 2 (quản lý lưới điện Truyền tải khu vực miền Tây). Với nhiệm vụ trên, đây là đơn vị chuyên ngành truyền tải điện đầu tiên của ngành Điện Việt Nam.
Để thực hiện mục tiêu Kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1976-1980), miền Bắc tiếp tục triển khai kế hoạch phục hồi và phát triển ngành Điện sau chiến tranh phá hoại. Việc khôi phục hệ thống truyền tải điện bị hư hại trong chiến tranh được thực hiện nhanh chóng.
Tại miền Bắc, tháng 3-1979, ngành Điện tiến hành xây dựng mới đường dây 220kV Hà Đông – Hòa Bình và trạm biến áp 220kV Hà Đông. Đây là tuyến đường dây truyền tải điện 220kV đầu tiên ở miền Bắc nhằm nâng cao năng lực truyền tải, cung cấp điện an toàn ổn định và chất lượng cho công trường thi công Thủy điện Hòa Bình. Công trình được hoàn thành vào tháng 5-1981, đã minh chứng cho trình độ, tinh thần, bản lĩnh của những người làm công tác truyền tải điện Việt Nam, đồng thời, tạo cơ sở kỹ thuật cho việc xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV sau này.
Mặc dù trong thời kỳ chiến tranh, Hà Nội và một số thành phố lớn khác là trọng điểm ném bom của máy bay Mỹ và 100% các đường dây truyền tải điện bị phá hủy nặng nề, nhưng chỉ sau hai năm, lưới điện truyền tải đã phục hồi hoàn chỉnh và tiếp tục được mở rộng, đảm bảo cung cấp đến các khu trọng điểm ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên, Việt Trì. Lưới truyền tải 35kV đã trải rộng đến các vùng nông nghiệp trọng điểm, như: Đồng bằng sông Hồng, Hà Bắc, Thái Bình, Hà Nam Ninh. Ở Hà Nội, lưới điện truyền tải được phát triển với các công trình xây dựng mới, nâng tổng chiều dài lưới điện truyền tải 110kV lên 846km, tổng chiều dài lưới điện 35kV là 3.000km.
Tại miền Nam, ngành Điện tập trung sửa chữa tuyến đường dây 230kV Đa Nhim – Sài Gòn bị hư hại trong chiến tranh; xây dựng mới đường dây 220kV từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ (bằng nguồn vốn của Pháp), nâng tổng chiều dài đường dây cao áp lên 3.000km, tổng dung lượng máy biến áp 235MVA. Việc cấp điện cho miền Tây và Đông Nam bộ được cải thiện đáng kể khi phát triển lưới truyền tải từ 15kV lên 66kV và 110kV.
Với sự giúp đỡ của Nhật Bản, tháng 8-1978, ngành Điện đã hoàn thành đường dây 132kV có chiều dài 122km từ Nhà máy Điện Đa Nhim tới Đà Lạt, Phan Rang, Cam Ranh và sau đó tới Nha Trang.
Tại miền Trung, tập trung cải tạo các tuyến đường dây, trong đó, có tuyến đường dây 35kV Đông Hà – Huế, xây dựng mới đường dây 35kV Huế - Đồng Hới.
Tính đến cuối năm 1980, lưới điện truyền tải tổng cộng có 257km đường dây 230kV; 1.133,7km đường dây 110kV; 546,5km đường dây 66kV và 10.780,8km đường dây 35kV trở xuống.
Tháng 3-1980, các chuyên gia Liên Xô đã giúp Việt Nam hoàn thành thiết kế sơ đồ lưới điện toàn quốc (theo quy hoạch) phát triển đến năm 1991. Trong sơ đồ lưới điện toàn quốc, các công trình thuộc lưới điện miền Bắc có các trạm biến áp, đường dây tải điện 110kV và cao hơn.
Các công trình này được xác định là những hạng mục trọng tâm, chiến lược được chú trọng đầu tư xây dựng trong các giai đoạn 1980-1986 và 1987-1991.
Với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, ngành Điện lần đầu tiên xây dựng và thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực của cả nước – đó là Tổng sơ đồ phát triển điện lực giai đoạn 1 (1981-1985) – Tổng sơ đồ phát triển điện lực đầu tiên của ngành Điện Việt Nam. Một số nội dung liên quan đến việc xây dựng đường dây siêu cao áp truyền tải điện năng với cấp điện áp 500kV từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam.
Để thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 1, một loạt đơn vị truyền tải được thành lập hoạt động với chức năng chuyên ngành, đó là: Ngày 20-4-1981, Bộ Trưởng Bộ Điện và Than ký Quyết định thành lập Sở Truyền tải điện miền Bắc (tiền thân của Công ty Truyền tải điện 1), quản lý 7 trạm biến áp 110kV có tổng dung lượng 261MVA và 145km đường dây 110kV; ngày 13-3-1990, Bộ Năng lượng có quyết định số 99NL-TCCB-LĐ thành lập Sở Truyền tải điện 2 trực thuộc Công ty điện lực 3 ( tiền thân của Công ty Truyền tải điện 3), có nhiệm vụ quản lý đầu tư xây dựng cơ bản các công trình điện và quản lý vận hành lưới điện truyền tải từ cấp điện áp 66kV trở lên trên địa bàn các tỉnh Nam miền Trung và Tây Nguyên; ngày 13-5-1990, Quyết định số 98/NL-TCCB-LĐ do Bộ trưởng Bộ Năng lượng ký thành lập Sở Truyền tải điện 1 trực thuộc Công ty Điện lực 3, trên cơ sở chuyển Ban Quản lý các công trình điện thành Sở Truyền tải điện 1 (tiền thân của Công ty Truyền tải điện 2) có nhiệm vụ quản lý, vận hành, sửa chữa, hiệu chỉnh lưới điện truyền tải từ Quảng Bình đến Thừa Thiên; Quyết định số 99/NL-TCCB-LĐ do Bộ trưởng Bộ Năng lượng ký thành lập Sở Truyền tải điện 2 thuộc Công ty Điện lực 3 (nay là Công ty Truyền tải điện 3), có nhiệm vụ quản lý, vận hành, sửa chữa, hiệu chỉnh lưới điện truyền tải từ Khánh Hoà đến Quảng Nam – Đà Nẵng.
Để đáp ứng yêu cầu đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống truyền tải điện Quốc gia, Bộ Năng lượng đã chủ trương thành lập các Ban Quản lý dự án các công trình điện ở 3 miền: Bắc, Trung và Nam với nhiệm vụ quản lý quá trình đầu tư xây dựng các dự án liên quan đến truyền tải điện: Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc – NPMB (tiền thân là Ban Quản lý lưới điện cao thế 1, trực thuộc Công ty Điện lực 1); Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (tiền thân là Ban Quản lý Nhà máy Nhiệt điện Cầu Đỏ - trực thuộc Công ty Điện lực 3); Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam (tiền thân l Ban Quản lý điện miền Nam, thuộc Công ty Điện lực 2).
Ở giai đoạn này, các công trình truyền tải được tiếp tục xây dựng mới và công tác củng cố lưới điện được quan tâm, như: Ở miền Bắc, 8-1983, khởi công xây dựng trạm biến áp 220kV Ba La bằng nguồn vốn do Liên Xô tài trợ, để tiếp nhận điện từ Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại và Nhà máy Thủy điện Hòa Bình phân phối đi các nơi; Ở miền Nam, cải tạo lưới điện được ưu tiên cung cấp điện cho các hộ trọng điểm; miền Trung, chủ yếu củng cố và phát huy nguồn điện diesel sẵn có.
Để khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ giữa nguồn và lưới điện mà tại Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Công sản Việt Nam đã nêu rõ: “….Đi đôi với nguồn, cần xây dựng kịp thời và đồng bộ các hệ thống lưới điện, từ cao thế đến trong thế và hạ thế…”, một loạt công trình lưới điện truyền tải được xây dựng mới, như: Đưa vào vận hành Đường dây 220kV Hà Đông – Hoà Bình (năm 1981); khởi công xây dựng Đường dây tải điện 110kV Đông Anh – Gia Lâm và Trạm biến áp 110kV Gia Lâm, Hà Nội (năm 1983); Khởi công xây dựng Trạm biến áp 220kV Ba La (năm 1983); …
Từ năm 1986-1990, trong giai đoạn này, một loạt các đường dây và trạm biến áp được khởi công và đưa vào vận hành, như: Đường dây 220kV Hoà Bình – Hà Đông, truyền tải điện từ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình về Trạm biếp áp 220kV Hà Đông để hòa vào lưới điện quốc gia; các TBA 220kV: Chèm, Mai Động (Hà Nội); Ngã Ba Chè (Thanh Hóa); Hưng Đông (Nghệ An); khởi công xây dựng đường dây 110kV Huế - Đà Nẵng (năm 1987); Đường dây 110kV Thác Bà – Yên Bái – Lào Cai (2-1988) lần đầu tiên lưới điện quốc gia được đưa tới mỏ Apatit Lào Cai, tiết kiệm được 7.000 tấn dầu/năm để chạy máy phát điện.
Khi nguồn điện ngày càng được bổ sung từ những tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hoàn thành và đưa vào vận hành, thì vấn đề hệ thống lưới điện bộc lộ những bất cập. Để khắc phục tình trạng này, ngành Điện đã xây dựng và đưa vào vận hành đường dây 110kV Thái Nguyên – Cao Bằng, Mộc Châu – Mai Châu, Cẩm Phả - Tiên Yên, Trạm biến áp 110kV Tuyên Quang, Tiên Yên…
Giai đoạn này, lưới điện 110kV đã được đưa tới hầu hết đồng bằng sông Hồng, các huyện vùng cao biên giới Việt Bắc, Tây Bắc. Điện được kéo ra đảo Cát Hải (Hải Phòng).
Ngày 22-12-1989, khởi công xây dựng 2 mạch đường dây 220kV Hòa Bình – Ninh Bình để đồng bộ với tổ máy số 3 Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, công trình được hoàn thành và đưa vào vận hành năm 1991, từng bước đưa điện phục vụ nhân dân các tỉnh miền Trung.
Sau khi các tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (phía Bắc), Nhà máy Thủy điện Trị An (phía Nam) vào vận hành, lưới điện truyền tải có thêm 203km đường dây 220kV Vinh – Đồng Hới, trạm biến áp 220kV Đồng Hới, đường dây 110kV Đồng Hới – Huế - Đà Nẵng, thì 4 tỉnh miền Trung, gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam - Đà Nẵng có thêm lưới điện từ phía Bắc đưa vào. Từ Phía Nam, có đường dây 110kV từ Nhà máy Thủy điện Đa Nhim đưa ra.
Đến tháng 9-1990, khu vực Bắc miền Trung đã có 466km đường dây cao thế, gồm: 203km đường dây 220kV, 263km đường dây 110kV và 4 trạm biến áp 110kV với tổng dung lượng 73MVA.
Khi đường dây 220kV Vinh – Đà Nẵng được đưa vào vận hành, đã đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân các tỉnh miền Trung. Mặc dù, miền Trung đã hình thành lưới điện truyền tải tới cấp điện áp 220kV nhưng khoảng cách cấp điện đến các phụ tải vẫn quá dài so với yêu cầu nên chất lượng điện cuối nguồn không đảm bảo, vì vậy, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời giải quyết vấn đề thiếu điện trong thời gian ngắn.
Ở miền Nam, một loạt đường dây truyền tải được khởi công xây dựng và đưa vào vận hành, như: Đường dây 110kV Trà Vinh - …. (1-1989), đường dây 110kV Mỹ Tho – Bến Tre , Sóc Trăng – Bạc Liêu (3-1989), khởi công xây dựng trạm biến áp 220kV Đa Nhim (12-1989), trạm biếp áp 220kV Phú Lâm (năm 1989)…
Sau khi Nhà máy Thủy điện Trị An đi vào hoạt động (1990), lưới điện cao áp và trung áp được phát triển, mở rộng. Theo đó, đã xây dựng mới 93km đường dây 220kV, 850km đường dây 110kV, 478km đường dây 35kV và 2.042km đường dây 15kV; 4 trạm biến áp 220kV (tổng dung lượng 626MVA), 16 trạm biến áp 110kV (tổng dung lượng 1.037MVA) và hàng chục trạm trung gian với tổng dung lượng 231,5MVA. Song, tại miền Nam, công suất lắp đặt chỉ đáp ứng chưa đến 90% nhu cầu sử dụng điện (công suất lắp đặt 1.005MW, nhu cầu là 1.120MW), nên phải hạn chế bằng cách cắt điện luân phiên hoặc đột xuất hầu như tất cả các ngày trong tuần.
Từ năm 1991-1994, trong khi miền Trung và miền Nam thiếu điện thì miền Bắc lại thừa điện do Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đưa vào vận hành đã tăng thêm 20% sản lượng cho hệ thống điện miền Bắc. Vì vậy, trong những năm đầu thực hiện Tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn III (1991-1995), mục tiêu phấn đấu là phải đưa điện từ phía Bắc vào đến Quảng Ngãi và từ phía Nam ra đến Quy Nhơn. Sau đó phải chuẩn bị các điều kiện vật chất, kỹ thuật để đấu nối nguồn điện từ Bắc vào Nam, trong đó, có việc xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV xuyên suốt Bắc – Nam để giải quyết tình trạng thiếu điện ở miền Trung và miền Nam.
Sau khi toàn bộ thông tin cơ bản về Dự án xây dựng đường dây siêu cao áp 500kV Bắc – Nam được các cơ quan chức năng báo cáo Hội Đồng Bộ trưởng và được Bộ Chính trị đồng ý, ngày 12-2-1992, thay mặt Hội đồng Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Đức Lương đã ký Chỉ thị số 49/CT về việc xây dựng Đường dây siêu cao áp 500kV Bắc – Nam.
Ngày 5-4-1992, Lễ khởi công xây dựng Hệ thống tải điện 500kV Bắc – Nam được tổ chức đồng thời tại các tỉnh: Hòa Bình, Quảng Nam – Đà Nẵng, Đắk Lắk và TP Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt dự Lễ khởi công tại cung đoạn tỉnh Hòa Bình và phát lệnh khởi công xây dựng Hệ thống tải điện 500kV Bắc - Nam trên toàn tuyến.
Dưới sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự nỗ lực quyết tâm cao của các lực lượng tham gia xây dựng, công trình Đường dây 500kV Bắc – Nam đã hoàn thành vượt tiến độ với thời gian 2 năm xây dựng. Vào lúc 19 giờ 07 phút ngày 27-5-1994, tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã phát lệnh hòa hệ thống điện miền Nam với 4 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình tại Trạm biến áp 500kV Đà Nẵng qua đường dây 500kV – chính thức đưa hệ thống 500kV vào vận hành. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và ngành Điện Việt Nam đã có “trục xương sống” 500kV chạy từ Bắc vào Nam.
|