Một tàu chở LNG.
Khí đốt, tiếp theo là năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo sẽ phát triển nhất trong hơn 20 năm nữa.
Theo báo cáo “Triển vọng năng lượng toàn cầu: Tầm nhìn đến năm 2040” mới được Tập đoàn Dầu khí Exxon Mobil (Mỹ) công bố, cả tầng lớp trung lưu và GDP toàn cầu sẽ tăng gấp đôi trong 15 năm tới, thúc đẩy nhu cầu sử dụng máy lạnh, xe hơi và các thiết bị khác như tủ lạnh, máy giặt và điện thoại thông minh. Các nước không thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ sẽ trải nghiệm sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhất, kéo theo đó là sự gia tăng đô thị hóa. Trong đó, tiêu thụ năng lượng tại Ấn Độ được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040. Châu Phi, Mỹ Latinh và Trung Đông cũng sẽ tăng nhu cầu năng lượng trong khi tiêu thụ năng lượng tại Mỹ và châu Âu theo dự báo sẽ giảm.
Dầu mỏ dự kiến vẫn là nguồn năng lượng chính của thế giới, do nhu cầu nhiên liệu vận tải và nguyên liệu cho ngành công nghiệp hóa chất.
Trong các dạng năng lượng, khí đốt tự nhiên dự kiến sẽ tăng mạnh nhất, chiếm 1/4 tất cả nhu cầu năng lượng vào năm 2040. Than đá cũng sẽ vẫn quan trọng, nhưng sẽ mất đi thị phần đáng kể, như là một hệ quả tất yếu khi thế giới đang cố gắng chuyển đổi sang sử dụng các loại năng lượng sạch hơn.
Nhu cầu cho năng lượng tái tạo sẽ tăng gấp 4 lần trong năm 204. Trong đó, dầu, khí đốt và than sẽ chiếm 78% nguồn cung nhiên liệu toàn cầu năm 2040. Điện sinh khối, thủy điện và năng lượng tái tạo như gió và mặt trời sẽ đóng góp 15% trong tổng cung. Năng lượng hạt nhân sẽ đáp ứng 8% nhu cầu.
Năm cơ sở cho dự báo nhu cầu là năm 2010. Exxon soạn thảo dự báo triển vọng hằng năm để hướng dẫn các quyết định đầu tư trong dài hạn.
Điện khí hóa thế giới
Việc gia tăng điện khí hóa sẽ dẫn dắt tăng trưởng nhu cầu năng lượng toàn cầu trong 25 năm tới, trong đó 55% tăng trưởng nhu cầu năng lượng đến từ các máy phát điện. Sự phát triển của công nghệ số sẽ khiến điện trở thành ngành công nghiệp tăng trưởng cao nhất.
Các ngành khác nhau sẽ sử dụng các loại năng lượng khác nhau dựa trên các lực chọn cung cấp kinh tế của họ và phù hợp với các mục đích khác nhau, nhưng nhu cầu khí tự nhiên được Exxon Mobil dự báo là sẽ tăng đáng kể. Bên cạnh khí tự nhiên, các dạng năng lượng khác như năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo cũng đều gia tăng thị phần để phục vụ cho nhu cầu phát điện, bù đắp sự suy giảm của than đá. Cụ thể, năng lượng hạt nhân sẽ tăng gấp đôi trong tổng cung năng lượng thế giới năm 2040. Tiêu thụ khí đốt tự nhiên sẽ tăng 62%, thay thế than để trở thành nguồn cung nhiên liệu lớn thứ 2 thế giới sau dầu thô. Theo Báo cáo, tiêu thụ than sẽ giảm 6%.
Châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là khu vực nhập khẩu khí đốt lớn nhất, với nhu cầu được dự báo là sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040. Nhu cầu khí đốt ở châu Âu cũng sẽ tăng trong bối cảnh sản xuất khí đốt ở khu vực này đang có xu hướng giảm. Khí đốt phi truyền thống dự kiến sẽ chiếm 33% tổng sản lượng khí đốt thế giới vào năm 2040.
Bùng nổ thị trường LNG
Để đáp ứng nhu cầu khí đốt ngày càng tăng, nguồn cung xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ cần phải đa dạng hóa. Các nhà xuất khẩu LNG chủ chốt trong tương lai sẽ đến từ Mỹ, Canada, Australia và Đông Phi. Trong đó, khu vực Bắc Mỹ dự kiến là sẽ là nhà xuất khẩu LNG lớn nhất do sự tăng trưởng của các nguồn phi truyền thống.
Thị trường LNG sẽ vẫn cạnh tranh cao do nguồn lực dồi dào và nhiều nhà xuất khẩu tiềm năng, vì vậy mà các nguồn cung cấp chi phí thấp hơn sẽ có lợi thế hơn.
Nhu cầu chất lỏng tăng 20%
Nhu cầu đối với các chất lỏng, bao gồm NGL và tất cả các nhiên liệu lỏng được dự đoán sẽ tăng 20% từ nay cho đến năm 2040. Mỹ Latinh, châu Phi, Nga, Trung Đông và Châu Á - Thái Bình Dương sẽ là những nơi có mức gia tăng nhu cầu nhiều nhất. Nhu cầu hóa chất dự kiến sẽ tăng ở mọi khu vực.
Khai thác dầu chặt (tight oil - chỉ loại dầu nhẹ khai thác từ đá rắn chắc (đá phiến sét), ở các vùng nước sâu và từ cát dầu sẽ gia tăng và chiếm hơn 25% các nguồn cung cấp chất lỏng. Mỹ sẽ tiếp tục là nhà sản xuất chính của tất cả các loại dầu chặt vào năm 2040. Tuy nhiên, tiếp tục đầu tư vào dầu thô truyền thống và condensate vẫn sẽ cần thiết với Mỹ, để bù đắp sự suy giảm sản lượng trong các mỏ hiện có.