Tư vấn sử dụng điện

Bí quyết sử dụng điều hòa sưởi ấm mùa Đông cực tiết kiệm điện

Thứ sáu, 7/12/2018 | 09:22 GMT+7
Thời tiết rét buốt vào mùa Đông buộc chúng ta phải thường xuyên sử dụng chế độ sưởi ấm trên điều hòa hai chiều. Song tốn điện là một trong những nỗi lo lớn nhất của nhiều gia đình hiện nay. 
 
Trước khi muốn sử dụng chế độ làm nóng trên điều hòa đúng cách và tiết kiệm điện nhất, bạn cần hiểu được nguyên lý hoạt động chế độ sưởi ở điều hòa 2 chiều. Tương tự như nguyên lý làm lạnh, chế độ sưởi hoạt động gián tiếp qua dàn trao đổi nhiệt, tức là không khí sẽ không bị máy nén đốt nóng trực tiếp mà chuyển đổi năng lượng qua môi chất (gas điều hòa) để làm ấm không khí rồi tỏa đều khắp phòng, sưởi ấm trên diện rộng.
 
Đối với điều hòa, hoạt động của máy nén là phần tiêu tốn điện năng cao nhất, bên cạnh đó một số điều hòa còn có thêm bộ phận sưởi phụ trợ bằng điện để tăng cường hiệu quả làm nóng không khí. Vì vậy, hiệu năng hoạt động trên thực tế ở chế độ sưởi gây tiêu tốn điện năng nhiều hơn so với khi làm lạnh. Tuy nhiên, bạn sẽ không phải quá lo lắng về hóa đơn tiền điện nếu áp dụng những kinh nghiệm này:  
 
1. Chọn công suất điều hòa phù hợp với diện tích phòng
 
ảnh 1
Chọn công suất điều hòa phù hợp giúp căn phòng vừa ấm áp vừa tiết kiệm điện
 
Tốc độ làm nóng của máy nén không khí trên điều hòa 2 chiều phụ thuộc vào công suất hoạt động, diện tích không gian của căn phòng. Do đó, khi chọn mua điều hòa, tùy thuộc vào diện tích căn phòng của mình để lựa chọn sản phẩm có công suất phù hợp. Cụ thể như sau:
 
Diện tích               Công suất phù hợp
 
15 m2                   9000 BTU (1 HP)
 
15-20 m2              12000 BTU (1.5 HP)
 
20-30 m2              18000 BTU (2 HP)
 
30-40 m2              24000 BTU (2.5 HP)
 
2. Không để nhiệt độ ngoài trời và trong phòng chênh lệch quá cao
 
ảnh 2
 
Nhiệt độ cứ tăng lên 2 độ đồng nghĩa tiêu tốn thêm 10% điện năng và ngược lại
 
Bạn không nên cài đặt mức nhiệt quá cao trong phòng, mức nhiệt để sưởi ấm hợp lý là từ 22-25 độ. Khoảng chênh lệch nhiệt độ trong phòng và ngoài trời hợp lý là từ 5-8 độ, nếu không dễ dẫn đến tình trạng khô da, sốc nhiệt, gây ra các bệnh về hô hấp.
 
Khoảng chênh lệch nhiệt độ càng thấp thì hóa đơn tiền điện cũng giảm song song. Ví dụ: Vào mùa lạnh, nếu bạn cứ tăng nhiệt độ phòng trung bình lên 2 độ đồng nghĩa bạn sẽ tiêu tốn thêm 10% điện năng tiêu thụ (và ngược lại).
 
3. Điều chỉnh tốc độ gió hợp lý
 
Bạn nên chỉnh tốc độ gió cao ngay lúc mới bật điều hòa để nhanh chóng hút hơi ẩm ra khỏi phòng, để không khí khô ráo hơn. Khi mức nhiệt đã cân bằng, bạn nên cài đặt lại tốc độ thấp để tránh khô da và quá trình sưởi tiết kiệm điện hơn.
 
4. Hướng quạt gió xuống thấp
 
Do đặc tính của hơi nóng là bốc lên cao, và dễ dàng bị làm nguội lạnh bởi không khí, nên người dùng điều hòa để sưởi thường có cảm giác chúng hoạt động không mấy hiệu quả so với lúc sử dụng để làm mát trong mùa hè. Do đó, muốn nhanh chóng làm ấm phòng, chúng ta cần lưu ý nên hướng quạt gió của máy xuống thấp nhất có thể. Khi đó, không khí nóng được thổi ra sẽ lan tỏa đều hơn khắp phòng.
 
5. Đóng kín cửa phòng
 
ảnh 3
 
Cũng là một phương pháp hữu hiệu để tiết kiệm điện năng. Việc đóng kín cửa sẽ ngăn không cho gió lùa vào để nhiệt độ trong nhà được giữ ấm ổn định. Tuy nhiên, cách này làm cho không khí không được lưu thông và dễ gây hại cho sức khỏe.
 
Vì vậy, bạn chỉ nên đóng kín khi sử dụng chức năng sưởi (hoặc làm lạnh cũng tương tự). Tối đa 4 giờ nên tắt máy và mở cửa để không khí tự nhiên lùa vào.
 
6. Sử dụng thêm máy sưởi khi nhiệt độ quá thấp
 

ảnh 4
Sử dụng thêm máy sưởi nếu nhiệt độ ngoài trời quá thấp
 
Đặc biệt cần lưu ý rằng khi mức nhiệt ngoài trời quá thấp (khoảng dưới 7 độ C), thì hiệu quả tỏa nhiệt của máy điều hòa bắt đầu giảm. Khi đó, chúng ta nên bắt đầu sử dụng các thiết bị sưởi khác như quạt sưởi, đèn sưởi, máy sưởi dầu... hoặc sử dụng song song để tiết kiện điện và mang lại hiệu quả mong muốn.
 
7. Bảo dưỡng điều hòa thường xuyên
 
ảnh 5
Bộ lọc của máy điều hòa sạch sẽ có thể giảm đến 15% điện tiêu thụ
 
Cũng như con người, máy móc cũng cần được “chăm sóc”, kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ. Bạn nên thường xuyên vệ sinh bộ lọc không khí và dàn trao đổi nhiệt để tăng hiệu quả giữ ấm, đồng thời, tránh được một số căn bệnh về đường hô hấp do bụi bẩn và nấm mốc gây ra. Bên cạnh đó, bộ lọc của máy điều hòa sạch sẽ có thể giảm đến 15% điện tiêu thụ, tiết kiệm điện năng đáng kể.
Theo: An ninh thủ đô