Tin thế giới

Điện gió: kinh nghiệm Trung Quốc

Thứ hai, 14/12/2009 | 15:07 GMT+7

Điện gió - cùng với năng lượng mặt trời - là hướng phát triển mới trong chiến lược năng lượng của Trung Quốc sau khi nước này bị ô nhiễm trầm trọng vì các nhà máy điện chạy bằng than đá, còn thủy điện đang đặt ra những nguy cơ lớn về môi trường sinh thái.

Điều may mắn của Trung Quốc là so với 20 năm về trước, chi phí mỗi suất đầu tư cho điện gió đã giảm khoảng 80%, có thể cạnh tranh được với các nguồn năng lượng truyền thống.

Theo Viện Khoa học khí tượng Trung Quốc, tiềm năng điện gió của nước này rất phong phú, phân bổ ở hai khu vực rộng lớn: khu vực thảo nguyên phía Tây Bắc và sa mạc Gobi, kéo dài từ Nội Mông, Cam Túc đến Tân Cương và khu vực duyên hải phía Đông, Đông Nam từ Sơn Đông, Liêu Ninh tới Phúc Kiến và Quảng Đông.

Phần đất liền của nước này có tiềm năng sản xuất 235 GW điện gió mỗi năm nếu cánh quạt được đặt ở tầm cao 10 mét so với mặt đất; trên biển đông Trung Quốc tiềm năng này dự kiến khoảng 750 GW.

Năm 1986 Trung Quốc xây nhà máy điện gió đầu tiên tại Vinh Thành (Rongcheng), tỉnh Sơn Đông. Đến cuối năm 2005, Trung Quốc đã có 59 nhà máy điện gió (wind farm) lắp đặt 1.854 tua bin có tổng công suất 1,266 GW, xếp thứ 10 trên thế giới.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc (NDRC) đặt chỉ tiêu năm 2010 tổng công suất điện gió là 5 GW (sau nâng gấp đôi, lên 10 GW) và từ 30-40 GW vào năm 2020. Tuy nhiên những chỉ tiêu này nhanh chóng bị vượt qua.

Đến cuối năm 2008, công suất điện gió của Trung Quốc đã là 12,2 GW, tương đương hai phần ba công suất của đại công trình thủy điện Tam Hiệp trên sông Dương Tử (18,2 GW). Với công suất này, ngành điện gió Trung Quốc xếp thứ tư thế giới, sau Mỹ, Đức và Tây Ban Nha.

Hồi tháng 7 năm nay, Trung Quốc đã khởi công dự án điện gió lớn nhất thế giới ở miền Tây Bắc nước này, mà báo chí trong nước gọi là “Tam Hiệp điện gió”. Dự án khởi đầu với công suất 5 GW vào năm 2010 (tương đương 2 nhà máy thủy điện Sơn La của Việt Nam) và sẽ tăng dần lên 20 GW vào năm 2020, lớn gấp nhiều lần nhà máy điện gió lớn nhất thế giới hiện nay có công suất 4 GW ở bang Texas, Mỹ. Theo Tân hoa xã, chi phí cho dự án điện gió khổng lồ này lên tới 17,6 tỉ đô la Mỹ, song theo giới phân tích vẫn còn khá rẻ, chưa tới 1 triệu đô la Mỹ cho mỗi MW công suất, bằng một phần ba so với giá của phương Tây.

Trong đầu tư điện gió, tốn kém nhất là tua bin phát điện. Tua bin “made in China” có giá rẻ hơn nhiều so với thiết bị chế tạo tại Mỹ hay châu Âu. Và để có tua bin giá rẻ, Trung Quốc đã đầu tư rất sớm vào ngành công nghệ cao này.

Năm 1996, NDRC đề ra chương trình “Cưỡi lên ngọn gió”, mời gọi đầu tư nước ngoài và lập hai công ty sản xuất thiết bị điện gió, liên doanh với Công ty Nordex của Đức và Công ty Made của Tây Ban Nha - xếp thứ hai và thứ tư trong ngành thiết bị điện gió thế giới. Để bán được hàng vào Trung Quốc, các nhà đầu tư này phải chuyển giao cho đối tác địa phương công nghệ chế tạo tua bin điện gió có công suất dưới 600 KW - là loại tua bin sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc hiện nay.

Chỉ hai năm sau, năm 1998, công ty sản xuất thiết bị điện gió đầu tiên 100% vốn Trung Quốc ra đời - Công ty Goldwind ở tỉnh Tân Cương, có 55% vốn của nhà nước Trung Quốc. Nhờ những chính sách ưu đãi của chính phủ đến năm 2006, Goldwind đã chiếm 35% thị phần thiết bị điện gió của Trung Quốc; chủ yếu ở loại tua bin có công suất dưới 1 MW, phù hợp cho các nhà máy điện gió độc lập (off-grid), cung cấp năng lượng cho các vùng xa xôi ngoài tầm của mạng lưới điện quốc gia.


 
Vùng đất hoang hóa phía Bắc Trung Quốc rất thích hợp cho việc phát triển điện gió. Trong ảnh: một góc trạm điện gió ở Phụ Tân, tỉnh Liêu Ninh, do Reuteurs chụp cuối tháng 11 vừa qua.

Đến nay, theo Wikipedia, Trung Quốc đã có 15 công ty chuyên sản xuất tua bin điện gió cùng hàng chục công ty khác sản xuất linh kiện, phụ tùng. Tháng 7-2009, trước khả năng dư thừa công suất, Chính phủ Trung Quốc đã đưa thiết bị điện gió vào danh mục ngành hàng không khuyến khích đầu tư nữa, cấm các ngân hàng quốc doanh cho vay tới các dự án sản xuất thiết bị điện gió.

Thế nhưng chỉ vài năm trước, Trung Quốc ra sức khuyến khích việc sản xuất thiết bị điện gió trong nước qua chương trình “Nợ quốc gia cho các dự án điện gió” do Ủy ban Kinh tế và Thương mại quốc gia chủ trì. Chương trình này bắt buộc các dự án điện gió phải mua và sử dụng các thiết bị được sản xuất trong nước; bù lại dự án sẽ được chính phủ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi. Chương trình này đã kết thúc vì bị sự phản đối mạnh mẽ sau khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001.

Ngay sau đó, năm 2004, NDRC đưa ra chương trình mới, “Dự án chuyển nhượng điện gió” có hiệu lực 20 năm; theo đó các công ty truyền tải và phân phối điện phải mua hết sản lượng điện mà các nhà máy điện gió cỡ lớn tạo ra theo mức giá đấu thầu nhưng phải có lợi cho nhà đầu tư. Đổi lại, nhà máy điện gió phải có công suất thiết kế không dưới 100 MW. Nội dung của chương trình này sau đó được thể chế hóa trong Luật Năng lượng tái tạo Trung Quốc, ban hành tháng 2-2005 và có hiệu lực từ 1-1-2006.

Để khuyến khích các dự án điện gió cỡ lớn, kết nối vào mạng điện quốc gia (in-grid) nhằm tận dụng hiệu năng của sự sản xuất quy mô lớn, Chính phủ Trung Quốc miễn toàn bộ thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với phần thiết bị và linh kiện nhập khẩu cho các dự án này. (Trước đó, thuế VAT đối với điện gió đã giảm từ 17% xuống 8,5% vào năm 2001, từ năm 2004 thuế nhập khẩu được cố định ở mức 8% cho tua bin phát điện và 3% cho linh kiện, phụ tùng, song các sắc thuế này sẽ được miễn hoàn toàn nếu tua bin và linh kiện được chủ đầu tư nhập khẩu để xây dựng dự án điện gió). Năm 2006, NDRC đã phê chuẩn 5 dự án như vậy tại các tỉnh Giang Tô, Quảng Đông, Nội Mông và Cát Lâm.

Thách thức lớn cho tham vọng điện gió của Trung Quốc là nước này chưa đủ khả năng thiết kế, sản xuất tua bin điện gió có công suất lớn, từ 1 MW trở lên, cũng như chưa có kinh nghiệm vận hành nhà máy điện gió in-grid cỡ lớn. Để khắc phục trở ngại này, Trung Quốc đang cố thu hút các công ty đa quốc gia hàng đầu như General Electric (GE-Mỹ), DuPont (Pháp) hoặc Siemens (Đức)… Chiêu thức mà Trung Quốc sử dụng là hỗ trợ các công ty này mở rộng mạng lưới phân phối trên thị trường nội địa rộng lớn của Trung Quốc, đổi lấy việc chuyển giao công nghệ.

Theo báo BusinessWeek, Công ty GE Wind thuộc tập đoàn GE chẳng hạn, đã chuyển cho đối tác Trung Quốc gần như mọi công nghệ, từ sản xuất tua bin điện gió đến xây dựng những nhà máy ít gây ô nhiễm; GE cũng đã bán vào Trung Quốc những mẫu tua bin điện gió có hiệu suất rất cao, hơn hẳn những thiết bị đang hoạt động ở Mỹ.

Tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Copenhagen, dự kiến Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo sẽ công bố cam kết của chính phủ nước này, theo đó đến năm 2020 mức phát thải khí CO2 trên mỗi đơn vị sản lượng GDP của Trung Quốc sẽ giảm khoảng 40-45% so với mức năm 2005. Cơ sở để Trung Quốc thực hiện cam kết đó chính là sự phát triển mạnh và bền vững của các nguồn năng lượng tái tạo, mà trong đó điện gió là nòng cốt.
Theo: (TBKTSG)