Trạm điện gió ở Tửu Tuyền - Ảnh: baidu
Đây vốn là một thành phố cổ trên con đường tơ lụa Trung Quốc nằm ở độ cao 1.100-1.500m so với mực nước biển. Theo đánh giá của chuyên gia khí tượng Trung Quốc, sức gió có thể khai thác ở Tửu Tuyền mỗi năm là 6.300 giờ. Với sức gió trên phát điện được 2.300 giờ, có thể xây dựng máy xay gió trên 10.000km2, chiếm 5% diện tích thành phố. Sức gió mạnh nhất là ở huyện Qua Châu, mỗi ngày đều có sức gió mạnh cấp 4-5.
Việc đo đạc sức gió, tuyển chọn địa điểm cho công trình điện gió Tửu Tuyền được khởi động từ 14 năm trước, dự toán tổng đầu tư 120 tỉ nhân dân tệ (khoảng 180 triệu USD). Công trình này có 200 máy xay gió cao 40m, mỗi cánh quạt dài 50m, trải dài hơn 30km2 trên sa mạc thành phố Tửu Tuyền, được báo chí Trung Quốc đặt tên là “Phong điện Tam Hiệp” hay “Tam Hiệp trên cạn”, vì theo kế hoạch năm 2020 công trình sẽ cung cấp 20 triệu kW điện, so với 22,5 triệu kW của đập Tam Hiệp.
Ngoài ra, lưới điện 750kV của trạm biến điện Tửu Tuyền, Qua Châu được xem như đường cao tốc ngành điện lực, thích hợp truyền tải công suất lớn, cự ly xa. Tăng tiến độ xây dựng lưới điện 750kV vừa tiết kiệm diện tích, vừa giảm giá thành truyền tải điện. Trong vòng bảy năm tới, mỗi năm công trình phải đầu tư khoảng 17 tỉ nhân dân tệ, sẽ có lợi cho việc phát triển kinh tế và dự kiến tạo ra hơn 5.000 việc làm.
Theo lời ông Hứa Kiến Dân - ủy viên Ủy ban bảo vệ môi trường Trung Quốc, 50 hay 100 năm tới kinh tế toàn cầu sẽ đi từ văn minh công nghiệp sang văn minh sinh thái. Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục đi theo con đường văn minh công nghiệp truyền thống thì sẽ không có hướng phát triển.
Hiệp hội năng lượng gió Trung Quốc cũng cho biết kế hoạch đến năm 2020 nước này sẽ xây dựng bảy cơ sở điện gió có công suất 120 triệu kW.
(Theo Liễu Vọng Đông Phương)