Tin thế giới

Trung Quốc “đau đầu” với tác hại môi trường của đập thủy điện Tam Hiệp

Thứ hai, 7/12/2009 | 10:17 GMT+7

Kế hoạch nâng mực nước cho đập Tam Hiệp khổng lồ trong tháng 11 để đủ sản xuất điện đã phải dừng lại do tình trạng hạn hán tồi tệ ở phía Nam và hàng loạt báo cáo về nguy cơ gây lở đất.

Xây dựng dự án nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới này Trung Quốc những mong muốn trị thủy, chấm dứt tình trạng lụt lội dọc theo lưu vực sông Dương Tử, đồng thời cung cấp năng lượng cho nền kinh tế đang bùng nổ. Tuy nhiên việc thay đổi tự nhiên đã không đạt hiệu quả mong muốn mà các quan chức đã gặp nhiều phàn nàn về ảnh hưởng môi trường to lớn của hồ chứa nước này, dài đến 660 km, trị giá xây dựng đến 23 tỷ USD và đã di dời hơn 1,4 triệu cư dân.

 

 

Đập Tam Hiệp.

Con đập đã được trữ nước từ ngày 15-9 để đạt mức nước cao nhất 175m vào đầu tháng 11, đủ khả năng phát điện mức cao nhất. Nhưng đầu tháng 11, mức nước đạt 171m rồi phải dừng lại. Lý do có quá ít nước từ thượng nguồn Dương Tử, ít hơn năm trước 34%. Lý do khác, không được nói ra, còn do những báo cáo khẩn cấp cảnh báo nguy cơ cao lở đất.

Một báo cáo của cơ quan tham vấn chính trị Trùng Khánh được tờ Caijing tiết lộ đã cảnh báo những thảm họa địa chất, như lở đất, nếu mực nước lên đến mức đỉnh. Những vệt nứt cũ sẽ nứt lại khi đất xung quanh con đập đẫm nước. Các quan chức quận Ôn Châu của tỉnh Trùng Khánh, một đại đô thị gần hồ chứa, đã nhận diện gần 700 khu vực dễ bị tổn hại, 587 trong số này có khả năng xảy ra lở đất. Trước đây đã có nhiều cảnh báo nguy cơ khi nước đổ vào hồ chứa, thành hồ vốn là những dốc khô, giờ đẫm nước thì thành hồ sẽ yếu, đất dịch chuyển. Hôm 16-10, làng Quchi gần Trùng Khánh phát hiện một vết nứt từ chỗ nứt cũ dài 400m, mấy chục hộ dân đã vội sơ tán.

Theo RFI, gần 20 năm sau ngày khởi công xây dựng đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử, chính quyền Trung Quốc ngày càng đau đầu trong việc giải quyết các tác hại của con đập này đối với môi trường cũng như đời sống người dân quanh khu vực và vùng hạ lưu con sông. Trên nguyên tắc, con đập lớn nhất thế giới này phải là niềm tự hào của Trung Quốc, thế nhưng trên thực tế, công trình này đang trở thành cái lỗ không đáy tiêu tốn ngân sách nhà nước. Lý do là vì khi cho xây dựng đập Tam Hiệp, chính quyền đã không tính toán đến tác động xã hội và môi trường của con đập.

Từ nhiều năm qua, các sự cố ngày càng chồng chất. Song song với việc mức nước dâng lên trong hồ chứa của con đập, chính quyền phải đối phó với một loạt vấn đề nảy sinh chung quanh công trình và ở hạ nguồn sông Dương Tử. Từ các vụ đất đai bị sạt lở, vấn đề lòng sông dưới hạ nguồn bị khô cằn, cho đến việc phải di dời hàng triệu cư dân, đấy là những yếu tố đã không được tính tới trong dự án ban đầu.

Theo một tờ báo Trung Quốc, chính quyền đang nghiên cứu một đề án trị giá 170 tỷ nhân dân tệ (khoảng 25 tỷ USD) nhằm củng cố đập Tam Hiệp, đồng thời bồi thường cho những người dân phải tản cư. Gộp lại thì khoản chi phí cho con đập sẽ cao hơn gần gấp tám lần ước tính ban đầu.

(theo China Daily, RFI)

Theo: SGGP