Các kỹ thuật viên Công ty CP Mía đường Phan Rang vận hành và giám sát tuốc-bin máy phát điện từ bã mía.
Từ doanh nghiệp...
Ðến thăm Công ty cổ phần Mía đường Phan Rang vào những ngày đầu năm 2014, chúng tôi có dịp chia sẻ niềm vui và sự phấn khởi của đơn vị trong vụ sản xuất năm 2013-2014. Trời tờ mờ sáng, không khí đã rất nhộn nhịp. Tại điểm cân tải trọng xe của nhà máy, hàng chục xe ô-tô tải chở mía cây nối đuôi nhau thành hàng dài cả trăm mét. Nông dân ngồi bàn chuyện trúng mùa trong căng-tin, đợi nhà máy thông báo chữ đường, trọng lượng mía và hồ hởi nhận tiền kết thúc vụ cung ứng nguyên liệu...
Vào nơi sản xuất đường cát tinh và đường thô, hương thơm mật mía đang nấu ngào ngạt lan tỏa khắp nơi. Kỹ sư Trần Công Thiên, Trưởng phòng Kỹ thuật kế hoạch bộc bạch: "Nhờ tạo ra điện năng từ việc đốt nguyên liệu sẵn có để phục vụ sản xuất, mỗi tháng công ty tiết kiệm hàng tỷ đồng". Nghe nói vậy, nghĩ là công ty thuê chuyên gia thiết kế kỹ thuật và lắp đặt hệ thống tạo ra điện năng từ việc đốt bã mía sau khi đã ép hết mật đường, nhưng đây lại là sáng kiến của đơn vị. Trước đây, để đủ điện cho quy trình ép lấy mật đường của 1.200 tấn mía cây/ngày, phải tiêu tốn khoảng 45 nghìn kW điện, chi phí tiền điện mỗi tháng gần một tỷ đồng. Năm 2012, khi hoàn thành thiết kế kỹ thuật tạo ra một dạng năng lượng tái tạo, công ty đầu tư chín tỷ đồng lắp đặt một tuốc-bin máy phát điện có công suất 1,5 MW với quy trình kỹ thuật là sau khi mía cây được ép hết mật, bã mía được đưa vào lò đốt tạo ra hơi truyền dẫn đến trục quay tuốc-bin máy phát, tạo ra điện năng. Vậy là, hàng trăm nghìn tấn bã mía phế phẩm phải bỏ đi, trở thành nguyên liệu chủ lực sản xuất điện.
Trong vụ sản xuất năm 2012 (từ tháng 11-2012 đến tháng 4-2013), tổng số điện năng mà công ty sử dụng là 6,9 triệu kW, trong đó nguồn điện tự phát của đơn vị được hơn hai triệu kW (bình quân đốt 415 tấn bã mía/ngày). Từ hiệu quả mang lại, năm 2013, để đạt kế hoạch ép 200 nghìn tấn mía (1.400 tấn mía cây/ngày), ngoài việc nâng công suất của tuốc-bin máy phát điện sẵn có lên hơn bốn triệu kW, đơn vị lắp đặt thêm một tuốc-bin máy phát mới có công suất 1,5 MW. Dự kiến khi cả hai tuốc-bin máy phát cùng vận hành trong niên vụ 2014, không chỉ ổn định điện sản xuất mỗi năm mà còn dôi ra để có thể cung ứng cho hai công ty sản xuất hạt điều gần đó.
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng chủ động đầu tư kinh phí để thay thế thiết bị lạc hậu tiêu hao điện năng bằng những thiết bị mới. Công ty may Tiến Thuận có hơn 1.800 công nhân làm việc trong 27 dây chuyền may. Trong hai năm 2012-2013, ngoài sử dụng các loại đèn hiệu suất cao như: led, compact, huỳnh quang tiêu thụ điện ít, doanh nghiệp đã chi chín tỷ đồng lắp đặt 300 máy may một kim, hai kim và máy vắt sổ điện tử thay thế cho các máy may cơ. Hiệu quả mang lại không chỉ ít hao tốn điện năng mà năng suất cao hơn (bình quân hai phút xong một sản phẩm). Anh Hồ Tấn Ninh, Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính công ty cho biết: "Mỗi năm, công ty phải chi gần bốn tỷ đồng tiền điện, trong năm 2013, đã đầu tư công nghệ, thiết bị tiết kiệm điện, cho nên giảm khoảng 50% chi phí tiền điện".
Ðến thăm Công ty TNHH Thông Thuận, doanh nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh, Giám đốc cơ điện Võ Văn Thiên cho biết: "Nhờ sử dụng nước từ bình nước nóng năng lượng mặt trời vào nồi luộc tôm, mỗi năm tiết kiệm hơn 500 triệu đồng". Công ty có hai nồi luộc tôm sơ chế sử dụng điện năng, thay vì sử dụng điện năng để đun trong nồi luộc tôm từ nước lạnh đến độ sôi làm chín tôm, mỗi năm tiêu tốn 302 nghìn kW, từ năm 2012, công ty áp dụng sáng kiến nói trên, chỉ tiêu tốn 75 nghìn kW, vì nước nóng từ bình năng lượng mặt trời trước khi đưa vào nồi luộc luôn ở nhiệt độ hơn 70oC, cho nên điện năng sử dụng giảm đi.
Công ty cổ phần Xây dựng Ninh Thuận có bốn nhà máy sản xuất gạch tuy-nen. Hầu hết máy móc, thiết bị, động cơ có công suất từ 30 đến 132 kW, tiêu thụ năng lượng rất lớn, mỗi năm chi trả hơn năm tỷ đồng tiền điện. Ðể giải bài toán về điện và giảm giá thành sản phẩm, công ty thay thế toàn bộ bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact huỳnh quang, xây dựng tường bao các khu nhà xưởng bằng vật liệu không nung nhằm tận dụng ánh sáng tự nhiên thay thế cho đèn thắp sáng..., giúp gạch thô khô nhanh hơn và tiết kiệm thời gian nung ở các lò nung sấy gạch... Nhờ vậy, mỗi năm tiết kiệm chi phí về điện hơn 500 triệu đồng...
Nhờ thay đổi công nghệ hiện đại, đầu tư thiết bị tiết kiệm điện, các dây chuyền may tại Công ty May Tiến Thuận đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Lan tỏa đến nông thôn
Những năm qua, có thể nói phong trào tiết kiệm điện lan tỏa sâu rộng và gắn liền với đời sống của người dân Ninh Thuận. Qua đó, có nhiều tấm gương đáng biểu dương. Theo những "địa chỉ đỏ" điển hình về tiết kiệm điện, chúng tôi chạy xe máy hơn 40 km đến thôn Kiền Kiền 1, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc để tìm đến gia đình bác Tô Văn Huệ, 82 tuổi. Vợ chồng bác Huệ là giáo viên đã nghỉ hưu, sau nhiều năm tích cóp đã xây dựng một căn nhà nhỏ giữa vườn cây trái thoáng mát. Hưởng ứng phong trào, bác Huệ dành một phần lương hưu mua sắm bóng đèn compact thay cho đèn huỳnh quang, sợi đốt và chỉ dùng điện để nấu cơm, thắp sáng mỗi khi cần. Bác Huệ tâm sự: "Là đảng viên, mình phải đi đầu để nhân rộng việc tiết kiệm điện, góp phần bảo vệ nguồn năng lượng tài nguyên quốc gia. Mỗi gia đình tiết kiệm một chút thì đất nước mình mới giàu mạnh được".
Ðến xã Công Hải, cùng đi thực tế với anh Dương Khang, là nhân viên tham gia dịch vụ bán lẻ điện tại Ðiện lực huyện Thuận Bắc, đơn vị điển hình trong phong trào tiết kiệm điện. Toàn xã có chín thôn, với dân số khoảng 9.600 người, trong đó đồng bào dân tộc RaGlai chiếm hơn 69%, nhận thức về tiết kiệm điện đối với người dân chưa đạt như mong muốn. Bà con RaGlai thường dậy sớm, chong đèn thổi cơm để đi làm rẫy khi trời vẫn còn tối, cho nên thường quên tắt đèn. Với nhiệt huyết của mình, xuyên suốt trong một năm, khi trời gần sáng là anh Khang thức dậy "tập thể dục" bằng cách đi đến từng thôn kiểm tra, nhiều lúc anh phải tắt đèn hộ cho bà con. Việc làm ấy đã giúp bà con nâng cao nhận thức và làm theo, góp phần xây dựng hiệu quả chương trình "Thôn, khu phố văn hóa tiết kiệm điện" tại địa phương.
Chúng tôi đến thăm khu phố Khánh Hiệp, thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải có 245 hộ dân, với hơn một nghìn nhân khẩu. Hưởng ứng phong trào tiết kiệm điện, đến nay, gần 100% hộ gia đình dùng đèn compact, đèn tuýp gầy T5 và T8 để thắp sáng. Trưởng Ban quản lý khu phố Nguyễn Văn Sơn cho biết, trên các tuyến đường của khu phố, có hơn 50 cột đèn cao áp chiếu sáng, để tiết kiệm điện, thị trấn đã đề nghị với phòng kinh tế-hạ tầng huyện cắt giảm ở mỗi tuyến đường từ hai đến ba bóng, thời gian thắp sáng cũng được điều chỉnh cho phù hợp với thời tiết từng mùa. Hiện nay, trên các tuyến đường chỉ còn lại 50% số bóng đèn cao áp so với trước nhưng vẫn bảo đảm ánh sáng.
Những năm qua, Công ty Ðiện lực Ninh Thuận đã tổ chức hàng trăm cuộc tuyên truyền về việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả như tổ chức sự kiện hưởng ứng giờ trái đất, thay thế miễn phí hàng nghìn bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact tiết kiệm điện cho bà con vùng sâu, vùng xa và tổ chức nhiều chương trình thiết thực tiết kiệm điện làm cho phong trào nhanh chóng lan tỏa trong đời sống xã hội.
Cần sự hỗ trợ để nhân rộng
Ðể phong trào tiết kiệm điện được thực hiện lâu dài, nhiều chủ doanh nghiệp cho biết, cần có chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn đầu tư thiết bị phát điện, đầu tư các thiết bị tiêu tốn ít điện năng, nhằm chủ động đáp ứng lượng điện tiêu thụ, tiết kiệm điện.
Theo kỹ sư Trần Công Thiên, hiện tại, cây mía là cây công nghiệp có thế mạnh tại Ninh Thuận, ngoài dùng sản xuất đường, cây mía còn có khả năng sản xuất ra nguồn điện nhờ vào năng lượng tái tạo từ bã mía. Vả lại, mía được thu hoạch vào mùa khô, là thời điểm địa phương đẩy mạnh việc tiết kiệm điện, do đó, để giải được bài toán thiếu điện, tỉnh cần có kế hoạch phát triển diện tích cây mía từ 3.400 ha lên 5.000 ha. Công ty CP Mía đường Phan Rang sẽ đầu tư thêm một tuốc-bin phát điện có công suất 3 MW, nâng tổng công suất phát lên 6 MW, ngoài việc đáp ứng 100% nguồn điện sản xuất, đơn vị còn có thể hòa vào điện lưới địa phương khoảng 4 MW góp phần tiết kiệm điện cho tỉnh.
Năm 2014, Công ty Ðiện lực Ninh Thuận phấn đấu tiết kiệm 2,1% tổng sản lượng điện thương phẩm. Giám đốc Công ty Ðiện lực Ninh Thuận Nguyễn Thanh Tuấn nhận xét: "Tiềm năng tiết kiệm điện còn rất lớn, người dân thấy hiệu quả sẽ tiếp tục duy trì và phong trào tiết kiệm điện trở thành phong trào chung trong nhân dân".