Đỗ Việt Bách, Phòng Điều khiển Trung tâm đang kiểm tra các thông số vận hành các tổ máy.
Những điều bất ngờ
Anh Nguyễn Đắc Cường, phụ trách truyền thông Công ty Thủy điện Sơn La, dẫn chúng tôi đi thăm Nhà máy. Thủy điện Sơn La nay đã khác nhiều so với ngày khánh thành cuối năm 2012, khuôn viên cây xanh đã được phủ xanh, vỉa hè được lát gọn gàng, bãi đỗ xe đã bê tông hóa, khu tưởng niệm, bảo tàng được đầu tư khang trang, phía trên đỉnh đồi cạnh thân đập Nhà máy là khu nhà tưởng nhớ những người con đã không may chết do tai nạn khi đang thi công Nhà máy Thủy điện Sơn La và trên thân đập thỉnh thoảng có một vài đoàn khách du lịch tới chiêm ngưỡng công trình thế kỷ, họ đa phần là khách thập phương, từ mọi miền Tổ quốc về đây để được tận mắt chứng kiến sự nguy nga, đồ sộ của Nhà máy Thủy điện Sơn La, công trình của khát vọng, ý chí, bàn tay, khối óc của người Việt Nam xây dựng nên.
Do Nhà máy Thủy điện Sơn La là công trình an ninh trọng điểm, nên ngay từ vòng ngoài (cổng chào) đều được kiểm soát an ninh chặt chẽ, bảo vệ biết là xe đưa rước công nhân hàng ngày, nhưng hôm nay vào lệch giờ đưa đón nên đã phải ra tận xe để kiểm tra, rồi ra hiệu mở cửa cho xe vào. Chúng tôi còn cảm nhận được sự nguyên tắc tuyệt đối, khi bước vào bên trong Nhà máy, nơi lưu giữ nhiều kỷ vật, chìa khóa vàng mà Thủ tướng Chính phủ đã trao cho Nhà máy Thủy điện Sơn La… nay đang được trưng bày tại tiền sảnh Nhà điều hành. Anh Cường nhấc chiếc máy điện thoại bàn được gắn trên tường, cạnh cửa ra vào lên tai nghe và không đầy 3 giây, phía bên trong đã có người nói vọng ra: Khách nào đấy anh Cường? Sau khi biết chúng tôi là đoàn Nhà báo muốn vào thăm phòng điều khiển trung tâm và các phân xưởng, cánh cửa mới tự động mở ra.
Phóng viên tác nghiệp tại hiện trường
Vào thăm Nhà máy Thủy điện Sơn La, tôi hết ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, bởi nơi sản xuất ra nguồn điện lớn nhất cả nước mà họ rất có ý thức tiết kiệm điện, hành lang bóng thắp so le, chỉ đảm bảo đủ sáng để đi lại, các phòng điều khiển trung tâm, phòng giao ban, hội chẩn… tất cả đều được tiết kiệm tối đa. Anh Cường cho biết thêm: Anh em ở đây ý thức tiết kiệm ghê lắm, ra khỏi phòng là tắt hết thiết bị điện, nề nếp đó được duy trì thường xuyên tới ngày hôm nay là nhờ Ban lãnh đạo Nhà máy đã áp dụng “thông suốt” từ trên xuống. Tìm hiểu chúng tôi mới biết, không chỉ trong Nhà máy mà ngay cả trên văn phòng Công ty, mọi người đều có ý thức tiết kiệm điện, họ xem đây là chỉ tiêu thi đua hàng tháng và tất nhiên có thưởng, có phạt.
Sức trẻ trên công trình thế kỷ
Họ đều là cán bộ, công nhân viên trực máy, tuổi đời phần lớn 8X. Điều giống nhau ở đây, đa phần họ chưa có vợ, nhiều người còn chưa có bạn gái, họ lên đây với khát khao được cống hiến vì dòng điện Tổ quốc mãi sáng. Em Hồng Văn Việt, sinh năm 1989, quê Bắc Giang, học trung cấp (Đại học Điện lực), hiện làm ở Phân xưởng Vận hành máy. Việt chưa có vợ, vào làm tại Nhà máy từ năm 2011 đến nay, và năm 2013 Việt đã nhận nhiệm vụ trực Tết, đó cũng là năm đầu tiên Việt phải ăn Tết xa nhà. Việt tâm sự: Những ngày đầu em thấy nhớ nhà da diết, nhưng nghĩ tới trách nhiệm, công việc phía trước nên em đã gạt hết tình cảm riêng tư để hoàn thành nhiệm vụ. Việt còn bảo, năm đó lãnh đạo Công ty đến động viên, khích lệ tinh thần từng cá nhân và tổ chức cho mọi người gói bánh chưng, vui xuân đón Tết nên cảm thấy ấm áp hơn.
Khác với Việt, em Tạ Xuân Dương, sinh năm 1986, quê Hà Nội, hiện làm việc tại Phân xưởng Tự động, Dương vừa lập gia đình đầu năm 2013, quê vợ Dương tận Bắc Giang và sau khi lập gia đình, vợ Dương ở lại làm việc tại Tòa án tỉnh Bắc Giang, hàng ngày hai vợ chồng chỉ liên lạc, đông viên nhau qua điện thoại và Internet. Khoảng cách địa lý gần 500km, xa nhà hàng tháng dòng, công việc khác nhau nên nhiều khi hai vợ chồng vẫn giận nhau. Mỗi lúc như vậy, Dương đều tìm mọi cách để xoa dịu tình hình, động viên vợ, mua quà tặng vợ, gia đình và quan trọng, mỗi lần được nghỉ phép Dương đều làm công tác tư tưởng với vợ nên tình cảm hai vợ chồng ngày càng thắm thiết hơn, hiểu nhau và chia sẻ công việc cho nhau.
Trong khi đó, em Đỗ Việt Bách, sinh năm 1988, quê Yên Bái, Trưởng ca - Phòng điều khiển trung tâm, đã trải qua tất cả các vị trí vận hành, tự động… mới được chuyển lên phòng điều khiển. Được biết, để làm được ở phòng điều khiển thì phải có kinh nghiệm, mà kinh nghiệm thì được đúc rút thực tế tại các vị trí dưới phân xưởng. Bách bảo: Trực ở phòng điều khiển không được khuyết vị trí, một ca trực có 12 người, chia làm 5 kíp trực và phân ra 3 ca, nhiệm vụ cứ một tiếng phải cập nhật số liệu, thông số của các tổ máy để điều tiết, và đôi khi phát hiện bất thường để xử lí kịp thời, tránh thiệt hại cho Nhà máy.
Tết này con không về
Tết này, 50% số lượng công nhân trực máy phải ở lại trực tết, năm nào cũng vậy họ thay nhau, số lượng ngày nghỉ trước và sau Tết đều như nhau, có khác là số người trực Tết theo quy định sẽ khác nhau. Bởi năm nay Đỗ Việt Bách sẽ tình nguyện ở lại trực, vậy là sẽ có một người trong số danh sách trực Tết năm nay được về vui xuân với gia đình. Bách tâm sự: Thật sự em rất hứng thú, mong muốn ở lại để trực thay cho anh em, tiếc là em không thể trực thay cho nhiều người. Với Bách, em hiểu quá rõ tâm lí của người được về quê ăn Tết với gia đình và người ở lại trực Tết, vì những thử thách đó Bách đều đã trải qua.
Trong khi, Tạ Xuân Dương mặc dù biết lịch trực Tết nhưng vẫn chưa dám báo tin về cho vợ và gia đình. Qua trang báo Tết Tạp chí Công Thương, Dương nhờ tôi nhắn: “Tết này con không về, con chúc mọi người ăn tết vui vẻ, dồi dào sức khỏe, các cháu ở nhà ngoan và học giỏi”. Tôi nhắc tới vợ Dương, Dương nghẹn ngào: “Vợ! Mong em hãy hiểu cho công việc của anh, chia sẻ với anh, để anh hoàn thành nhiệm vụ. Ra Giêng, khi hoàn thành nhiệm vụ anh sẽ về với em và gia đình”.
Còn nhiều người phải trực Tết, có người báo tin ngay cho gia đình, nhưng cũng có người đợi tới giờ “G” mới dám báo tin, vì họ sợ gia đình buồn, sợ tết đến lại lặn lội vượt hàng trăm cây số lên Nhà máy để thăm con, thăm chồng, thăm người yêu.
Anh Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Công ty Thủy điện Sơn La cho biết: Năm nào cũng vậy, Tết đến, chúng tôi đều tổ chức mổ lợn, gói bánh chưng… cho cán bộ công nhân viên đón Tết, động viên, khích lệ tinh thần họ và chuẩn bị thêm nhiều khẩu phần ăn để đón tiếp người nhà của anh em lên thăm, tuy giản dị nhưng ấm cúng và chu đáo.