Sự kiện

Lưới điện 110kV miền Bắc: Giảm tổn thất điện năng

Thứ sáu, 27/12/2013 | 09:50 GMT+7
Giảm tổn thất điện năng là một trong những mục tiêu quan trọng trong hoạt động sản xuất- kinh doanh của ngành điện. Xác định rõ điều này, Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc không ngừng nâng cao chất lượng quản lý vận hành lưới điện, thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm tổn thất điện năng và tiết kiệm điện.


Dự án lắp MBA T3 (63MVA) và giàn tụ bù 110kV (20MVAr) trạm Yên Phong 1 đã nâng cao chất lượng điện năng, tạo phương thức vận hành linh hoạt, đảm bảo cấp điện ổn định, tin cậy cho nhà máy của Tập đoàn Samsung tại khu vực Yên Phong - tỉnh Bắc Ninh

Áp dụng nhiều giải pháp

Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc (NGC) được Tổng công ty Điện lực miền Bắc (NPC) giao nhiệm vụ chính là quản lý vận hành và sửa chữa lưới điện 110kV trên địa bàn 24 tỉnh thành phía Bắc gồm 146 trạm biến áp và trên 6.200km đường dây 110kV, được coi là “xương sống” của lưới điện trực thuộc NPC.

Tổn thất điện năng trong quá trình phân phối và truyền tải điện là một vấn đề hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất- kinh doanh của từng đơn vị trong ngành điện và các phụ tải (khách hàng) sử dụng điện. Đối với NGC, đơn vị đang quản lý vận hành lưới điện 110kV, chỉ tiêu về tổn thất điện năng còn có ý nghĩa sống còn không chỉ đối với công ty nói riêng mà còn ảnh hưởng lớn tới việc hoàn thành chỉ tiêu của NPC và ngành điện nói chung.

Lưới điện 110kV khi vừa tiếp nhận hầu hết được xây dựng từ rất lâu có những đường dây xây dựng từ thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước, cùng với thời gian cũng như việc không được cải tạo, nâng cấp kịp thời đã xuống cấp nghiêm trọng. Thiết bị tại các trạm biến áp còn có các thiết bị thuộc thế hệ cũ lạc hậu. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc qua nhiều nguồn cũng gây ảnh hưởng đến phương thức cấp điện, ảnh hưởng đến tổn thất điện năng của lưới điện 110kV. Theo tính toán với tốc độ tăng trưởng phụ tải là 14% thì tổn thất điện năng trên lưới điện 110kV của NGC sẽ tăng tương ứng khoảng 0,2% nếu không cải tạo lưới điện. Điều này đặc biệt quan trọng do điện nhận đầu nguồn của NGC chiếm khoảng 90 ÷ 95%  điện nhận của toàn NPC.

Tỷ lệ tổn thất điện năng của Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc giảm dần qua từng năm. Từ 2,32% năm đầu chính thức tiếp nhận quản lý vận hành (năm 2007), đến nay, tỷ lệ tổn thất còn 1,62%. Kết quả này làm giảm đáng kể tổn thất chung toàn Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Đặc biệt, điện nhận đầu nguồn năm 2007 chỉ là 14,1 tỷ kWh, trong khi đó, năm 2013 con số này đã đạt 28,8 tỷ kWh.
Trước thực trạng như vậy, lãnh đạo NGC đã đề ra những mục tiêu và giải pháp phù hợp cho từng giai đoạn: “Khắc phục khiếm khuyết tồn tại, củng cố lưới điện” cho những năm đầu thành lập, “Áp dụng công nghệ mới và nâng cao hiệu quả truyền tải của lưới điện” cho các năm tiếp theo. Các công việc về đường dây tập trung chủ yếu vào các hạng mục: Giảm trị số tiếp địa; thay thế cách điện, các đoạn dây dẫn bị tổn thương; xử lý khiếm khuyết các mối nối, lèo không đảm bảo nhằm khôi phục lại khả năng mang tải của đường dây; nâng tiết diện dây dẫn hoặc kẹp thêm dây phân pha để nâng cao khả năng truyền tải. Phần trạm biến áp được tập trung vào việc thay thế các thiết bị có công nghệ lạc hậu bằng các thiết bị có công nghệ tiên tiến; cải tạo hiện đại hóa các trạm cũ; điều động hoán đổi hàng chục MBA phù hợp với phụ tải từng khu vực, bổ sung thiết bị nhất thứ, hoàn thiện sơ đồ để linh hoạt trong phương thức vận hành; củng cố hoàn thiện hệ thống SCADA; xây dựng hệ thống thu thập thông số từ các trạm biến áp, hệ thống quản lý hồ sơ lý lịch thiết bị…

Tỷ lệ tổn thất điện năng giảm mạnh

Năm 2013, NGC đã thực hiện hàng loạt các công việc theo phương án vận hành tối ưu để giảm sự cố, giảm tổn thất điện năng và tăng độ tin cậy cung cấp điện. Một trong những giải pháp cơ bản công ty thực hiện là triển khai chương trình vận hành tối ưu lưới điện, đồng thời phối hợp với các công ty điện lực trong lập kế hoạch cắt điện theo quý, tháng, tuần, phối hợp lập phương án cấp điện tối ưu cho các phụ tải.

Cùng với đó, công ty tiến hành chuyển đổi phương thức cấp điện. Thông qua việc thực hiện chương trình vận hành tối ưu, đồng thời đóng điện một số công trình TBA 220kV và xuất tuyến 110kV khu vực Hà Nam, Quảng Ninh, Nghệ An, Bắc Giang…, NGC đã cải thiện được tổn thất điện năng trên lưới điện 110kV.

Bên cạnh đó, công ty còn thực hiện chuyển đổi phân cấp trong công tác điều độ lưới điện, thực hiện phiếu thao tác mẫu để giảm thời gian ngừng điện của khách hàng. Thực hiện chống quá tải, cải tạo thiết bị, giảm thiểu sự cố và giảm tổn thất lưới điện. Công ty đã triển khai nhiều chương trình nhằm xử lý các khiếm khuyết đã phát hiện trên đường dây 110kV và đã có các giải pháp xử lý kịp thời. Đối với các máy biến áp vận hành trên 20 năm và các máy biến áp có hàm lượng khí cháy trong dầu tăng, đã theo dõi tổ chức đánh giá tổng thể về chất lượng máy biến áp. Từng bước khai thác hiệu quả thiết bị để vận hành tối ưu, hoàn thiện sơ đồ và củng cố lưới điện 110kV. Lập dự án đầu tư để lắp bổ sung máy cắt, hoàn thiện sơ đồ vận hành 5 trạm, nhằm mục đích thuận lợi khi vận hành và hạn chế thời gian mất điện khi thao tác tách lưới hoặc sự cố.

Đặc biệt, đối với các bộ chống sét van có khe hở của Liên Xô và Trung Quốc thế hệ cũ còn nhiều, công ty đã thực hiện sửa chữa lớn năm 2013 để thay thế tại 44 trạm biến áp 110kV...

Với mục tiêu giảm chi phí quản lý, nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm điện, công ty đã ban hành quy định về sử dụng điện tự dùng hợp lý và định kỳ kiểm tra việc sử dụng tại các chi nhánh. Nhờ vậy, sản lượng điện năng tự dùng trung bình tại các TBA 110kV của công ty đã giảm dần theo từng năm, từ mức 6.895 (kWh/trạm) năm 2007 xuống còn 6.183 (kWh/trạm) năm 2013. Nếu tính riêng việc tiết kiệm điện tự dùng tại các TBA 110kV thì  chỉ  riêng 10 tháng đầu năm 2013, công ty đã tiết kiệm được 1,4 tỷ đồng trong chi phí quản lý.

Xuất phát từ thực tiễn trong công tác quản lý vận hành, sửa chữa lưới điện, những năm qua, cán bộ, công nhân viên NGC đã có hàng trăm sáng kiến, hợp lý hóa sản xuất. Đặc biệt trong các hạng mục thay dây dẫn, để giảm thiểu thời gian cắt điện, ông Lê Minh Tuấn- Giám đốc NGC- đã có sáng kiến chế tạo, sử dụng cột di động ERS làm tuyến tạm cấp điện cho phụ tải trong thời gian thi công. Sáng kiến này đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam công nhận, đánh giá cao và đang được nhân rộng trong toàn tập đoàn.

Trong thời gian tới, công ty tiếp tục triển khai hàng loạt các hạng mục sửa chữa lớn, củng cố, khôi phục năng lực vận hành cho đường dây và trạm; hoàn thiện các dự án đang thực hiện, đầu tư xây dựng với giá trị hàng trăm tỷ đồng để hoàn thiện lưới điện…

Với mục tiêu đến năm 2015, tổn thất điện năng lưới điện 110kV giảm xuống 1,2%, NGC đang nỗ lực hết mình, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu và nhiệm vụ được giao.
Theo: Công Thương Online