Tin trong nước

Thừa Thiên Huế đầu tư lưới điện để xây dựng nông thôn mới

Thứ hai, 13/6/2016 | 09:42 GMT+7
Thừa Thiên Huế hiện có 47 phường và 105 xã, trong đó có 93 xã được quy hoạch xây dựng nông thôn mới. 
 

Đầu tư phát triển lưới điện để xây dựng nông thôn mới tại huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế.
 
Theo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh, xét theo 19 tiêu chí nông thôn mới, đến cuối năm 2015 tỉnh Thừa Thiên Huế có 20 xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Để các địa phương còn lại hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, ngành điện tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật điện.

Trong những năm qua, Thừa Thiên Huế và ngành điện luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện ở khu vực nông thôn, góp phần thay đổi tập quán và quy mô canh tác, thâm canh, tăng năng suất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc...Tính từ năm 2011 đến năm 2015, ngành điện đã đầu tư xây dựng mới 268 công trình với giá trị 421 tỷ đồng; sửa chữa lớn 172 công trình với giá trị 176,8 tỷ đồng. Riêng khu vực nông thôn nguồn vốn để đầu tư xây dựng và sửa chữa lớn lưới điện tính từ 2011-2015 trên 328 tỷ đồng. Suất vốn đầu tư xây dựng lưới điện cho 93 xã giai đoạn này bình quân đạt 3,52 tỷ đồng/xã.
 
Năm 2001, 100% số huyện, xã, thị xã, thành phố của tỉnh có điện và đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ sử dụng điện toàn tỉnh đạt tỷ lệ 99,98%. Thừa Thiên Huế nằm trong nhóm đầu của cả nước về điện khí hóa nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Hiện nay, ngành điện đã bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn tại 143 xã, phường, thị trấn đạt tỷ lệ 94,1%, số hộ dân nông thôn có điện chiếm tỷ lệ 99,96%. Hiện nay, còn hai huyện Nam Đông và A Lưới chưa đạt tỷ lệ hộ sử dụng điện 100% (69 hộ dân chưa có điện lưới Quốc gia).
 
Ðối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, hơn ba năm qua, cùng với các yếu tố hạ tầng khác, ngành điện đã góp phần hoàn thành chỉ tiêu 20/93 xã thí điểm chương trình nông thôn mới theo chỉ đạo của tỉnh. Trong đó, tiêu chí số 4 là hệ thống điện bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của ngành điện; tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt trung bình trên 98% trở lên. Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên tại 93 xã thí điểm bình quân đạt 99,96%, vượt chỉ tiêu quy định 1,96%. Nhờ động lực từ xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh đã đẩy nhanh cơ giới hóa trong nông nghiệp, nông thôn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng nhanh năng suất lao động. 
 
Để hoàn thành tiêu chí điện nông thôn, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là nguồn vốn. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình điện nông thôn giai đoạn 2010-2020 đã xác định, năm 2015 trên 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (20/93 xã); đến năm 2020: 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo đó, đến cuối năm 2016, trên 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí điện, năm 2020 có 95% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ðây là giai đoạn phấn đấu quyết liệt và cần vốn đầu tư lớn cho việc hiện đại hóa LÐHANT. Trong giai đoạn 2016-2020 bằng nguồn vốn của mình, EVNCPC đang triển khai nhiều dự án lớn: Tiểu dự án Giảm cường độ phát thải trong cung cấp năng lượng điện tỉnh Thừa Thiên Huế (vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức KfW2+3); Tiểu Dự án cải tạo và nâng cấp lưới điện phân phối vay vốn nước ngoài; Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Thừa Thiên Huế (Dự án 2081) bằng vốn ngân sách Nhà nước; Dự án đấu nối và cải tạo lưới điện sau công tơ theo chương trình OBA…với tổng mức đầu tư 932 tỷ đồng. Suất vốn đầu tư xây dựng lưới điện bình quân trên địa bàn toàn tỉnh đạt 8,87 tỷ đồng/xã.
Theo: CPC