Công nhân Điện lực Đông Hưng thường xuyên kiểm tra máy biến áp.
Hàng năm, trước mùa mưa bão, Ðiện lực Ðông Hưng đều chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống lụt bão (PCLB) trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm của các năm trước. Theo đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy PCLB, Ðội xung kích PCLB của đơn vị; lập phương án PCLB, tổ chức tập huấn, diễn tập cho cán bộ, công nhân viên, cách xử lý sự cố. Việc bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng xử lý, khắc phục hậu quả thiên tai cho các tổ, đội quản lý vận hành đã được hoàn tất trước mùa mưa, bão.
Ngoài lực lượng tham gia nhiệm vụ PCLB được biên chế vào đội xung kích đã sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ, lực lượng ứng trực tại các trạm, điểm nguy cơ xảy ra sự cố được duy trì 24/24 giờ để ứng phó với mọi tình huống xảy ra trên lưới điện. Các đội quản lý tổng hợp đồng loạt kiểm tra lưới điện các đường dây trung, hạ áp; kiểm tra, xử lý các điểm xung yếu về công trình điện, thay thế xà sứ, tiếp địa tại các vị trí xung yếu. Tiến hành bảo dưỡng, thí nghiệm định kỳ các trạm biến áp phụ tải; kiểm tra, rà soát và củng cố toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc thuộc hệ điều độ; tập kết vật tư dự phòng, phương tiện, trang thiết bị như xăng dầu, phao cứu sinh, đèn chiếu sáng cầm tay, máy phát điện xử lý sự cố, lương thực, thực phẩm.
Ðặc biệt, trước khi bão đổ bộ, Ðiện lực Ðông Hưng luôn chủ động bám sát để theo dõi tình hình, tổ chức họp, triển khai công tác ứng phó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Ban Chỉ huy PCLB, chỉ đạo các phòng, ban, đội khẩn trương phòng chống. Huy động nhân lực phát quang cây cối, bảo đảm hành lang an toàn lưới điện (HLATLÐ) khi bão đổ bộ, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra đối với lưới điện. Kiểm tra toàn bộ đường dây, các trạm biến áp cấp điện cho hệ thống bơm tiêu úng nhằm cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định trước bão để phục vụ công tác tuyên truyền, chuẩn bị phòng, chống bão.
Công nhân Ðiện lực Ðông Hưng chuẩn bị vật tư trước cơn bão số 2.
Thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, bảo đảm cung cấp điện và vận hành an toàn lưới điện trong mùa mưa bão, những năm qua, Ðiện lực Ðông Hưng đã đầu tư, cải tạo hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn tại hầu hết các xã, thị trấn do đơn vị quản lý với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng. Triển khai thực hiện các công trình từ Dự án REII đợt 3, REII đợt 5 tại 14 xã, trong đó 8 xã đã hoàn thành và hàng chục công trình sửa chữa thường xuyên, cải tạo nâng cấp công suất, luân chuẩn 6 máy, thay thế 6 máy không đủ tiêu chuẩn vận hành... Tuy nhiên, một trong những khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện, nguy cơ sự cố lưới điện, tai nạn điện trên địa bàn huyện là tình trạng vi phạm HLATLÐ cao, hạ áp.
Hiện toàn huyện vẫn còn 23 điểm vi phạm HLATLÐ, trong đó lỗi chủ yếu là nhà, công trình không đủ khoảng cách quy định với dây dẫn điện, kết cấu nhà và công trình không đủ điều kiện tồn tại trong HLATLÐ, tình trạng trồng cây hoặc để cành cây, dây leo vào khoảng cách an toàn lưới điện. Mặc dù hàng năm Ðiện lực Ðông Hưng thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương tích cực tuyên truyền về sử dụng điện an toàn trong mùa mưa bão bằng các hình thức như in tờ rơi phát tới các gia đình gần khu có lưới điện cao áp đi qua, tuyên truyền trên loa truyền thanh... nhưng ý thức tự giác và sự hiểu biết về những quy định liên quan đến bảo đảm HLATLÐ của người dân vẫn còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân gây sự cố, dẫn đến mất điện thời gian qua là thú chơi diều gần hành lang lưới điện của người dân. Những cánh diều to lớn với nhiều bộ phận làm bằng kim loại nên khi va chạm hoặc mắc vào đường dây gây sự cố mất điện, ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất và sinh hoạt của người dân. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Ðông Hưng xảy ra hơn 10 vụ sự cố mà nguyên nhân được xác định do diều vướng vào đường dây truyền tải điện.
Ðể bảo đảm cấp điện an toàn tuyệt đối cho sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện, bên cạnh những giải pháp tích cực của Ðiện lực Ðông Hưng, mỗi người dân, mỗi tổ chức cần nâng cao hơn nữa ý thức của mình trong việc bảo vệ HLATLÐ, thực hiện các quy định an toàn trong sử dụng điện; các cấp, các ngành cần xử lý triệt để và quyết liệt hơn nữa các trường hợp vi phạm HLATLÐ, ngăn ngừa nguy cơ, sự cố tai nạn điện, nhất là trong mùa mưa bão.