02 công trình của PC Đà Nẵng được vinh danh tại buổi lễ sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2020

Thứ năm, 3/9/2020 | 15:45 GMT+7
Tại Lễ công bố sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2020, PC Đà Nẵng có 02 công trình được vinh danh trong tổng số 75 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học, công nghệ.

 Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng các đại biểu công bố sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2020. (Ảnh do PC Đà Nẵng cung cấp).
 
Đó là công trình “Nghiên cứu nâng cao hiệu quả chỉ báo đường đi sự cố (Fault Passage Indicator – FPI) nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho lưới điện phân phối thông minh tại thành phố Đà Nẵng” do PGS.TS Đinh Thành Việt (Đại học Đà Nẵng), Th.S Ngô Tấn Cư (EVNCPC) và các cá nhân thuộc PC Đà Nẵng gồm kỹ sư Hoàng Đăng Nam và Th.S Võ Văn Phương thực hiện; công trình “Nghiên cứu xây dựng hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối thông minh thành phố Đà Nẵng” do Th.S Võ Văn Phương, Th.S Lê Văn Phú, Th.S Lê Hoài Sơn và kỹ sư Nguyễn Hoàng Nhân (thuộc PC Đà Nẵng) thực hiện. 
 
Trong đó, công trình “Nghiên cứu nâng cao hiệu quả chỉ báo đường đi sự cố (Fault Passage Indicator – FPI) nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho lưới điện phân phối thông minh tại thành phố Đà Nẵng” đề xuất giải pháp để ứng dụng hiệu quả công nghệ chỉ báo đường đi sự cố FPI nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho lưới điện phân phối, góp phần thực hiện lộ trình xây dựng lưới điện thông minh tại Việt Nam theo Đề án mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Công trình góp phần giảm lãng phí trong đầu tư, nâng cao năng suất lao động. Công trình đã nghiên cứu giải thuật và xây dựng chương trình xác định số lượng, vị trí lắp đặt và công nghệ tối ưu các thiết bị FPI trên lưới điện phân phối để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm thời gian mất điện trung bình của lưới điện phân phối, trong đó có xem xét đánh giá yếu tố kinh tế - kỹ thuật để lựa chọn công nghệ thiết bị FPI phù hợp ở các vị trí thích hợp. Kết quả nghiên cứu của công trình đã được ứng dụng để triển khai tính toán cho lưới điện thực tế xuất tuyến 471/Ngũ Hành Sơn thuộc lưới điện phân phối thành phố Đà Nẵng và mang lại hiệu quả thực tiễn cao.
 
Đối với công trình “Nghiên cứu xây dựng hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối thông minh thành phố Đà Nẵng”, mục tiêu chính nhằm xây dựng giải pháp kỹ thuật công nghệ, giải pháp tổ chức để xây dựng hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối thông minh thành phố Đà Nẵng. Thông qua những giải pháp đó, nâng cao hiệu quả vận lưới điện phân phối theo lộ trình xây dựng lưới điện thông minh đã được phê duyệt, cụ thể là nghiên cứu về lưới điện thông minh và định hướng triển khai xây dựng lưới điện thông minh của Việt Nam. Công trình nghiên cứu giải pháp kỹ thuật công nghệ, giải pháp tổ chức để xây dựng hệ thống tự động hóa lưới điện, với chức năng chính là tự động xác định vùng sự cố hư hỏng trên lưới điện, tự động cô lập vùng lưới điện bị sự cố và tự động khôi phục cung cấp điện cho khách hàng, ứng dụng kết quả nghiên cứu để triển khai xây dựng hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối thông minh thành phố Đà Nẵng. Công trình được triển khai áp dụng thành công ở PC Đà Nẵng, đưa Công ty trở thành đơn vị đầu tiên cả nước trong việc đưa hệ thống này vào hoạt động ở chế độ hoàn toàn tự động. Khi có sự cố xảy ra trên lưới điện phân phối thành phố Đà Nẵng, hệ thống tự động hóa sẽ được kích hoạt và hoạt động một cách hoàn toàn tự động mà không cần phải có sự can thiệp của nhân viên vận hành lưới điện. Hệ thống tự động hóa sẽ tự động tính toán, phân tích và xác định vùng lưới điện bị sự cố, tự động gửi tín hiệu đi điều khiển các thiết bị đóng cắt trên lưới điện để cô lập vùng lưới điện này.Từ khi có hệ thống tự động hóa lưới điện phân phối, khi có sự cố trên lưới điện, các khách hàng chỉ bị mất điện trong thời gian hệ thống tự động hóa hoạt động (11 giây – 22 giây), giảm rất nhiều so với khi chưa triển khai hệ thống này (30 phút – 45 phút). 
 
Trước đó, PC Đà Nẵng đã có công trình “Nghiên cứu xây dựng trung tâm điều khiển hệ thống điện phân phối các trạm biến áp 110kV không người trực” do kỹ sư Hoàng Đăng Nam, Võ Văn Phương và Phạm Ngọc Quang thực hiện được công bố trong sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2018.
 
Thống kê của Ban chỉ đạo tuyển chọn, biên tập, công bố và phát hành sách vàng sáng tạo Việt Nam, trong 5 năm qua, Ban chỉ đạo đã tiếp nhận tổng số 772 công trình, giải pháp sáng tạo KH-CN do 21 bộ, ban, ngành, tổ chức thành viên mặt trận và 57 tỉnh, thành phố giới thiệu và đề nghị. Hội đồng tuyển chọn đã họp và tiến hành bỏ phiếu kín bình chọn được 365 công trình, giải pháp sáng tạo, KH-CN để công bố trong sách vàng sáng tạo Việt Nam. 
Dương Anh Minh