Trong 35 năm ấy, lớp lớp những người thợ điện miền Trung đã vượt qua rất nhiều khó khăn để làm thay đổi diện mạo một vùng đất chiếm 1/3 diện tích, 1/7 dân số của cả nước, gồm 9 tỉnh thành duyên hải từ Quảng Bình đến Khánh Hoà và 4 tỉnh Tây Nguyên Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông - cũng là một vùng đất địa hình trắc trở và luôn đối mặt với hạn hán, bão lũ...
Năm 1976, cả miền Trung, Tây Nguyên chưa đầy 100 triệu kWh điện thương phẩm, chủ yếu từ các cụm máy diesel nhỏ lẻ và một phần nhận từ thuỷ điện Đa Nhim. Lưới điện phần lớn cấp 15 kV trở xuống, loanh quanh nội thị. Như Đà Nẵng, một thành phố lớn của miền Trung, bấy giờ chỉ cách trung tâm non chục cây số, dân chỉ biết thắp đèn dầu.
Thế mà bây giờ, lên rừng, xuống biển đâu cũng thấy đường dây tải điện 110kV giăng giăng, lưới điện hạ thế khắp cùng ngõ hẻm để cung cấp 8,4 tỷ kWh điện thương phẩm (năm 2010 và đã có nhiều địa phương vượt con số 01 tỷ kWh vài năm nay) cho 2,5 triệu khách hàng, ứng với 100% số huyện, 99,4% số xã, 96,24% số hộ dân miền Trung, Tây Nguyên sử dụng điện. Đó là thành tích đáng nể nếu so sánh với các nước trong khu vực. Và đó cũng mới kể đến khối tài sản trên 10,5 ngàn tỷ đồng của Tổng công ty Điện lực miền Trung được EVN ủy quyền quản lý.
Còn hệ thống từ cấp 500kV, 220 kV hùng vĩ, hàng loạt nhà máy thuỷ điện như Ialy, Vĩnh Sơn, Sông Hinh với tổng công suất trên vài ngàn MW, cung cấp hàng năm trên chục tỷ kWh cho lưới quốc gia cùng nhiều cơ sở khác như Xây lắp, Điều độ, Trường, Cơ Điện, tuy không thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Trung nhưng cũng đều có gốc từ Công ty trước đây. Nhìn lại để thấy sự phát triển, lớn mạnh của ngành điện lực và công lao đóng góp của những người làm điện miền Trung là vô cùng to lớn. Đảng, Nhà nước đã ghi nhận, phong tặng nhiều phần thưởng cao quí cho cá nhân và đơn vị, đặc biệt là danh hiệu đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Qua 35 năm xây dựng và trưởng thành, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã có sự thay đổi căn bản theo chiều hướng tích cực về mô hình tổ chức, qui mô tài sản, nguồn nhân lực, cung cách quản lý. EVNCPC là Tổng công ty nhà nước TNHH một thành viên của EVN, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con với 18 Công ty trực thuộc, 3 Công ty con, 12 Công ty liên kết và 15 Ban chức năng với tổng số hơn 11.000 CBCNV. Lĩnh vực hoạt động không chỉ buôn bán điện với doanh thu hàng năm gần 6000 tỷ đồng (năm 2010) mà còn phát triển trên nhiều lĩnh vực khác, đã đưa vào vận hành 8 nhà máy thuỷ điện với tổng công suất 167,2 MW, tổng sản lượng điện phát ra hàng năm trên 600 triệu kWh, đang thi công một số thuỷ điện khác.
Các dịch vụ tư vấn khảo sát, thiết kế, thí nghiệm, sửa chữa, sản xuất, gia công cơ khí, cung cấp và vận chuyển vật tư chuyên ngành điện; thi công xây lắp các công trình điện; sản xuất phần mềm, thực hiện các dịch vụ tin học, bo mạch điện tử, công tơ điện tử phục vụ công nghệ đo đếm điện từ xa cũng đã được triển khai và bước đầu đã mang lại hiệu quả. Cạnh đó, EVNCPC còn quan tâm xây dựng ban hành gần 90 bộ qui chế quản lý nội bộ; quan tâm củng cố và nâng tầm văn hoá doanh nghiệp, giáo dục, tôn vinh các giá trị truyền thống, xây dựng, giữ gìn hình ảnh một doanh nghiệp có văn hoá, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Bên những thành tựu đã đạt được trong 35 năm qua, những người làm điện miền Trung không khỏi băn khoăn, trăn trở khi hệ thống điện hiện nay còn có những lúc thiếu nguồn, tình trạng gián đoạn trong cung cấp điện xảy ra làm ảnh hưởng đến khách hàng; khối lượng đồ sộ lưới điện nông thôn đã tiếp nhận nhưng thiếu vốn đầu tư sửa chữa nên điều kiện an toàn nhiều chỗ chưa đảm bảo; thêm vào đó biến đổi khí hậu gây thiên tai bão lũ ngày càng khốc liệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, những người làm điện miền Trung còn phải nỗ lực hơn nữa; sáng tạo, trách nhiệm hơn nữa, tận tâm, tận lực hơn nữa vì những mục tiêu chung của EVN, vì sự nghiệp CNH- HĐH đất nước, vì sự phát triển mọi mặt của các địa phương miền Trung - Tây Nguyên.