Sự kiện

Trường ca chinh phục sông Đà: Kỳ tích ba nốt nhạc

Thứ hai, 24/1/2011 | 09:08 GMT+7

Khởi nguồn từ độ cao 1.500m tại núi Nguỵ Sơn của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Sông Đà nhập “quốc tịch” Việt Nam tại xã Ka Lăng, huyện Mường Tè (Lai Châu), kết thúc tại ngã ba Hồng Đà (Phú Thọ) để nhập vào sông Hồng.

Do độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh, sức nước chảy xiết nên sông Đà được xếp vào loại "sông hung dữ bậc nhất ở Đông Dương". Đây cũng là nguồn trữ năng thủy điện dồi dào, là nguồn cảm hứng vô tận để những người thợ Việt Nam viết nên bản trường ca chinh phục sông Đà rất ấn tượng với 3 nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam là Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu.

Thuỷ điện Hoà Bình: Công trình huyền thoại

Thuỷ điện Hoà Bình là bậc thang cuối cùng nhưng được xây dựng đầu tiên trên lưu vực sông Đà. Công trình có 8 tổ máy, tổng công suất 1.920 MW, được hoàn thành ngày 20/12/1994 sau 10 năm thiét kế, 15 năm xây dựng.  Tham gia công trình có gần 40.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động, trong đó có gần 900 chuyên gia Liên Xô. Được xây dựng vào giai đoạn khó khăn nhất của thời kỳ chuyển đổi, những người thợ Sông Đà mất hơn 1.200 ngày đêm khoét núi đào 15km đường hầm để lắp đặt hàng chục vạn tấn thiết bị, máy móc. Đặc phái viên Chính phủ Thái Phụng Nê, người đã gắn cả cuộc đời cho sự nghiệp xây dựng thủy điện Việt Nam đã khẳng định: Thủy điện Hòa Bình được mệnh danh là "công trình thế kỷ" không chỉ bởi nó là công trình thủy điện lớn nhất thế kỷ XX, là biểu tượng cho tình hữu nghị (công trình được Liên Xô giúp đỡ toàn diện từ công đoạn thiết kế, cung cấp thiết bị, chỉ đạo, giám sát thi công xây lắp, thí nghiệm hiệu chỉnh và tham gia vận hành, sửa chữa) mà còn vì nó có vị trí đặc biệt trong điều tần hệ thống điện và chống lũ. Hàng năm hồ Hòa Bình đã cắt trung bình từ 4-6 trận lũ lớn, với lưu lượng cắt từ 10.000 - 22.650 m3/s. Điển hình là trận lũ ngày 18/8/1996 có lưu lượng đỉnh lũ 22.650 m3/s, tương ứng với tần suất 0,5% (50 năm mới có 1 lần) đã được hồ Hòa Bình cắt lũ cứu cả vùng hạ du thoát khỏi cơn giận dữ của Thủy thần.

Tuy nhiên, năm 2010 Thuỷ điện Hoà Bình lại phải đón 1 mùa lũ cạn với mức nước hồ thấp hơn 14 m so với trung bình hàng năm. Trong lần khảo sát lòng hồ Hoà Bình đầu tháng 10/2010, giám đốc công ty thủy điện Hòa Bình Nguyễn Văn Thành cứ đứng trên boong tàu lo lắng nhìn dòng nước: giữa mùa lũ mà hồ cứ xanh trong phẳng lặng thế này, lấy đâu ra nước để phát điện và chống hạn. Thì ra, trong muôn vàn “tội lỗi tày đình”, lũ lụt vẫn có sự hấp dẫn đầy ma lực với “dân thuỷ điện”. Theo giám đốc Thành, lũ là khắc tinh hay cứu tinh của thuỷ điện phần lớn phụ thuộc vào cách hành xử của con người. Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Đào Văn Hưng kéo cả đoàn lên Đền Chúa Thác Bờ nổi tiếng linh thiêng, không ai cầu xin tài lộc danh vọng mà chỉ xin Chúa Thác Bờ cho lũ về nhiều để có nước phát điện. Dù thiếu nước nhưng đầu mùa khô 2011, Thuỷ điện Hoà Bình lại phải xả nước trên 1,5 tỷ m3 để chống hạn. Tiếc từng giọt nước đứt ruột nhưng không thể không cứu lúa.

Đúng 22 năm sau khi tổ máy 1 hoà lưới quốc gia, ngày 17/12/2010 vừa qua, thuỷ điện Hoà Bình đã ghi mốc lịch sử, đóng góp 150 tỷ KWh cho đất nước. Hiện nay, ai về thăm Thủy điện Hòa Bình cũng đến thắp nén hương ở Đài tưởng niệm 168 người (trong đó có 11 chuyên gia Liên Xô) đã nằm lại nơi đây vì dòng điện của Tổ quốc, đến thăm nơi lưu giữ “Bức thư của những người xây dựng Thủy điện Hòa Bình gửi thế hệ mai sau” phải đến năm 2100 mới được công bố nội dung. Điều đó khiến cho Thủy điện Hòa Bình thêm phần hấp dẫn bởi những bí ẩn mang màu huyền thoại

Thủy điện Sơn La: Kỳ tích “made in Vietnam” lớn nhất Đông Nam Á

Thủy điện Sơn La là bậc thang thứ 2 trên dòng sông Đà, là công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á được xây dựng tại xã Ít Ong, huyện Mường La (Sơn La).

Theo ông Thái Phụng Nê, niềm tự hào lớn nhất của Thủy điện Sơn La không chỉ vì nó lớn nhất Đông Nam Á mà còn vì nó là kỳ tích “made in Việt Nam”, thể hiện sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ làm thủy điện Việt Nam. Toàn bộ công tác khảo sát, thiết kế và thi công đều được thực hiện bởi kỹ sư và công nhân của 13 nhà thầu thành viên do Tổng Công ty sông Đà làm tổng thầu, EVN làm chủ đầu tư. Điểm nổi bật nhất của Thủy điện Sơn La là rút ngắn thời gian thi công tới 2 năm nhờ việc áp dụng công nghệ thi công bê tông đầm lăn (RCC) và hàng loạt sáng kiến được áp dụng tại công trường, làm tiền đề đẩy nhanh tiến độ công trình khoảng 3 năm, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước trong thời điểm cả nước đang phải chắt chiu từng giọt điện.

Thủy điện Lai Châu: Viết tiếp bản trường ca

Thủy điện Lai Châu đặt tại xã Nậm Hàng (Mường Tè, Lai Châu), là bậc thang trên cùng và cũng là nốt nhạc cuối cùng của bản trường ca chinh phục sông Đà có 3 tổ máy với tổng công suất thiết kế 1.200 MW, điện lượng trung bình hàng năm là 4,67 tỷ kWh. Không chủ quan nhưng tôi dám khẳng định: ai chưa đi Mường Tè coi như chưa lên Tây Bắc và cũng chưa hiểu hết ý nghĩa của câu hát “đường lên Tây Bắc quanh co”.  Ngồi trên xe đi dự Lế khởi công, người cứ lắc như đưa võng “đảm bảo rang lạc không cháy hạt nào” như câu đùa của một nhà báo. Đến Lai Châu, mặt ai cũng bạc phếch. Một câu hỏi bâng quơ: đường xá quanh co thế này mai kia xe siêu trường siêu trọng chở vật tư thiết bị lên đây như thế nào? Không ai trả lời nhưng ai cũng hình dung ra những khó khăn của công việc sắp tới. Công trường đang giai đoạn khai phá nên rất ngổn ngang. Ông Đào Văn Hưng, chủ tịch Hội đồng thành viên EVN cho biết: Thi công ở Lai Châu khó khăn hơn thủy điện Sơn La vì đường xá xa xôi, địa hình hiểm trở, mặt bằng thi công rất hẹp nhưng ai cũng quyết tâm về đúng hẹn. Dự kiến tổ máy 1 phát điện năm 2016, hoàn thành công trình năm 2017. Những người thợ ở đây phải đào gần 14,9 triệu m3, đắp gần 2,6 triệu m3 đất đá; đổ trên 3,6 triệu m3 bê tông; 49.465,7 tấn cốt thép; khoan phụt xi măng 82.410 m; lắp đặt 31.833 tấn thiết bị công nghệ. Rất nhiều bà con các dân tộc ở Mường Tè đến tham dự Lễ khởi công ngày 5/1/2011.Chưa hết những nỗi lo buồn vì phải di chuyển nhà cửa nhưng trên gương mặt mọi người đều ánh lên niềm phấn khởi háo hức về tương lai phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở huyện đặc biệt khó khăn như Mường Tè.

Trong bữa ăn tối, chũng tôi ngồi cùng một chuyên gia người Nga gần  tuổi 60, khá gầy gò, đã nhiều năm gắn bó với dòng sông Đà. Ông rất thích các món ăn Việt Nam vì có nhiều rau, chế biến khéo; thích làm việc với người Việt Nam vì sự thông minh, nhanh nhẹn; thích những cái tết Việt Nam vì sự thân thiện và khí hậu dễ chịu ngày tết. Đặc biệt, ông nói rằng ông bị 3 công trình thủy điện trên dòng sông Đà “mê hoặc” vì nó như 3 nốt nhạc kỳ diệu đã và đang tiếp tục được viết lên bởi những người làm điện Việt Nam.

Những cái nhất của Thủy điện Sơn La:

Dự án thủy điện lớn nhất (6 tổ máy, tổng công suất 2.400 MW, điện lượng bình quân đạt 10,2 tỉ kWh/năm).

Đập thủy điện lớn nhất (chiều cao 138,1 m, dài 961,6m). Có khối lượng bê tông đầm lăn lớn nhất (gần 2,7 triệu m3 RCC).

Sử dụng thiết bị siêu trường siêu trọng lớn nhất với trên 72.000 tấn các loại. (trong đó, trục tua bin thủy lực nặng 110 tấn, máy biến áp nặng 280 tấn, bánh xe công tác nặng trên 200 tấn).

Có thời gian khảo sát thiết kế lâu nhất (25 năm, từ năm 1979 – 2005);
Thi công nhanh nhất (sau 5 năm khởi công, tổ máy 1 đã hòa lưới quốc gia, nhanh 2 năm so với tiến độ đề ra).

Kết cấu công trình hiện đại nhất (nếu động đất cấp 8 và lũ 48.000m3/giây đồng thời xảy ra cùng một lúc thì công trình vẫn bảo đảm an toàn).

Ngọc Loan