Tin trong nước

4 nhất trên công trường thủy điện Lai Châu

Thứ hai, 9/2/2015 | 16:19 GMT+7
Trên công trường xây dựng thủy điện Lai Châu, thanh niên là mũi nhọn trực tiếp thi công ở nơi nguy hiểm, gian khổ, cùng hướng về mục tiêu đưa tổ máy số 1 phát điện vào cuối năm nay.


Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn tặng quà tết cho công nhân thi công thủy điện Lai Châu
 
Tất cả đều quyết tâm thực hiện 4 nhất: chất lượng cao nhất, tiến độ nhanh nhất, an toàn nhất, tiết kiệm nhất.
 
Vượt nắng, thắng mưa
 
Không khí làm việc trên công trường thủy điện Lai Châu (H.Nậm Nhùn, Lai Châu) những ngày cuối năm tất bật, không kể đêm ngày, mọi người đều cố gắng hoàn thành các hạng mục còn dở dang. Khi đêm xuống, que hàn trong tay các công nhân liên tục cháy sáng, nổ lép bép như pháo bông khắp công trường.
 
Dẫn chúng tôi ra công trường, Lê Đình Thao, người có 4 năm làm việc ở đây và là nhân sự trẻ nhất giữ cương vị Trưởng phòng Kỹ thuật Ban điều hành dự án giám sát đại công trường, chia sẻ: Người làm thủy điện quen với địa bàn rừng núi heo hút, khó khăn. Đáng sợ nhất ở công trình này là thời tiết khắc nghiệt. Mùa hè, công nhân làm việc trong cái nắng nóng như thiêu đốt, nhiệt độ thường xuyên trên 40 độ C. Còn mùa đông, nhiệt độ ngày và đêm rất chênh lệch. Ban ngày trời nắng hanh nhưng đêm xuống sương rơi thành giọt như mưa phùn, nhiệt độ có lúc 7 - 8 độ C.
 
Nhưng thiên nhiên khắc nghiệt không thể làm nhụt ý chí những người thợ trẻ. Nhiều thành tích lao động sản xuất liên tục được xác lập. Điển hình nhất trong năm 2014 là công nhân ở Chi nhánh sông Đà 908 chặn dòng, hợp long thành công dòng chảy sông Đà, về đích trước 20 ngày so với tiến độ.
 
Bí thư Đoàn thanh niên Chi nhánh sông Đà 908 Vũ Văn Tú cho biết chiến dịch thi đua lấp sông giai đoạn 3 là nhiệm vụ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của nhiều hạng mục khác. Ban đầu, công việc này dự kiến  hoàn thành trong 2 tháng, nhưng đến ngày thứ 40 dòng chảy hung dữ của sông Đà bị chặn đứng.

Đây là công đoạn rất khó khăn và nguy hiểm, vì dòng chảy bị ép lại, nước càng chảy mạnh và xiết, chỉ cần một sơ sẩy là cả người và phương tiện bị cuốn trôi. “Anh em trong đơn vị thay phiên làm việc liên tục 3 ca mỗi ngày với tinh thần vượt nắng thắng mưa, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn và đảm bảo tuyệt đối về chất lượng”, anh Tú cho biết.
 
Trong số 10 gương mặt được T.Ư Đoàn tuyên dương trong phong trào thi đua “4 nhất” trên công trường xây dựng thủy điện Lai Châu, Đàm Văn Thái là kỹ sư giám sát kỹ thuật tại Chi nhánh sông Đà 705. Công nhân nể phục Thái ở tinh thần làm việc hăng say. Bất kể nắng mưa, sớm tối và quên luôn ngày nghỉ cuối tuần, Thái gần gũi anh em công nhân bám trụ trên từng hạng mục thi công. Nhờ sự gắn bó này, Thái và công nhân phối hợp ăn ý trong công việc khi nghiên cứu và áp dụng thành công các giải pháp thi công, sử dụng vật liệu tiết kiệm, hiệu quả và vượt các chỉ tiêu tiến độ.
 
Thợ trẻ sáng tạo
 
Nổ mìn phá đá, thi công đường hầm là công việc gian khổ và nguy hiểm nhất trong làm thủy điện. Nhưng tính từ ngày khởi công đến nay, những người thợ, công nhân tại Xí nghiệp sông Đà 10.4 (Công ty CP Sông Đà 10) có quyền tự hào khi chưa để xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Trong đó, Vũ Như Ý, cán bộ kỹ thuật, là nhân tố đóng góp tiêu biểu vào thành công chung. Ý là người trực tiếp tập huấn, phổ biến quy tắc đảm bảo an toàn cho công nhân trước khi vào lòng đất với những công việc đặc thù: đào, khoan, nổ, đổ bê tông.
 
Trong số hàng chục nhà thầu thi công thủy điện Lai Châu, tập thể công nhân, kỹ sư Chi nhánh sông Đà 5 nổi danh là đơn vị dẫn đầu về tiến độ nhờ các giải pháp sáng tạo. Điển hình nhất là giải pháp dùng hệ thống dây tời, bu lông ốc vít ứng dụng tháo dỡ, lắp ghép cốp pha được phổ biến, áp dụng trên toàn công trường. Công nhân Bùi Duy Trung (Chi nhánh sông Đà 5) cho biết công việc tháo dỡ, lắp ghép cốp pha trước đây phụ thuộc vào hệ thống cần cẩu nâng đỡ, hỗ trợ trực tiếp cho công nhân thao tác. Không làm theo cách truyền thống, đội ngũ công nhân, kỹ sư ở đơn vị này sáng tạo ra các mối hàn nối, liên kết giữa các mảng cốp pha bằng bu lông hoặc dây tời đơn giản, thao tác dễ dàng và tiết kiệm thời gian, nhân lực. “Không chỉ đảm bảo an toàn tuyệt đối, giải pháp này giúp công nhân không còn phụ thuộc vào máy móc thiết bị cần trục như trước đây mà điều chuyển đi làm công việc khác, góp phần đẩy nhanh tiến độ toàn công trường”, Trung nói.

Bản lĩnh kiên cường của thợ trẻ
 
Ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Ban Điều hành dự án xây dựng thủy điện Lai Châu (Tổng công ty Sông Đà), cho biết đóng góp trực tiếp của phong trào “4 nhất” năm 2014 là khích lệ tinh thần làm việc của kỹ sư, công nhân, góp phần đưa nhiều hạng mục thi công vượt định mức khối lượng, tiến độ. “Ở công trình này, thanh niên đang chứng minh bản lĩnh kiên cường, sức sáng tạo khi là đội ngũ nòng cốt trực tiếp thi công ở hầu hết các hạng mục nguy hiểm, gian khổ nhất”, ông Trường nói. Năm 2015, phong trào “4 nhất” hướng đến mục tiêu chặn dòng tích nước vào giữa tháng 6 và đưa tổ máy số 1 phát dòng điện đầu tiên trong tháng 12.
 
Theo: Thanh niên