Năng lượng mặt trời được đang được đẩy mạnh khai thác với những cánh đồng điện mặt trời bao la
Để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, sự nóng lên của trái đất và sự cạn kiệt của các nguồn hóa thạch như than đá, dầu mỏ… phát triển các nguồn năng lượng sạch trở thành xu thế chung của toàn cầu. Nhiều nước trên thế giới đang đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nghiên cứu – chế tạo các công nghệ, thiết bị hiện đại để khai thác tiềm năng vô tận của các nguồn năng lượng này.
Dưới đây là 5 nguồn năng lượng sạch đang được khai thác, phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu và được kỳ vọng sẽ là nguồn thay thế hoàn hảo trong tương lai:
Năng lượng mặt trời
Mặt trời là nguồn năng lượng sạch dồi dào mà con người có thể khai thác thoải mái trong tương lai rất xa – khoảng 5 tỷ năm tới. Theo tính toán của nhiều nhà khoa học, khi lắp kín những tấm pin năng lượng mặt trời vào một tòa nhà cao 1km thì sản lượng điện mà nó tạo ra sẽ lên tới 200 MWp, đủ cung cấp cho khoảng 200.000 hộ gia đình.
Từ những năm 50 của thế kỷ trước, nguồn năng lượng mặt trời đã bắt đầu được sử dụng rộng rãi. Hiện nay, các nước đang dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng mặt trời phải kể đến Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Ý, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha…
Tại Việt Nam, năng lượng mặt trời cũng đang được khai thác và phát triển, trong đó phổ biến nhất là nhiệt mặt trời (dùng để đun nước nóng, sưởi ấm/làm mát không gian…) và điện mặt trời.
Năng lượng gió
Những cối xay gió dùng để xay bột, bơm nước… đã là chuyện của quá khứ. Giờ đây, các nhà khoa học đã “nâng cấp” cối xay gió thành những nhà máy điện với độ cao hơn 5km, đón những cơn gió lộng trên không trung để tạo ra nguồn điện siêu lớn. So với năng lượng mặt trời, năng lượng gió được khai thác hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn, mới chỉ chiếm khoảng 1% nhu cầu điện khắp thế giới.
Tuy nhiên, đây là nguồn năng lượng sạch dồi dào và phong phú, lại có mặt ở khắp mọi nơi nên con số này được dự kiến sẽ tăng nhanh. Các “cường quốc” điện gió trên thế giới phải kể đến Trung Quốc, Mỹ, Đức.
Tại Việt Nam, với bờ biển dài, lượng gió nhiều và phân bổ đều quanh năm, đây đang là dạng năng lượng được khuyến khích phát triển bên cạnh điện mặt trời.
Những cối xay gió phiên bản hiện đại có thể tạo ra nguồn điện siêu lớn cung cấp cho con người (Ảnh internet)
Năng lượng địa nhiệt
Theo các nhà khoa học về trái đất, địa cầu của chúng ta là một cỗ máy sinh nhiệt; cứ xuống sâu 33m, nhiệt độ trong lòng đất sẽ tăng 1 độ C. Ở độ sâu 60km, nhiệt độ có thể đạt tới 1.800 độ C và ở độ sâu từ khoảng 30km trở xuống, bất kỳ chỗ nào cũng có đủ nhiệt để sản xuất điện phục vụ cho toàn thế giới.
Vì thế, đây chính là một năng lượng sạch vô cùng dồi dào mà con người có thể khai thác trong tương lai. Để khai thác địa nhiệt ở vùng 200 độ C, người ta sẽ khoan các giếng sâu 3-5km rồi đưa nước xuống; nhiệt độ trong lòng đất sẽ khiến nước sôi lên, hơi nước bốc lên theo ống dẫn làm quay tuabin máy phát điện. Năng lượng địa nhiệt đã được khai thác và sử dụng từ đầu thế kỷ 20 và các quốc gia hiện đang dẫn đầu về sản xuất điện địa nhiệt là Mỹ, Philippines, Indonesia.
Năng lượng sóng biển
Một nguồn năng lượng sạch khác cũng đầy hứa hẹn và đang được nhiều nước đầu tư nghiên cứu, khai thác đến từ sóng biển. Mỗi trạm điện sóng biển có các phao nổi, di chuyển theo tác động của sóng biển; Chuyển động lên xuống của chúng được sử dụng để chạy máy phát điện.
Đây là nguồn năng lượng cực lớn và trường tồn với thời gian. Theo ước tính, sản lượng điện được khai thác chỉ từ 0,1% năng lượng sóng biển trên toàn cầu cũng sẽ đủ cung cấp cho cả nhân loại. Tại Mỹ, nhiều nghiên cứu chỉ ra năng lượng sóng ở Mỹ có thể tạo ra sản lượng điện bằng 1/3 tổng điện năng sử dụng của nước này.
Vì thế, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) đang đầu tư rất lớn vào năng lượng sóng. Ngoài Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng đang tích cực nghiên cứu việc chuyển đổi năng lượng từ đại dương bao la thành điện năng.
Những chiếc phao nổi biến dao động sóng biển thành năng lượng điện (Ảnh internet)
Năng lượng sinh khối
Sinh khối bao gồm cây cối, tảo và các loài thực vật khác; bã nông nghiệp và lâm nghiệp, giấy vụn, mêtan từ các bãi chôn lấp, trạm xử lý nước thải, phân từ các trại chăn nuôi…
Năng lượng sinh khối có thể tạo nhiệt, sản xuất điện năng, làm nguyên liệt cho giao thông vận tải. Trên quy mô toàn cầu, năng lượng sinh khối đang chiếm khoảng 14-15% tổng năng lượng tiêu thụ, đứng thứ 4 trong các nguồn năng lượng được khai thác.
Ở các nước đang phát triển, nguồn năng lượng sạch này đóng góp khoảng 35% trong tổng cung cấp năng lượng. Riêng trong lĩnh vực điện kinh khối, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đang là những nước phát triển các nhà máy điện sinh học, thị trấn sinh khối cho công suất rất lớn.
Link gốc