Số lượng quốc gia có chính sách liên quan tới năng lượng tái tạo, giai đoạn 2004-2019. Trong đó 143 quốc gia đã có chính sách liên quan đến sản xuất năng lượng tái tạo, 70 quốc gia có những quy định về phương tiên sử dụng năng lượng tái tạo, và 23 quốc gia có những quy định về năng lượng tái tạo liên quan đến việc sưởi ấm và làm mát.
Bên cạnh các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống (than, khí, dầu) và năng lượng hạt nhân, năng lượng tái tạo (gồm thủy điện, địa nhiệt, điện mặt trời, điện gió, năng lượng sóng, năng lượng sinh khối …) đang dần trở thành lựa chọn hứa hẹn trên quy mô toàn cầu.
Dưới đây là 5 xu hướng năng lượng tái tạo, dựa trên Báo cáo Tình trạng Năng lượng tái tạo Toàn cầu 2020 (Renewables 2020 Global Status Report) do tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách về năng lượng tái tạo REN21 thực hiện.
Năng lượng tái tạo đang là chủ đạo trong ngành điện
Năm 2019, năng lượng tái tạo lại phá vỡ kỷ lục khi công suất điện lắp đặt toàn cầu tăng hơn 200 GW, mức tăng lớn nhất từ trước đến nay. Công suất lắp đặt và đầu tư cho năng lượng tái tạo tiếp tục lan rộng đến mọi khu vực trên thế giới. Những hệ thống điện tái tạo phân tán (ví dụ, điện mặt trời áp mái…) đã đưa điện đến nhiều hộ gia đình ở những nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.
Công suất lắp đặt tăng thêm của điện tái tạo đã vượt xa khả năng tăng thêm của nhiên liệu hóa thạch và năng lượng hạt nhân cộng lại. Trên toàn cầu trong năm 2019, đã có 32 quốc gia có cộng suất điện tái tạo tối thiểu 10GW, tăng hơn gấp rưỡi so với con số 19 quốc gia thời điểm 1 thập kỉ trước. Ở hầu hết các quốc gia, sản xuất điện gió và điện mặt trời đã đạt chi phí thấp hơn so với sản xuất điện của nhà máy nhiệt điện than mới.
Sụt giảm chi phí sản xuất đã dẫn đến giá đấu thầu thấp kỷ lục và ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, việc đấu giá cạnh tranh cũng đã dẫn đến hợp nhất doanh nghiệp trong một số ngành công nghiệp và tạo ra thuận lợi cho các công ty năng lượng đa quốc gia lớn thay vì các công ty nhỏ, trong đó có những nhóm coi trọng lợi ích và tầm nhìn của cộng đồng địa phương.
Vẫn tồn tại các rào cản quy định trong lĩnh vực sưởi ấm, làm mát và giao thông vận tải
Tuy nhiên, tiến bộ về công suất trong ngành điện chỉ là một phần nhỏ của bức tranh. Ở lĩnh vực sưởi ấm, làm mát và giao thông vận tải, các rào cản năng lượng vẫn gần như tương tự 10 năm trước. Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong 2 lĩnh vực này trên toàn cầu lần lượt là 10% và 3%. Do hai lĩnh vực này chiếm hơn 80% nhu cầu năng lượng toàn cầu, nên tỷ lệ tăng năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng trở nên chậm chạp.
Trợ cấp nhiên liệu hóa thạch đang kìm chân năng lượng tái tạo
Năng lượng tái tạo không cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng với các loại hình năng lượng khác. Mặc dù đã có nhiều báo cáo về phong trào thoái vốn khỏi các dự án năng lượng truyền thống, nhiên liệu hóa thạch vẫn được các chính phủ trợ cấp và tài trợ vốn. Trong năm 2017-2018, trợ cấp toàn cầu cho tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch đã tăng 30% lên mức 400 tỷ USD, gấp đôi so với những hỗ trợ phát triển nguồn điện tái tạo.
Ở nhiều nước, việc đầu tư vào khai thác, sản xuất nhiên liệu hóa thạch và cơ sở hạ tầng liên quan vẫn tiếp tục diễn ra. Các chính phủ vẫn giữ những khung pháp lý hỗ trợ cho những ngành sản xuất và tiêu thụ năng lượng carbon cao. Trong khi một số quốc gia đang dần loại bỏ điện than, một số nước khác đã đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than mới cả trong và ngoài nước. Châu Âu và Hoa Kỳ đã tuyên bố đóng cửa không ít nhà máy điện than, nhưng ở Châu Á các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi vẫn còn phần lớn nhà máy đang hoạt động và xây mới.
Mặc dù Trung Quốc đang dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo nhưng quốc gia này cũng dùng ngân sách công để tài trợ cho các nhà máy điện than lớn nhất ở những quốc gia khác. Theo sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức và Ấn Độ lần lượt là những quốc gia có mức tài trợ điện than ra nước ngoài lớn nhất. Vốn từ các ngân hàng tư nhân cho những dự án nhiên liệu hóa thạch tiếp tục tăng hằng năm, trong đó giai đoạn 2016-2019 đã tăng thêm 2,7 nghìn tỷ USD.
100% năng lượng tái tạo là điều khả thi
Trong những năm gần đây, chi phí cho công nghệ tái tạo, lưu trữ năng lượng và số hóa giảm mạnh mạnh đã giúp cho việc tích hợp các lĩnh vực năng lượng, sưởi ấm, làm mát và vận tải tốt hơn. Sự tích hợp này cho phép chúng ta có khả năng chuyển đổi sang một thế giới hoàn toàn dựa trên năng lượng tái tạo.
Ở nhiều khu vực trên thế giới, năng lượng tái tạo gần như đã chiếm toàn bộ tỷ trọng năng lượng. Trên quy mô quốc gia, nhiều nước như Iceland, Paraguay, Costa Rica, Na Uy, Đan Mạch … đã và đang tiến gần tới mục tiêu 100% năng lượng tái tạo.
Thành phố trở thành những người chơi chính
Trong những năm gần đây, phong trào các thành phố cam kết sử dụng 100% điện từ năng lượng tái tạo ngày càng tăng. Vào cuối năm 2018, trên toàn thế giới đã có ít nhất 100 thành phố báo cáo sử dụng tối thiểu 70% điện năng từ năng lượng tái tạo, trong đó điển hình là Auckland (New Zealand), Dar es Salaam (Tanzania), Nairobi (Kenya) và Seattle (Hoa Kỳ).
Hơn 40 thành phố đã được cung cấp hoàn toàn năng lượng tái tạo, phần lớn ở Mỹ Latinh và một vài nơi khác. Ở Mỹ đã có các thành phố điển hình như Burlington (Vermont), Georgetown (Texas) và Rock Port (Missouri). Tại Trung Quốc, thành phố Thâm Quyến cũng là một trong những cái tên tiên phong về chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Link gốc