50 học viên thuộc EVN được trao chứng chỉ “Tối ưu hóa nhà máy thủy điện”

Thứ năm, 10/10/2019 | 09:32 GMT+7
Kết thúc 3 ngày hội thảo (7-9/10) với chủ đề “Tối ưu hóa nhà máy thủy điện” do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Trung tâm Điện lực hải ngoại Nhật Bản (JEPIC) tổ chức, 50 học viên thuộc các đơn vị của EVN được nhận chứng chỉ về chủ đề trên do JEPIC cung cấp.

 
Trong chương trình, ông Ken Goto - Giám đốc điều hành JEPIC, Trưởng đoàn chuyên gia và các chuyên gia đến từ Công ty Điện lực TEPCO, Tohoku của Nhật Bản truyền đạt các nội dung về: Bảo dưỡng thiết bị trong nhà máy thủy điện, quản lý tài sản nhà máy thủy điện, tối ưu hóa vận hành thủy điện bậc thang, công tác bảo dưỡng các công trình, kết cấu xây dựng của nhà máy thủy điện...
 
Cũng trong chương trình, các học viên đến từ các nhà máy thủy điện của EVN đã trực tiếp trao đổi với các chuyên gia Nhật Bản về những vấn đề còn tồn tại trong quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng các nhà máy thủy điện để chuyên gia Nhật Bản góp ý và có phương án hỗ trợ có thể.
 
Phát biểu kế mạc lớp học, ông Ken Goto - Giám đốc điều hành JEPIC, Trưởng đoàn chuyên gia cho biết: Việt Nam là đất nước trải dài theo chiều Bắc- Nam với tài nguyên nước phong phú, hệ thống sông ngòi dày đặc nên Việt Nam phát triển rất nhiều nhà máy thủy điện trên bậc thang sông. Các nhà máy thủy điện đóng góp công suất và sản lượng điện tương đối lớn cho hệ thống điện quốc gia. 
 

 
“Chính vì vậy đứng trước nhiệm vụ tối ưu hóa thủy điện để đảm bảo hài hòa lợi ích phát điện và cộng đồng dân cư, môi trường tự nhiên… tôi tin rằng những kiến thức JEPIC trao đổi tại hội thảo sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam. Khi trở về công tác, các học viên có thể vận dụng thông tin đã được chia sẻ trong trong hội thảo để đóng góp cho những vấn đề, nhu cầu đặt ra tại nơi làm việc của các bạn”, ông Ken Goto cho biết.
 
Trước đó, phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết trong những năm qua tốc độ tăng trưởng phụ tải điện của EVN tăng 11-12% và trong 5 năm tới vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 10%, đây là tốc độ tăng trưởng cao so với các nước trên thế giới và khu vực. Với tốc độ tăng trưởng cao như vậy, mỗi năm Việt Nam cần 4.000-5.000 MW nguồn điện mới đưa vào vận hành.
 
Tiềm năng thủy điện ở Việt Nam đã cơ bản khai thác hết, tuy nhiên tỷ lệ thủy điện hiện chiếm 40% công suất đặt với xấp xỉ 20.000 MW. Do vậy việc quản lý vận hành, bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy thủy điện hiện hữu rất quan trọng, EVN đang chú trọng vấn đề này.
 
Hội thảo lần này là cơ hội trao đổi thông tin 2 chiều bổ ích, đặc biệt giúp các cán bộ đang công tác trong lĩnh vực thủy điện thu nhận và những kinh nghiệm quý báu từ các đồng nghiệp Nhật Bản để áp dụng vào công tác lập kế hoạch, xây dựng quản lý, vận hành và bảo dưỡng các nhà máy thủy điện của EVN.
Kim Thái/Icon.com.vn