Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Với việc áp dụng mức giá điện bán lẻ mới, hóa đơn tiền điện tháng 4-2019 của nhiều hộ khách hàng tăng cao đột biến, đã gây ra những thắc mắc về cách tính giá điện mới. Để dư luận hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin liên quan đến hoá đơn tiền điện tăng cao.
Sản lượng điện tiêu thụ tăng đột biến
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, theo quy luật thời tiết, hằng năm, tại khu vực miền Nam, Tây Nguyên bắt đầu bước vào giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37 độ C; khu vực miền Bắc đặc biệt là thủ đô Hà Nội bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết nồm với độ ẩm cao và có ngày nắng nóng trên 30 độ C, do vậy nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cho cho các thiết bị giải nhiệt, hút ẩm, đặc biệt là nhu cầu sử dụng máy lạnh tăng cao. Năm nay, từ tháng 3, thời tiết đã có những diễn biến bất thường, nắng nóng diễn ra trên cả nước với nhiệt độ trung bình lên tới 37-38 độ C, độ ẩm ở các tỉnh phía Bắc lên tới 95%. Thời tiết này đã khiến cho sản lượng điện tiêu thụ tăng đột biến. Qua theo dõi số liệu sản lượng điện tiêu thụ tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, vào thời điểm cuối tháng 3-2019 và đầu tháng 4-2019, tiêu thụ điện ở Hà Nội tăng tương ứng từ 47 triệu kWh/ngày lên đến gần 58 triệu kWh/ngày, đạt mức cao nhất đến thời điểm này là 63,4 triệu kWh (ngày 20-4-2019). Tại TP Hồ Chí Minh, tăng tương ứng từ 71 triệu kWh/ngày đến trên 83 triệu kWh/ngày với sản lượng ngày cao nhất là 90,04 triệu kWh (ngày 24-4-2019); tăng 10% so với sản lượng tiêu thụ cao nhất của năm 2018 và đây cũng là mức tiêu thụ đạt kỷ lục từ trước đến nay; cao gấp 2,5 lần so với ngày thấp nhất tính từ đầu năm 2019 (35,5 triệu kWh ngày 6-2-2019).
Với việc áp dụng giá điện bán lẻ mới từ ngày 20-3-2019, thì mức độ tăng khi khách hàng sử dụng từ 50 kWh – 400 kWh như sau: Cho kWh từ 0-50 tăng thêm 129 đồng (từ 6.450 đồng lên 7.095 đồng); cho kWh từ 51 -100 tăng thêm 134 đồng (từ 6.700 đồng thêm 14.465 đồng); cho kWh từ 101-200 tăng 31.625 đồng; cho kWh từ 201-300 tăng thêm 53.185 đồng; cho kWh từ 301-400 tăng thêm 77.275 đồng so trước thời điểm chưa tăng giá. Mức giá này sẽ còn tăng 22.600 đồng cho mỗi 100 kWh nếu khách hàng sử dụng nhiều hơn.
Một lý do khác là số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (chỉ có 28 ngày). Như vậy số ngày sử dụng điện nhiều hơn nên lượng điện năng tiêu thụ sẽ nhiều hơn kết hợp các yếu tố điện sử dụng tăng theo quy luật hàng năm vào những tháng hè cộng với việc giá bán điện điều chỉnh làm tổng số tiền điện của kỳ hóa đơn tháng 4-2019 của các hộ dân phải trả tăng cao hơn so với tháng trước.
9,55% số hộ phải trả tăng thêm tiền điện ở mức cao
Công nhân EVNHANOI tuyên truyền sử dụng điện an toàn cho người dân. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
EVN cho biết, sản lượng tiêu thụ điện trên toàn hệ thống trong tháng 4 tăng cao đột biến nhưng chỉ tập trung ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Số lượng hộ sử dụng điện sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội là 2.275.596, trong đó có 196.368 hộ sử dụng điện sinh hoạt có sản lượng điện tiêu thụ tăng gấp 2 lần trở lên so với tháng 3-2019, tương ứng tỷ lệ 8,63%; 538.481 hộ có sản lượng điện tiêu thụ tăng từ 1,5-2 lần so với tháng 3-2019, tương ứng tỷ lệ 23,66%.
Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 2.265.310 hộ sử dụng điện sinh hoạt, thì có 176.991 hộ có sản lượng điện tiêu thụ tăng gấp 2 lần trở lên, tương ứng tỷ lệ 7,84%; 323.822 hộ có sản lượng điện tiêu thụ tăng từ 1,5-2 lần, tương ứng tỷ lệ 14,36%.
Theo số liệu của EVN, hiện nay trên cả nước có hơn 26,8 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, theo hóa đơn tiền điện tháng 4-2019, có 90,45% hộ sử dụng điện sinh hoạt với sản lượng tiêu thụ điện từ 1kWh đến 400kWh, trong đó, có 36,47% hộ có sản lượng điện tiêu thụ từ 100-200kWh. Các hộ sử dụng điện sinh hoạt này thanh toán tiền điện tương đương với 6 bậc thang sử dụng cho khách hàng sinh hoạt: Người tiêu dùng sử dụng đến 50kWh phải trả thêm khoảng 7.000 đồng; sử dụng đến 100kWh phải trả thêm khoảng 14.000 đồng; sử dụng đến 200kWh phải trả thêm 31.600 đồng; sử dụng đến 300 kWh phải trả thêm khoảng 53.100 đồng; với mức trên 400kWh thì khách hàng trả thêm khoảng 77.200 đồng; 9,55% hộ sử dụng điện sinh hoạt có sản lượng điện tiêu thụ trên 400kWh, số hộ này phải trả tăng thêm 22.600 đồng cho mỗi 100 kWh, tính từ kWh thứ 401.
Căn cứ vào hóa đơn tiền điện tháng 4-2019 cho thấy, số hộ có sản lượng điện tiêu thụ tăng cao chỉ chiếm 9,55% và tập trung chủ yếu ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, không ảnh hưởng nhiều tới đa số khách hàng sử dụng điện.
Thống kê giá điện 25 nước năm bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển, thì giá điện của Việt Nam năm 2018 đang ở mức 0.074 USD/kWh, thấp nhất trong số các nước được thống kê, đạt 91,9% so với giá điện của Trung Quốc, Ấn Độ; 81,7% so với giá điện của Lào; 73,5% so với giá điện của Indonesia; 50,4% so với giá điện của Philippine và 38,7% so với giá điện của Campuchia…
Với giá điện được điều chỉnh tăng ở mức 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành thì giá điện của Việt Nam sẽ ở mức 0.080 USD/kWh (tỷ giá tại ngày 05-3-2019), mức giá này tương đương so với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ.
Công khai, minh bạch đối với hoá đơn tiền điện
Thực hiện giá điện mới, EVN đã chỉ đạo các Tổng Công ty Điện lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tăng cường công tác công khai minh bạch trong hoạt động ghi chỉ số và phát hành hóa đơn tiền điện, kiểm tra, theo dõi và trả lời tất cả thắc mắc của khách hàng về hóa đơn tiền điện. Theo đó, tăng cường lực lượng các điện thoại viên để tiếp nhận, giải quyết kiến nghị khách hàng qua Trung tâm chăm sóc khách hàng, qua điện thoại hotline trong thời gian cao điểm nắng nóng. Tất cả các kiến nghị của khách hàng liên quan đến tiền điện được thực hiện trong vòng 24 giờ. Trường hợp khách hàng có thắc mắc về chỉ số công tơ, tiền điện lãnh đạo đơn vị khẩn trương tổ chức kiểm tra, xác minh, xử lý kịp thời khi phát hiện có sai sót; cung cấp cho báo chí thông tin dự báo về tình hình tiêu thụ điện tăng cao, khuyến khích tiết kiệm điện và an toàn điện, thông tin về chính sách mới đối với điện mặt trời trên mái nhà và đảm bảo điện mùa nắng nóng. Tổ chức giải quyết nhanh các trường hợp báo chí nêu đồng thời có bài phản hồi kịp thời để các báo cập nhật thông tin trả lời của Điện lực. Đồng thời, phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,5 lần so với tháng trước liền kề. Tất cả các sai sót (nếu có) liên quan đến công tơ và ghi chỉ số công tơ đều được tiếp nhận, giải quyết và tiến hành các thủ tục truy thu/thoái hoàn tiền điện cho khách hàng theo đúng quy định; khi có ý kiến của khách hàng về việc hóa đơn tiền điện tăng cao, Giám đốc Công ty Điện lực trực tiếp chỉ đạo để giải quyết dứt điểm các kiến nghị của khách hàng trong thời gian sớm nhất và không quá 24h.
Cùng với việc triển khai giá điện mới, EVN yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong thời kỳ cao điểm nắng nóng bằng các loa di động, trên các đài truyền thanh phường xã các tổ dân phố và các cơ quan thông tấn báo đài; xây dựng công cụ tính tiền điện trên website của EVN tại đường link
https://www.evn.com.vn/c3/calc/Cong-cu-tinh-hoa-don-tien-dien-9-172.aspx để khách hàng chủ động tính toán, kiểm tra và so sánh với hoá đơn của khách hàng.