Tin thế giới

ADB và EMA thúc đẩy năng lượng sạch trong khu vực ASEAN

Thứ ba, 11/7/2023 | 16:22 GMT+7
Singapore đã tham gia nhiều thỏa thuận hợp tác năng lượng với các quốc gia có nguồn cung, bao gồm Australia, Campuchia, Indonesia, Lào và Việt Nam để khám phá tiềm năng xuất khẩu điện sang Singapore.

Việt Nam trở thành nhà sản xuất điện Mặt Trời lớn thứ 10 trên thế giới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Cơ quan Thị trường Năng lượng (EMA) của Singapore đã ký biên bản ghi nhớ mở đường cho việc phát triển sản xuất và truyền tải năng lượng tái tạo trong khu vực Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời hỗ trợ thành lập Lưới điện ASEAN. Quan hệ đối tác cũng sẽ thúc đẩy nỗ lực của Singapore trong việc khử cácbon trong ngành điện và nhập khẩu điện sạch từ khu vực.

Sự hợp tác sẽ liên quan đến việc chia sẻ chuyên môn và thực tiễn tốt nhất trong các lĩnh vực như hợp tác khu vực, quan hệ đối tác công tư, cấu trúc và tài trợ dự án. Biên bản ghi nhớ cũng trao quyền cho ADB sử dụng toàn bộ các sản phẩm và dịch vụ của mình để hỗ trợ các quốc gia ASEAN và các nhà tài trợ dự án trong việc thực hiện và quản lý rủi ro của các dự án năng lượng sạch trong khu vực.

Ông Ahmed M. Saeed, Phó Chủ tịch ADB phụ trách Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương cho biết: “Quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đòi hỏi sự hợp tác có tác động mạnh mẽ trong ASEAN và nhiều nguồn tài chính khác nhau. ADB vinh dự được hợp tác với EMA trong nỗ lực chuyển đổi năng lượng của ASEAN. Đầu tư vào năng lượng sạch không chỉ đưa chúng ta đến con đường hướng tới mục tiêu Net Zero, mà còn gia tăng triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững”.

Ông Ngiam Shih Chun - Giám đốc điều hành EMA bổ sung: “Sự hợp tác này sẽ kết hợp chuyên môn và nguồn lực của EMA và ADB để mở rộng hơn nữa tiềm năng điện cácbon thấp để cung cấp năng lượng cho khu vực đồng thời thúc đẩy nỗ lực khử cacbon trong ngành điện của chúng ta thông qua nhập khẩu điện cácbon thấp.”

Vào tháng 10 năm 2021, EMA đã công bố kế hoạch nhập khẩu tới 4 gigawatt (GW) điện cácbon thấp vào năm 2035, tương đương 30% tổng nguồn cung của Singapore, như một phần trong kế hoạch khử cácbon trong ngành năng lượng.

Kế hoạch này đã thu hút được hơn 20 đề xuất từ 6 quốc gia, đề xuất cung cấp công suất nhập khẩu kết hợp hơn 10 GW. Singapore cũng đã tham gia nhiều thỏa thuận hợp tác năng lượng với các quốc gia có nguồn cung, bao gồm Australia, Campuchia, Indonesia, Lào và Việt Nam để khám phá tiềm năng xuất khẩu điện sang Singapore.

Là ngân hàng khí hậu của châu Á và Thái Bình Dương, ADB đã nâng tham vọng cung cấp 100 tỷ USD tài trợ khí hậu trên toàn khu vực từ năm 2019 đến năm 2030 đồng thời hỗ trợ một loạt sáng kiến giúp các quốc gia chuyển đổi sang nền kinh tế cácbon thấp và xây dựng khả năng phục hồi trước các tác động của biến đổi khí hậu.

EMA là một hội đồng theo luật định trực thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore. Thông qua công việc của mình, EMA tìm cách xây dựng một tương lai năng lượng sạch có khả năng phục hồi, bền vững và cạnh tranh. Nó nhằm mục đích đảm bảo cung cấp năng lượng an toàn và đáng tin cậy, thúc đẩy cạnh tranh hiệu quả trên thị trường năng lượng và phát triển ngành năng lượng năng động ở Singapore.

Trong một nhận định của nghiên cứu viên Shubham Rai tại bài viết “Chuyển đổi năng lượng sạch tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức” được đăng trên trang mạng Viện nghiên cứu hòa bình và xung đột (IDSA) của Ấn Độ nhận định Việt Nam có công suất điện Mặt trời và điện gió được lắp đặt lớn nhất Đông Nam Á, vượt qua Thái Lan vào năm 2019. Trong 4 năm qua, Việt Nam tăng công suất năng lượng Mặt trời và gió, với tỷ lệ điện Mặt trời trong sản xuất điện tăng từ mức gần như không có gì 4 năm trước lên 11% năm 2021.

Tổng công suất điện Mặt trời đạt 16.500 MW vào năm 2020, cao hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là 850MW. Việt Nam chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh hơn nhiều về tỷ trọng năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió trong cơ cấu nguồn điện so với các nước khác trên thế giới.

Việt Nam trở thành nhà sản xuất điện Mặt Trời lớn thứ 10 trên thế giới. Trong khi điện Mặt trời có mức tăng trưởng đáng kể nhất, công suất điện gió lắp đặt cũng tăng nhanh, đạt 600 MW vào cuối năm 2020, đứng thứ 2 sau Thái Lan trong số các nước Đông Nam Á. Việt Nam có tiềm năng lớn về thủy điện và hiện chiếm 33% tổng sản lượng điện.

Theo tác giả, Chính phủ Việt Nam thực hiện nhiều kế hoạch và chính sách khác nhau để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Trong số các ưu đãi chính sách, đáng chú ý nhất là Chiến lược phát triển quốc gia, chương trình Biểu giá điện hỗ trợ (FiT) và Quy hoạch phát triển điện quốc gia.

Link gốc

 

Theo: VietNam+