Tin thế giới

Trung Quốc: Cơ chế mới cho giá điện năng lượng tái tạo

Thứ hai, 24/2/2025 | 10:50 GMT+7
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã ban hành thông báo mới về cải cách thị trường hóa giá điện năng lượng tái tạo.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã ban hành thông báo mới về cải cách thị trường hóa giá điện năng lượng tái tạo. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện các cam kết về phát triển xanh và giảm phát thải carbon, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã ban hành thông báo mới về cải cách thị trường hóa giá điện năng lượng tái tạo. Đây được xem là bước đi quan trọng nhằm xây dựng một hệ thống điện linh hoạt, đảm bảo tính bền vững của ngành năng lượng tái tạo và thúc đẩy sự tham gia bình đẳng vào thị trường điện.

Định hướng cải cách giá điện năng lượng tái tạo

Theo thông báo số 136 ngày 9/2/2025 của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc về việc “Tăng cường cải cách theo định hướng thị trường về giá điện năng lượng mới (điện gió, điện mặt trời) nối lưới và thúc đẩy phát triển năng lượng mới chất lượng cao”, mục tiêu trọng tâm của cải cách lần này là hình thành giá điện năng lượng tái tạo theo cơ chế thị trường, thay vì dựa vào trợ giá như trước đây. Các nguyên tắc chính bao gồm phân bổ trách nhiệm công bằng giữa các bên liên quan, tách biệt giữa công suất hiện hữu và công suất mới, đồng thời triển khai các chính sách đồng bộ để thúc đẩy năng lượng tái tạo chất lượng cao.

Cụ thể, toàn bộ sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời sẽ được đưa vào giao dịch trên thị trường điện. Giá điện sẽ được hình thành thông qua cơ chế đấu giá, đảm bảo sự minh bạch và phản ánh đúng cung - cầu. Các biện pháp khác bao gồm cải thiện cơ chế thanh toán, duy trì chính sách ổn định cho các dự án hiện hữu và điều chỉnh kỳ vọng lợi nhuận hợp lý cho các dự án mới.

Việc kết hợp đồng bộ giữa cơ chế giá điện, quản lý ngành và chính sách tiêu thụ năng lượng xanh cũng sẽ được triển khai nhằm tối ưu hóa hệ thống điện và hỗ trợ quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo trong dài hạn.

Đẩy mạnh giao dịch điện năng lượng tái tạo trên thị trường

Một trong những nội dung quan trọng của cải cách lần này là việc thúc đẩy thị trường hóa giá điện thông qua giao dịch điện năng lượng tái tạo. Theo đó, các nhà máy điện gió, điện mặt trời sẽ phải tham gia vào thị trường giao dịch điện năng, thay vì hưởng giá cố định như trước đây.

Đối với giao dịch điện liên tỉnh, liên vùng, các nguyên tắc hiện hành vẫn được duy trì để đảm bảo sự ổn định của hệ thống điện quốc gia. Giá điện sẽ do thị trường quyết định, nhưng có sự điều tiết của các cơ quan quản lý để tránh biến động lớn, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, thị trường điện giao ngay cũng sẽ được hoàn thiện với những điều chỉnh về biên độ giá, giúp phản ánh đúng giá trị của điện năng lượng tái tạo. Giá trần sẽ được xác định theo mức giá điện công nghiệp và thương mại trong giờ cao điểm của từng khu vực, trong khi giá sàn sẽ dựa trên các khoản hỗ trợ ngoài thị trường điện mà năng lượng tái tạo có thể nhận được.

Về thị trường trung - dài hạn, các quy tắc giao dịch cũng sẽ được cải tiến nhằm tăng tính linh hoạt trong điều chỉnh khối lượng và mức giá hợp đồng. Giao dịch điện xanh sẽ được đẩy mạnh, trong đó giá điện và giá chứng chỉ xanh (green certificate) sẽ được tách biệt để phản ánh rõ giá trị thực của năng lượng sạch.

Cơ chế hỗ trợ phát triển bền vững

Để đảm bảo tính bền vững của năng lượng tái tạo trong điều kiện thị trường hóa, một cơ chế thanh toán giá điện mới sẽ được áp dụng. Theo đó, cải tiến quy tắc giao dịch trên thị trường trung - dài hạn, rút ngắn chu kỳ giao dịch, tăng tần suất giao dịch, áp dụng giao dịch theo tuần, nhiều ngày hoặc từng ngày. Cho phép các bên mua bán điện điều chỉnh linh hoạt khối lượng và mức giá hợp đồng trung - dài hạn dựa trên đặc điểm phát điện của năng lượng tái tạo.

Nâng cao chính sách giao dịch điện xanh, yêu cầu giá đăng ký và giá giao dịch phải tách biệt giữa giá điện năng và giá chứng chỉ điện xanh (gọi tắt là chứng chỉ xanh - green certificate).


Để đảm bảo tính bền vững của năng lượng tái tạo trong điều kiện thị trường hóa, một cơ chế thanh toán giá điện mới sẽ được áp dụng. Ảnh minh hoạ

Với các dự án vận hành trước ngày 1/6/2025, mức giá điện sẽ được điều chỉnh dựa trên chính sách hiện hành, trong khi các dự án sau thời điểm này sẽ áp dụng quy định mới phù hợp với chỉ tiêu tiêu thụ năng lượng tái tạo phi thủy điện của từng khu vực.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phát điện từ năng lượng tái tạo cũng được khuyến khích ký hợp đồng mua bán điện dài hạn với người tiêu dùng để ổn định nguồn thu và giảm thiểu rủi ro thị trường.

Việc triển khai cải cách thị trường hóa giá điện năng lượng tái tạo không chỉ dừng lại ở quy định mà còn đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý. Các địa phương sẽ phải xây dựng kế hoạch cụ thể, đánh giá tác động và lấy ý kiến các bên liên quan trước khi áp dụng chính sách.

Cục Năng lượng Quốc gia và các đơn vị liên quan sẽ tăng cường kiểm tra, đảm bảo sự tham gia bình đẳng của năng lượng tái tạo vào thị trường điện. Đồng thời, các doanh nghiệp lưới điện cũng được yêu cầu thực hiện nghiêm túc các hợp đồng mua bán điện, đảm bảo thanh toán đúng hạn nhằm tạo môi trường kinh doanh ổn định cho các nhà đầu tư.

Hướng đi mới cho ngành năng lượng tái tạo

Cải cách thị trường hóa giá điện năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng sạch tại Trung Quốc theo hướng bền vững và minh bạch hơn. Với những chính sách đồng bộ từ giao dịch điện, cơ chế giá, thanh toán và giám sát thị trường, hệ thống điện quốc gia sẽ vận hành hiệu quả hơn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển xanh và giảm phát thải carbon.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang cơ chế thị trường cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là trong giai đoạn đầu khi các doanh nghiệp phát điện tái tạo cần thích nghi với sự biến động của giá cả. Do đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các bên liên quan là yếu tố quan trọng để đảm bảo quá trình cải cách diễn ra suôn sẻ và mang lại hiệu quả thực tế.

Với các chính sách mới của Trung Quốc, Việt Nam có thể tham khảo thông báo của Ủy ban Cải cách và Phát triển nước này để nghiên cứu phương án tham gia thị trường cho các dự án điện sinh khối, địa nhiệt và các nguồn năng lượng tái tạo khác.

Theo các chuyên gia năng lượng trong nước, lộ trình phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới có xu hướng tương đồng. Giai đoạn đầu áp dụng cơ chế giá FIT, sau đó dần loại bỏ FIT nhưng vẫn duy trì hỗ trợ lưu trữ và cuối cùng là để các dự án tham gia trực tiếp vào thị trường điện.

Từ nay đến ngày 1/6/2025, Trung Quốc được dự báo sẽ chứng kiến làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào điện gió và điện mặt trời nhằm kịp thời hưởng cơ chế giá FIT. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở chỗ, nếu các dự án không kịp vận hành trước hạn chót, doanh nghiệp vẫn có thể áp dụng mức giá đã được dự báo trước. Chính sách này đảm bảo tính nhất quán, không để lại khoảng trống sau khi cơ chế giá FIT kết thúc.

Đến cuối năm 2024, tổng công suất đặt của hệ thống điện Trung Quốc đạt 3.361,57 GW, với sản lượng điện cả năm lên tới 9.418 tỷ kWh. Dù vậy, nhiệt điện - chủ yếu là điện than - vẫn chiếm tới 67,36% tổng sản lượng, cho thấy vai trò quan trọng nhưng dần suy giảm của nguồn năng lượng này trong bức tranh năng lượng quốc gia.

Hướng đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060, Trung Quốc đã liên tục cắt giảm tỷ trọng nhiệt điện từ mức 71,13% vào năm 2021 xuống còn 67,36% vào năm 2024. Động lực chính của sự thay đổi này là sự phát triển mạnh mẽ của điện gió và điện mặt trời, nhờ các chính sách hỗ trợ từ chính phủ. Kể từ khi Luật Năng lượng tái tạo được ban hành năm 2006, Trung Quốc đã triển khai cơ chế trợ giá cho điện gió, điện mặt trời cùng với biểu giá mua điện ưu đãi (FIT).

Tuy nhiên, đến năm 2021, các khoản trợ giá này chấm dứt, chỉ còn duy trì mức giá mua điện gió và điện mặt trời theo giá điện than tại thời điểm đó. Mức giá mua dao động từ 0,4 NDT/kWh (1.400 đồng/kWh) đến 0,8 NDT/kWh (2.800 đồng/kWh), tùy theo khu vực. Cũng trong năm 2021, Trung Quốc đưa vào vận hành thị trường carbon, cho phép các nhà máy năng lượng tái tạo giao dịch chứng chỉ carbon để gia tăng nguồn thu, trong khi các nhà máy nhiệt điện than được hỗ trợ chi phí công suất nhằm đảm bảo vai trò dự phòng và hỗ trợ ổn định lưới điện.

Tới năm 2023, tốc độ phát triển "nóng" của điện gió và điện mặt trời đã buộc chính quyền địa phương phải siết chặt quy định, yêu cầu các nhà máy năng lượng tái tạo tích hợp hệ thống pin lưu trữ với dung lượng từ 5 - 20% công suất đặt, duy trì thời gian lưu trữ từ 2 - 4 giờ tùy vào tình hình từng tỉnh, khu tự trị. Các chính sách hỗ trợ cho hệ thống lưu trữ năng lượng được thiết kế theo lộ trình giảm dần và dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2025, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của Trung Quốc.

Link gốc

Theo: Báo Công Thương