Ấn Độ sẽ tái áp dụng giới hạn nhập khẩu các mô-đun năng lượng mặt trời, sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế trong một năm, nhằm xoa dịu các nhà sản xuất trong nước vốn phàn nàn về việc vận chuyển hàng hóa từ nước ngoài rẻ hơn.
Ảnh minh họa: Bloomberg.
Bộ Năng lượng tái tạo Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố trên trang web của mình rằng các quy định được nới lỏng sẽ hết hạn vào ngày 31/3 và ngày hôm sau, danh sách các mẫu mã và nhà sản xuất trong nước được ủy quyền sẽ một lần nữa có hiệu lực. Danh sách này ngăn cản việc sử dụng các mô-đun nước ngoài trong nước.
“Do được miễn trừ, các nhà sản xuất mô-đun trong nước bị thua lỗ kinh doanh do các đơn đặt hàng lớn được chuyển sang Trung Quốc. Điều đó dẫn đến việc sử dụng không đúng công suất trong nước”, Ashwani Sehgal, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất năng lượng mặt trời Ấn Độ, cho biết.
Sự mở rộng của ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Trung Quốc đang ngày càng bị giám sát chặt chẽ, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu. Vào tháng 1, Brussels cho biết đang xem xét các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp sau khi làn sóng thiết bị giá rẻ của Trung Quốc tràn vào khiến hàng loạt nhà máy địa phương phải đóng cửa.
Cùng tháng đó, một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ đã kêu gọi Tổng thống Joe Biden tăng thuế đối với các sản phẩm năng lượng mặt trời nhập khẩu do Trung Quốc sản xuất, đặc biệt khi ngày càng nhiều nhà máy gia công sản phẩm Trung Quốc được đặt tại các nước thứ 3.
Hãng tin CNBC cho biết, Bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây đã cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ dìm ngập thị trường toàn cầu khi xuất khẩu sản lượng dư thừa các mặt hàng năng lượng xanh giá rẻ, như xe điện hay tấm pin điện mặt trời, qua đó phá giá thị trường và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất toàn ngành.
Theo CNBC, việc Bắc Kinh đi đầu ở mảng năng lượng mặt trời, xe điện hay ắc quy Lithium Ion khiến nước này dư thừa về sản lượng do nhu cầu nội địa không theo kịp.
Hậu quả là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ đẩy sản lượng dư thừa này ra các thị trường nước ngoài với giá rẻ, điều tương tự từng xảy ra trong ngành thép, gây phá giá thị trường và ảnh hưởng nặng nề hoạt động kinh doanh ở những nước khác.
Link gốc
Theo: Công Luận