Tin thế giới

Ấn độ quyết tâm chinh phục mặt trời

Thứ năm, 6/8/2009 | 09:15 GMT+7

Trong nhiều thế kỷ, người Hindu ở Ấn Độ đã tôn thờ thần Mặt trời Surya như nguồn gốc của sức khỏe và sự thịnh vượng. Họ xây nên những ngôi đền tráng lệ, tổ chức nhiều cuộc liên hoan ấn tượng trên khắp thế giới nhằm tôn vinh thần Mặt trời. Giờ đây, người Ấn Độ lại hướng tới mặt trời với cái nhìn thực tiễn hơn: Đây sẽ là nguồn cung cấp điện năng chính cho họ trong tương lai không xa.

Kế hoạch tham vọng nhất thế giới

Trong cuộc họp kéo dài 2 giờ tại Hội đồng giải quyết tình trạng thay đổi khí hậu (CCC) diễn ra ngày 3/8, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã thông qua về nguyên tắc một kế hoạch tham vọng là tạo nguồn điện khổng lồ từ mặt trời.

Các panel thu quang năng ở Ấn Độ

Mục tiêu của kế hoạch này là tăng khả năng tạo điện từ nguồn quang năng của Ấn Độ lên 20GW (20.000MW) vào năm 2020. Chưa dừng lại ở đó, Ấn Độ muốn tiếp tục nâng công suất lên 100GW vào năm 2030 và 200GW vào năm 2050. Nên nhớ rằng hiện nay điện tạo ra từ năng lượng mặt trời của Ấn Độ mới chỉ khoảng 3MW và cả thế giới là khoảng 14GW. “Đây là kế hoạch năng lượng mặt trời tham vọng nhất từ trước tới nay” - Siddharth Pathak, thủ lĩnh của tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace ở Ấn Độ, đánh giá. Kế hoạch của CCC còn đề xuất giảm giá điện mặt trời xuống bằng giá của nhiệt điện (chạy bằng than đá) vào năm 2020. Năng lượng mặt trời của Ấn Độ hiện có chi phí khoảng 15 rupee (gần 0,4 USD)/ kWh điện, trong khi điện trong mạng lưới quốc gia, được tạo ra chủ yếu từ các nhà máy gây nhiều ô nhiễm, chỉ có giá trung bình 3,5 rupee/kWh.

3 giai đoạn phát triển

Để đạt được mục tiêu trên, kế hoạch chinh phục mặt trời đề ra 3 giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1 kéo dài từ năm 2009 tới 2012 với mục tiêu phổ biến rộng rãi việc tạo ra điện từ quang năng. Kế hoạch đề xuất việc xây dựng nhiều nhà máy điện quang năng ở quy mô thương mại. Toàn bộ các văn phòng, tòa nhà của chính phủ sẽ được đặt những tấm pin thu năng lượng mặt trời. Người ta đã dự tính rằng, với khoảng 2.000 - 3.000 văn phòng thuộc các cơ quan của chính phủ thì diện tích sử dụng để thu quang điện sẽ lên tới 3 triệu m2, dễ dàng mang lại 100MW điện. Kế hoạch cũng cổ súy cho việc lắp các panel thu năng lượng mặt trời tại nhiều nhà máy, văn phòng thương mại, với tổng diện tích có thể sử dụng lên tới 700 triệu m2.

Các hoạt động khác bao gồm phát triển việc cho vay vốn nhỏ để giúp khoảng 20 triệu hộ trong nước lắp những thiết bị chiếu sáng dùng năng lượng mặt trời vào năm 2020; xây dựng các mạng lưới điện nhỏ, độc lập ở cấp làng xã, vùng sâu vùng xa; triển khai những chương trình mua điện mặt trời của dân, tương tự như ở Đức.

Giai đoạn 2 kéo dài từ năm 2012 tới 2017, chú trọng vào việc tăng công suất điện quang năng lên 6-7 GW, triển khai những kỹ thuật, công nghệ mới, tiếp tục đẩy mạnh việc phổ biến các hệ thống chiếu sáng, sưởi ấm sử dụng quang năng. Giai đoạn 3 kéo dài từ năm 2017 tới 2020, trong đó đẩy nhanh việc phổ biến những ứng dụng quang năng, thương mại hóa các công nghệ tích trữ điện, giảm bớt sự trợ giá của chính phủ và tăng công suất lên mức 20GW.

Trở ngại về giá

Ban đầu, kế hoạch chinh phục mặt trời được thiết kế để tăng cường an ninh năng lượng cho Ấn Độ, do nước này có một lượng than đá lớn nhưng phải nhập khẩu 70% nhu cầu dầu thô và một nửa nhu cầu khí đốt. Theo Bộ Năng lượng Ấn Độ, nước này hiện mới có khả năng sản xuất 150MW - chưa bằng 1/5 lượng điện của Trung Quốc - và trong hai năm 2008, 2009 thì nhu cầu đã vượt quá khả năng cung cấp 9,5%. Vào giờ cao điểm, nhu cầu vượt khả năng cung cấp tới 13,8%. Việc chinh phục mặt trời sẽ giúp xóa bỏ tình trạng thiếu điện khiến 400 triệu người Ấn Độ phải sống trong cảnh khổ sở, mất điện thường nhật ở nhiều thành phố và gây trở ngại lớn tới hoạt động phát triển kinh tế.

Các nhà bảo vệ môi trường đã lên tiếng hoan nghênh kế hoạch này. Họ cho rằng điện tạo ra từ quang năng là một hướng đi hợp lý do Ấn Độ không có không gian lớn để triển khai các cánh đồng phong năng. Ông Pathak đánh giá một cách lạc quan: “Ấn Độ đang đưa ra một tuyên bố rất mạnh mẽ trước mặt các nước phát triển rằng họ có tiềm năng khổng lồ trong việc thay thế năng lượng truyền thống”. 

Tuy nhiên, một số quan chức chính phủ đã tỏ ý nghi ngờ về kế hoạch trên. Họ e ngại rằng chính phủ đang mạo hiểm chi quá nhiều tiền cho một công nghệ mới, thay vì dùng chúng để đầu tư vào các nguồn điện truyền thống và mang lại lợi ích cho dân chúng. Điều này không phải không có cơ sở. Được biết để đạt mục tiêu tham vọng 20GW điện quang năng, các chuyên gia CCC đã đề nghị chính phủ đầu tư 920 tỷ rupee. Còn trong “Báo cáo Cách mạng năng lượng” mới được công bố, tổ chức Greenpeace dự đoán rằng tới năm 2050, Ấn Độ sẽ tạo ra 69% điện năng, đáp ứng 69% nhu cầu sưởi ấm, 70% nhu cầu làm mát trong nước từ năng lượng có thể phục hồi (mặt trời). Tuy nhiên, việc đó sẽ ngốn của nước này 154 tỷ USD, một khoản đầu tư khổng lồ trong bối cảnh Ấn Độ còn hàng loạt mối quan tâm lớn khác.

Theo: Thể thao & Văn hóa