Bộ trưởng Bộ Năng lượng tái tạo và năng lượng mới của Ấn Độ Gauri Singh đã khẳng định nguồn năng lượng tái tạo đóng vai trò bổ sung cần thiết cho nguồn cung năng lượng thông thường. Theo nhiều nhà phân tích, cơn khát điện của Ấn Độ, một quốc gia châu Á có mức tăng trưởng kinh tế thuộc hàng kỷ lục, ngày càng trầm trọng.
Nhu cầu sử dụng điện tại nhiều cao ốc văn phòng và nhà ở đôi khi vượt quá 14% nguồn điện được cung cấp từ lưới điện quốc gia. Tính chung trên toàn lãnh thổ, khoảng 56% người dân tại đây không thể tiếp cận được nguồn điện. Riêng tại khu vực nông thôn, nơi có 2/3 trong số 1,1 tỷ người Ấn Độ sinh sống, chỉ có 44% hộ gia đình được sử dụng điện từ hệ thống cung cấp điện.
Điều ưu tiên của chính phủ Ấn Độ chính là đạt được an ninh năng lượng để có thể tự xoay xở trước bài toán năng lượng quốc gia. Trong tình hình kinh tế khủng hoảng nghiêm trọng, năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng từ sức gió và năng lượng sinh học chiếm 3% tổng sản lượng điện của Ấn Độ.
Ngoài ra, với xuất phát điểm gần bằng 0 ở thời điểm đưa ra kế hoạch này vào tháng 6-2008, Ấn Độ hy vọng đến năm 2020 sẽ đạt được 20.000 MW điện từ nguồn năng lượng mặt trời. Đây là một phần của chiến lược hành động quốc gia mà Ấn Độ đặt ra để đối phó với sự thay đổi khí hậu trên toàn cầu.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là các công ty không sản xuất được lượng điện như mong muốn vì họ không nhận được sự hỗ trợ tương xứng từ phía chính phủ. Đại diện của các công ty này cho rằng chính phủ trả giá quá thấp cho sản phẩm điện từ nguồn năng lượng mặt trời mà họ đã sản xuất được.
Báo cáo của Ủy ban Hiệp thương Vương quốc Anh năm 2008 đã đưa ra nhiều ví dụ về một số khó khăn mà chính phủ Ấn Độ mắc phải trong quá trình phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo. Cụ thể, chính phủ Ấn Độ chưa cập nhật thông tin về tình hình mưa của vùng Tây Nam Ấn Độ cũng như thông tin về sức gió mạnh trong mùa hè hay không có những thông tin về các loại rác thải có thể tái chế.
Báo cáo còn cho biết, Ấn Độ đã xây dựng khoảng 553 trạm quan sát sức gió trên toàn quốc, nhưng chỉ có 53 trạm có thể vận hành được. Bên cạnh đó, Ấn Độ cả năm có khoảng 300 ngày mặt trời chiếu sáng, lại không có nơi nào xây dựng nhà máy điện thái dương năng, một phần do việc ưu tiên xây dựng các ngành công nghiệp khác chiếm đa số trên toàn quốc.
Hiện nay, Ấn Độ là quốc gia duy nhất trên thế giới thiết lập Bộ Năng lượng tái tạo và năng lượng mới (MNRE) trong cơ quan chính phủ. Điều này cho thấy Chính phủ Ấn Độ đang quyết tâm đẩy mạnh hướng phát triển năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình.
Theo: SGGP