Hiện công suất của tất cả các nhà máy điện Campuchia chỉ đạt 410 MW, trong khi Tổng Công ty điện lực Campuchia "Electricite du Cambodge" dự báo nhu cầu điện nước này cần khoảng 808 MW.
Theo kế hoạch, nhà máy nhiệt điện chạy bằng than của tập đoàn Leader có thể đi vào hoạt động từ năm 2012 với công suất 100 MW. Giám đốc điều hành Leader, ông Sean H’ng Chun Hsiang cho biết tập đoàn dự kiến sẽ xây dựng nhà máy từ đầu năm 2010.
Hồi tháng 2/2007, Leader thông báo đã thắng thầu xây dựng nhà máy nhiệt điện công suất 200 MW tại tỉnh Sihanouk với một đối tác Campuchia chiếm 50% cổ phần trong liên doanh. Tuy nhiên, tháng 1/2009, chính phủ Campuchia lại thông báo chia nhà máy này thành hai dự án, và cho phép hai cổ đông liên doanh nói trên xây dựng các nhà máy riêng, với công suất mỗi dự án là 100 MW. Ngoài ra, Leader cũng thông báo về kế hoạch phát triển một nhà máy nhiệt điện nữa có công suất 700 MW tại tỉnh Sihanouk, và dự kiến được khởi công ngay sau khi nhà máy công suất 100 MW đi vào hoạt động.
Campuchia hiện vẫn phải nhập khẩu điện của các nước láng giềng, trong đó có khoảng 220 MW từ Việt Nam và 30 MW từ Thái Lan. Tuy nhiên, hồi tháng 4/09, Quốc vụ khanh Bộ Công nghiệp, Mỏ và Năng lượng Campuchia, Ith Praing lạc quan thông báo rằng sau khi khánh thành một loạt đập thủy điện mới, Campuchia đủ khả năng xuất khẩu điện sang các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Việt Nam, vào năm 2016.
Theo: TTXVN