Chuyên môn và công đoàn ký cam kết hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2024.
Để phòng ngừa những tai nạn lao động không mong muốn xảy ra trong quá trình lao động, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ người sử dụng lao động, tổ chức công đoàn, an toàn vệ sinh viên và chính bản thân người lao động.
Lao động trong EVNNPT: An toàn là trên hết
Công tác ATVSLĐ đóng một vai trò quan trọng nhằm đảm bảo sự an toàn và vệ sinh trong quá trình làm việc, không chỉ bảo vệ sức khỏe của người lao động mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và toàn xã hội. Bên cạnh các chế độ về lương, thưởng, cơ sở vật chất, môi trường làm việc…, trong những năm qua, EVNNPT luôn quan tâm, chăm sóc sức khỏe và an toàn của người lao động.
Xác định người lao động là vốn quý nhất trong tổ chức; việc phòng ngừa những nguy cơ gây mất an toàn cho người lao động rất quan trọng, EVNNPT đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện như: phân định trách nhiệm cụ thể cho các bộ phận, người làm công tác an toàn; quan tâm đào tạo, huấn luyện người làm công tác an toàn và các nhóm đối tượng; trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, dụng cụ, công cụ làm việc, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; tổ chức lễ ký cam kết thực hiện ATVSLĐ; tăng cường kiểm tra, giám sát ATVSLĐ; phát động phong trào thi đua “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm ATVSLĐ”; nêu cao vai trò mạng lưới ATVSV; tổ chức Hội thi ATVSV giỏi các cấp; quan tâm, duy trì công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, quan trắc môi trường lao động…Nhiều cuộc tọa đàm, Hội nghị người lao động, thương lượng để xây dựng TULĐTT, đối thoại để xây dựng Nội quy lao động đều tập trung các nội dung về công tác ATVSLĐ và mạng lưới ATVSV để từ đó có sự nhìn nhận, đánh giá khách quan những mặt mạnh, hạn chế; rút ra những bài học kinh nghiệm và giải pháp phòng ngừa, khắc phục. Qua đó, góp phần thúc đẩy xây dựng văn hóa an toàn lao động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả người lao động, người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn về chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động.
Hoạt động của mạng lưới ATVSV
Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của công đoàn các cấp trong EVNNPT, mạng lưới ATVSV hoạt động như “tai mắt”,“cánh tay nối dài” của người lao động, thể hiện tính quần chúng trong công tác ATVSLĐ tại các đơn vị. Hoạt động này nhằm phát hiện, ngăn ngừa kịp thời những hiện tượng, những biểu hiện vi phạm các quy định về ATVSLĐ và những nguy cơ mất an toàn tại nơi làm việc, góp phần phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Thông qua mạng lưới ATVSV đã giúp người lao động tham gia giám sát việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ tại nơi làm việc; giúp Ban Chấp hành Công đoàn các cấp nắm bắt kịp thời, đầy đủ tình hình công tác ATVSLĐ, nắm được những nguy cơ rủi ro và những vi phạm của người lao động trong việc chấp hành các quy định về ATVSLĐ để kịp thời cảnh báo, nhắc nhở, tuyên truyền vận động người lao động; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa công đoàn và chuyên môn, giữa công đoàn và người lao động trong công tác ATVSLĐ.
Công đoàn EVNNPT giám sát chuyên đề công tác ATVSLĐ và hoạt động của mạng lưới ATVSV tại cơ sở.
Triển khai chỉ đạo của Đảng ủy EVNNPT, Công đoàn Điện lực Việt Nam; các thông báo kết luận, chương trình công tác, kế hoạch… của Ban Thường vụ Công đoàn EVNNPT, thời gian qua, Công đoàn EVNNPT đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở tăng cường phối hợp; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát về mạng lưới ATVSV; tọa đàm về tổ chức và hoạt động mạng lưới ATVSV trong các dịp sơ, tổng kết công tác công đoàn, trong triển khai “Tháng Công nhân”, “Tháng hành động về ATVSLĐ”; phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn về ATVSLĐ cho các nhóm đối tượng, trong đó có ATVSV và các cán bộ công đoàn; khen thưởng và đề nghị khen thưởng ATVSV giỏi các cấp; phối hợp tổ chức Hội thi ATVSV giỏi các cấp…
Lãnh đạo EVNNPT, Công đoàn EVNNPT chủ trì tọa đàm và thăm hỏi, động viên người lao động.
Dưới sự chủ trì của Công đoàn EVNNPT, các buổi tọa đàm diễn ra ở các đơn vị có đông lao động trực tiếp với đầy đủ sự tham gia của lãnh đạo chuyên môn, Ban Chấp hành công đoàn, mạng lưới ATVSV. Tại các buổi toạ đàm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ của đại diện các bên trong quan hệ lao động. Từ đó khái quát bức tranh toàn cảnh về công tác ATVSLĐ của EVNNPT, của các đơn vị trực thuộc trong thời gian qua; nhận diện được những mặt đã làm tốt, những tồn tại; rà soát, nhận diện, đánh giá các các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ; những mô hình, cách làm hay về công tác an toàn, vệ sinh lao động để có thể nhân rộng; rút ra bài học kinh nghiệm để từ đó đưa ra những định hướng, giải pháp triển khai trong thời gian tới để công tác ATVSLĐ tiếp tục được đổi mới và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập trong thời đại mới.
Đặc biệt tại tọa đàm, các bên trao đổi, quan tâm nhiều đến sức khỏe của người lao động trong giai đoạn hiện nay, đề xuất nhiều giải pháp trong công tác quản lý sức khỏe, bố trí lao động phù hợp, tổ chức các phong trào thể dục thể thao từ cấp Tổng công ty đến các đơn vị như: Giải chạy/ đi bộ Online, Đi bộ dọc tuyến, Hội thao các cấp…; trang bị các thiết chế văn hóa để cải thiện sức khỏe, nhất là lực lượng công nhân leo cao....
Công đoàn EVNNPT chủ trì tổ chức hội thảo, tọa đàm về ATVSLĐ.
Khi ATVSLĐ không chỉ là trách nhiệm của riêng ai
Mặc dù được quan tâm, chú trọng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ATVSLĐ cũng bộc lộ một số những hạn chế: Việc phối hợp nắm bắt tư tưởng, tâm lý, sức khỏe của người lao động, nhất là trước khi bước vào công việc nặng nhọc trên công trường… có nơi, có lúc chưa kịp thời; vẫn còn tai nạn lao động do bệnh lý, tai nạn lao động nặng, vẫn còn xẩy ra sự cố do nguyên nhân chủ quan. Dù đã có nhiều chương trình đào tạo; tăng cường tuyên truyền, vận động…vẫn còn một bộ phận nhỏ người lao động chưa tuân thủ đúng các quy trình an toàn lao động, dẫn đến một số sự cố không mong muốn…
Trong khi đó, Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn, thực hiện đầy đủ các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có việc phê chuẩn, thực thi các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Điều này sẽ làm cho các doanh nghiệp đối mặt với các yêu cầu khắt khe về điều kiện làm việc và ATVSLĐ cho người lao động.
Làm việc trong môi trường với nhiều yếu tố nguy hiểm, rủi ro cao, người lao động EVNNPT cần đặc biệt tuân thủ nghiêm các quy trình, quy định về ATVSLĐ.
Để thực hiện tốt yêu cầu đó và tiếp tục chăm lo, bảo vệ từ xa sức khỏe, sự an toàn của người lao động trong thời gian tới, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bên: từ người sử dụng lao động, tổ chức công đoàn, ATVSV và người lao động. Mỗi tổ chức, cá nhân cần nhận thức được tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ; xác định trách nhiệm, vị trí, vai trò của mình trong guồng máy; phối hợp nhịp nhàng; đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả. Đó là ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động và hệ thống quản lý an toàn các cấp với các giải pháp nhằm đảm bảo ATVSLĐ; là sự phối hợp của công đoàn trong tham gia cơ chế, chính sách; quan tâm, tạo điều kiện và chỉ đạo sát sao mạng lưới ATVSV; trách nhiệm của mỗi ATVSV trong giám sát công tác ATVSLĐ tại cơ sở; thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn, yêu cầu người lao động thực hiện đúng và đầy đủ các biện pháp an toàn trong lao động và đặc biệt phải xuất phát từ chính bản thân người lao động. Không ngừng học tập, nâng cao nhận thức, tuân thủ nghiêm các quy trình quy định trong quá trình lao động, sản xuất, nhận biết nguy cơ gây mất an toàn để phòng, ngừa; tham gia giám sát công tác ATVSLĐ tại cơ quan, đơn vị và đề xuất chuyên môn, công đoàn có những giải pháp kịp thời.
Chỉ khi “chung một mối quan tâm, chung một trách nhiệm, chung một cam kết” khi đó công tác ATVSLĐ mới thực sự đi vào cuộc sống, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và phát triển trong EVNNPT.