Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, toàn công trường Dự án đường dây 500kV mạch 3 đã triển khai thi công 3 ca, 4 kíp, 24/7 với tinh thần quyết tâm cao nhất để đưa dự án về đích.
Sau những thuận lợi ban đầu, công trường chính thức bước vào công cuộc chinh phục mà con đường trước mắt, không hề bằng phẳng.
Dồn lực cho dự án
Dự án đường 500kV mạch 3 là dự án có khối lượng thi công rất lớn, trong đó khối lượng đào đất là hơn 2,5 triệu m3, đổ hơn 705.000 m3 bê tông, gần 70.000 tấn cốt thép móng; lắp dựng 139.000 tấn thép cho 1.177 vị trí cột, tương ứng 513 khoảng néo hành lang tuyến; kéo 26 sợi dây dẫn, dây chống sét, cáp quang với tổng gần 14.000 km.
Đặc biệt tuyến đường dây có 49 khoảng néo vượt quốc lộ, cao tốc; 41 khoảng néo vượt sông và vượt hồ lớn; 295 vị trí thi công trên núi; 239 vị trí móng cọc ở vùng đồng ruộng, ao hồ, đầm lầy, địa chất yếu, nhiều vị trí cột cao và nặng. Phương án “4 tại chỗ” đã được triển khai, bao gồm: Lực lượng lao động tại chỗ, nguyên vật liệu tại chỗ, máy móc, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Sự thiếu hụt về máy móc và thiết bị thi công đồng thời trong giai đoạn đào đúc móng, với địa hình tuyến nhiều hình thái núi cao, hay những hình thái cực đoan của thời tiết, thực sự là những trở ngại thách thức lòng người, sức người.
Ông Hoàng Văn Tuyên – Giám đốc Ban QLDA các công trình điện miền Bắc (NPMB) cho biết: Cung đoạn từ Thanh Hóa – Nam Định 1 – Phố Nối do NPMB quản lý điều hành có đặc thù qua nhiều ao, hồ, sông ngòi, đồng ruộng nên địa chất yếu. Vì vậy quá trình thi công phải triển khai rất nhiều vị trí móng cọc, toàn tuyến có 239 vị trí móng cọc thì đoạn tuyến của NPMB có 157 vị trí với khối lượng cọc bê tông phải ép khi triển khai móng lên đến 630.000 mét. Trong khi đó nguồn lực của máy ép cọc trên cả nước hạn chế. Để giải quyết vấn đề này, NPMB nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, trong đó tập trung thuê nhân lực, máy móc, phương tiện, vật tư và các nhà thầu tại địa phương để triển khai đào đúc móng. Việc hoàn thành đào đúc móng có ý nghĩa rất quan trọng để triển khai dựng cột, kéo dây nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng không để móng chờ cột, cột chờ dây dẫn.
Quá trình thi công dựng cột, dự án gặp nhiều thách thức nhưng với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, những khó khăn đều được tháo gỡ.
Chia sẻ về những khó khăn cung đoạn từ Quảng Trạch – Quỳnh Lưu – Thanh Hóa, ông Lê Xuân Hòa – Giám đốc Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB): Cung đoạn này dài gần 320 km với 663 vị trí cột. Nơi đây địa hình vô cùng phức tạp, các vị trí cột nằm trên đỉnh núi cao, trời mưa, đường trơn và dốc, việc đi lại và di chuyển vật tư thiết bị lên vị trí cột vô cùng khó khăn, rất nhiều vị trí cột phải thi công dựng cột, kéo dây bằng thủ công. Thời tiết vô cùng khắc nghiệt, nắng thì như đổ lửa; mưa như trút nước, đặc biệt là gió; Đơn vị thi công chỉ có thể tranh thủ gió lặng, thời tiết không mưa để thi công ngay; đồng thời dựng lán trại nghỉ ngay tại công trường để sẵn sàng bất cứ lúc nào thời tiết thuận lợi là triển khai thi công ngay.
Tinh thần vượt nắng, thắng mưa trở thành yếu tố tiên quyết, vượt mọi thách thức tại công trường. Và càng khó khăn bao nhiêu, càng thấy sức vóc người Việt phi thường đến nhường nào. Dọc dải miền Bắc kéo đến miền Trung địa hình càng phức tạp, cảnh trí đất nước càng hùng vĩ, chung ta dễ dàng bắt gặp sự nhiệt huyết, sự hào sảng trong nỗi gian lao và niềm tự hào của những người trực tiếp tham gia dự án.
Kỹ sư Vũ Xuân Trường – Công ty CP Tập đoàn PC 1, Chỉ huy trưởng gói thầu số 21, đường dây 500kV mạch 3 đoạn tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: Giai đoạn thi công móng cho đến khi dựng cột, kéo dây thì thời tiết có nhiều lúc rất khắc nghiệt. Nhiều hôm trời mưa, đơn vị cũng động viên anh em với tinh thần cố gắng đưa dự án về đích sớm, nếu mưa lớn quá thì chuyển làm một số việc khác ở dưới chân cột, còn mưa nhỏ thì anh em sẽ ra công trường tiếp tục thi công như bình thường. Chúng tôi không quản ngại nắng mưa, bởi sứ mệnh đã đặt lên vai chúng tôi là phải hoàn thành và quyết tâm hoàn thành dự án.
Tuyến đường dây có 7 vị trí cột cao 145 mét (tương đương tòa nhà 50 tầng) và nặng 426 tấn. Đây là những cột vượt sông, vượt hồ, thi công gặp nhiều thách thức. Do độ cao và trọng lượng của ống thép lớn, quá trình thi công cần sự hỗ trợ của nhiều loại máy móc hiện đại như các máy cẩu loại 400 tấn. Cùng với máy tời thủy lực, máy lao và sự phối hợp nhịp nhàng của công nhân để di chuyển và lắp đặt các ống thép vào cột bởi càng lên cao, việc thi công càng trở nên khó khăn, đặc biệt trong điều kiện thời tiết gió to.
Ông Nguyễn Văn Hải – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sông Đà 11: Trong quá trình thi công, biện pháp tổ chức thi công phải thống nhất từ trên xuống dưới đến các tổ đội để thống nhất cách làm như vậy mới đạt hiệu quả và nhanh. Đối với những vị trí cột cao, chúng tôi đã tính toán tìm ra biện pháp tối ưu là dùng cẩu 400 tấn có độ vươn 158m để đáp ứng yêu cầu dựng cột cao 145m, qua đó rút ngắn thời gian đảm bảo tiến độ thi công-
Còn ông Lê Thế Hạnh – Giám đốc Công ty TNHH Phương Hạnh chia sẻ: Được tham gia thi công Dự án đường dây 500kV mạch 3 là một vinh dự lớn đối với Công ty. Chúng tôi đã huy động tối đa nguồn lực, nhân lực, phương tiện, máy móc và cả tài chính để tập trung thi công dự án trọng này điểm. Trong quá trình thi công từ đào đúc móng, dựng cột, kéo dây để về đích đảm bảo tiến độ được nhanh cho đến ngày hôm nay, nhà thầu luôn nhận được sự ủng hộ người dân, chính quyền địa phương phát tuyến hành lang để công tác kéo dây không bị ngắt quãng ngày nào.
Nhiều sáng kiến giúp tiết kiệm thời gian, chi phí thi công
Ngày 27/2/2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và EVN đã phát động đợt thi đua 120 ngày đêm trên công trường Dự án đường dây 500 kV mạch 3 với chủ đề “Năm nhất: Tiến độ nhanh nhất; Chất lượng tốt nhất; An toàn - Tiết kiệm nhất; Sáng tạo nhất; Chăm lo đời sống tốt nhất cho người lao động”.
Để khích lệ toàn công trường nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao nhất để đưa dự án về đích, ngày 27/2/2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và EVN đã phát động đợt thi đua 120 ngày đêm trên công trường Dự án đường dây 500 kV mạch 3 (kể từ 01/3 - 30/6/2024) với chủ đề “Năm nhất: Tiến độ nhanh nhất; Chất lượng tốt nhất; An toàn - Tiết kiệm nhất; Sáng tạo nhất; Chăm lo đời sống tốt nhất cho người lao động” nhằm tạo khí thế sôi nổi trên công trường. Các cấp công đoàn đã dành nguồn lực lớn để thăm hỏi, động viên, khích lệ các lực lượng tham gia dự án hăng say lao động, nỗ lực thi công để đưa dự án về đích.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam thường xuyên thăm hỏi, động viên, tích cực tham gia công tác hậu cần, đảm bảo lương thực, thực thực phẩm cho kỹ sư, công nhân tham gia dự án.
Chính từ phong trào thi đua được phát động tại công trường đã có rất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Đối với công tác thi công phần móng: Đã sử dụng nhiều thiết bị chuyên dụng, cơ giới hóa để tăng tốc tiến độ, như máy đóng cọc chuyên dụng, bê tông tươi và bơm chuyên dụng.
Từ phong trào thi đua, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được các đơn vị nhà thầu thi công nghĩ ra. Trong đó có sáng kiến “chế tạo giá thao tác phục vụ công tác lắp dựng cột ống (DO)”.
Đối với công tác thi công lắp dựng cột và kéo dây, đa số các vị trí cột trên toàn tuyến đều sử dụng cẩu lớn lắp dựng cột, ứng dụng nhiều sáng kiến trong thi công, đẩy nhanh tiến độ lắp dựng cột thanh cái ống, cột vượt; sử dụng thiết bị bay để kéo rải dây mồi, thiết bị kéo hãm thủy lực đồng bộ có thể cùng lúc kéo rải 4 dây dẫn kích thước lớn khoảng néo dài, nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công kéo dây các khoảng dây lớn, vượt rừng, địa hình đồi núi, sông hồ, giao cắt đường giao thông, … bảo vệ môi trường và chất lượng công trình.
Công nghệ thiết kế, chế tạo cột liên kết ống (DO), loại hình đã phổ biến trên thế giới, nhưng lần đầu tiên được thiết kế, sản xuất và ứng dụng tại dự án siêu cao áp của Việt Nam.
Công nghệ thiết kế và chế tạo này được chuyển giao 100% từ Nhật Bản và các nhà thầu trong nước đã làm chủ hoàn toàn công nghệ. Ngoài ra, các nhà máy sau khi hoàn thành sản xuất cột, theo sự điều động của chủ đầu tư, đáp ứng yêu cầu tiến độ của dự án, lực lượng công nhân lành nghề đã được huy động chi viện cho công trường giúp công tác kiểm đếm, soạn thanh cột, lắp gá mảng, xử lý các vấn đề phát sinh góp phần đẩy nhanh tiến độ lắp dựng trên tuyến.
Truyền tải điện Ninh Bình được giao thi công vị trí cột số 08 đường dây 500kV NMNĐ Nam Định 1 – Thanh Hóa. Đây là vùng đồng chiêm trũng, sau những ngày mưa lớn mặt bằng thi công bị nước bao phủ trắng xóa do mặt bằng móng chưa đắp bờ, trong khi đang mùa đổ ải. Nhiều chỗ ngập sâu hơn 1m, dẫn đến không có mặt bằng để thi công.
Tại buổi sơ kết phong trào thi đua Dự án đường dây 500kV mạch 3 vào tháng 6/2024, nhiều đơn vị có sáng kiến hợp lý hóa sản xuất được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng khen.
Ông Vũ Văn Lộc – Giám đốc Truyền tải điện Ninh Bình cho hay, khi tiếp nhận vị trí cột số 08, mặc dù cột có độ cao hơn 70m, khối lượng thiết bị nặng khoảng 94 tấn. Qua khảo sát, nhiều phương án được đưa ra trong đó có ý kiến đề nghị đổ thêm đất để có mặt bằng thi công. Tuy nhiên, phương án này quá tốn kém, thời gian thi công lâu. Theo đó, Truyền tải điện Ninh Bình đã dùng phương án thuê các phao và cọc tre kết thành bè, mảng để vận chuyển cột và tập kết vật tư, đồng thời tạo mặt bằng thi công. Với việc sử dụng phao và tre, luồng kết thành bè mảng đã giúp rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm chi phí phải đắp đất san nền tạo mặt bằng, dùng các phao thuận lợi và nhanh hơn, theo tính toán của Truyền tải điện Ninh Bình số tiền tiết kiệm được khoảng hơn 100 triệu đồng, giảm được 10 ngày so với phương án đắp đất tạo mặt bằng để lắp dựng cột.
Hay như sáng kiến “chế tạo giá thao tác phục vụ công tác lắp dựng cột ống (DO)” do Công ty CP Xây lắp và Dịch vụ Sông Đà đưa ra đã giúp đẩy nhanh lắp dựng cột và tiết kiệm tiền tỷ trong thi công Dự án đường dây 500kV mạch 3. Vị trí cột 175 đường dây 500kV cung đoạn Quảng Trạch – Quỳnh Lưu là loại cột ống lần đầu tiên áp dụng trên hệ thống điện Việt Nam. Đơn vị thi công cũng chưa bao giờ lắp dựng chủng loại cột ống trên. Cột 175 có chiều cao 145m là một trong bảy cột cao và nặng nhất toàn tuyến. Nếu thi công lắp dựng bằng phương pháp thông thường thì thời gian lắp dựng nhanh nhất cũng phải mất khoảng 50 - 55 ngày. Như vậy sẽ không đáp ứng tiến độ của chủ đầu tư đưa ra.
Lúc đầu, việc lắp dựng cột ống được đơn vị thi công dùng thang dây gửi sẵn vào đầu ống chính đưa lên để người có thể trèo lên và đứng thao tác lắp dựng. Công tác lắp dựng ban đầu thấy khó khăn trên, nên đơn vị thi công đã suy nghĩ, tìm tòi phương án tối ưu, sáng kiến gia công giá gắn vào các đầu đoạn ống chính để đứng thao tác vòng quanh lắp nối các đoạn ống chính lại với nhau.
Sau khi lắp giá hỗ trợ thao tác thi công như vậy thì đơn vị thi công thấy công việc hiệu quả tăng lên rõ rệt. Vì khi lắp giá thao tác luôn đảm bảo các yêu cầu như: Người đứng thao tác thấy chắc chắn, an toàn; Có thể thao tác lắp bu lông được vòng quanh ống một cách dễ dàng; Có thể ngồi để nghỉ ngơi, hạn chế lên – xuống nhiều lần trong ngày.
Ông Nguyễn Cao Ngọc – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xây lắp và Dịch vụ Sông Đà cho biết: Với giá tháo tác thi công như vậy đơn vị thi công lắp dựng vừa đảm bảo công tác an toàn lao động, vừa đẩy nhanh tiến độ thi công giảm xuống còn khoảng 40-45 ngày. Theo ông Ngọc, quan trọng nhất của sáng kiến này là giúp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động, đồng thời góp phần đưa các dự án đường dây 500kV mạch 3 đẩy nhanh tiến độ đặt ra. Riêng tại vị trí 175 rút ngắn thời gian thi công 10 ngày, nếu mỗi ngày thuê cẩu lắp dựng là 35 triệu đồng thì sẽ tiết kiệm 350 triệu đồng. Cùng với đó chi phí nhân công lắp dựng là 800.000 đồng/ngày với 20 nhân công triển khai lắp dựng thời gian 10 ngày là 160 triệu đồng. Sơ bộ chi phí làm lợi khi áp dụng giải pháp tại vị trí cột 175 là 510 triệu đồng. Nếu áp dụng toàn tuyến với 123 vị trí cột DO thì giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng. Với hiệu quả thực tế đem lại, sáng kiến này đã được Chủ tịch HĐTV EVN - Đặng Hoàng An cho triển khai áp dụng đồng loạt trên toàn công trường xây dựng Đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối. Đồng thời được áp dụng cho tất cả các dự án có sử dụng cột ống (DO) và hơn thế nữa là sử dụng hiệu quả cho cả quá trình quản lý vận hành lâu dài công trình.
Ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Phong trào thi đua 5 nhất đã truyền cảm hứng, tạo không khí, tinh thần, động lực làm việc tích cực trên công trường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, nhiều sáng kiến, cách làm mới được áp dụng. Phong trào thi đua đã ghi nhận những dấu ấn sâu đậm khó quên về tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao trong lòng tất cả cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động những người đã tham gia xây dựng công trình trong suốt thời gian qua. Những thành công này sẽ tiếp tục được phát huy trong các công trình tới của đất nước nói chung và của ngành Điện lực Việt Nam nói riêng.
Ông Nguyễn Hoàng Anh – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Đây là dự án trọng điểm quốc gia, tôi có kiểm tra trực tiếp nhận thấy rằng tinh thần của các nhà thầu, của chủ đầu tư là EVNNPT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thể hiện rất nghiêm túc, trách nhiệm trong việc cố gắng phấn đấu đạt được tiến độ và yêu cầu chất lượng dự án trọng điểm quốc gia này…
|