Tin thế giới

Anh, Australia "loay hoay" tìm cách đảm bảo nguồn cung điện và khí đốt

Thứ năm, 16/3/2023 | 15:19 GMT+7
National Grid cho biết đã nhận được yêu cầu của chính phủ Anh về việc xem xét các hợp đồng cung cấp điện dự phòng với các nhà máy nhiệt điện than nhằm đảm bảo nguồn cung điện cho mùa Đông 2023 - 2024.


Anh đang cân nhắc duy trì một số nhà máy điện than để đảm bảo nguồn cung điện. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, cả EDF và Drax hiện đều để ngỏ khả năng không thể đáp ứng yêu cầu này vì các lý do liên quan đến nhân lực và công tác vận hành. EDF cho biết đã thông báo với chính phủ về kế hoạch đóng cửa hai đơn vị còn lại tại nhà máy nhiệt điện than West Burton A vào ngày 31/3 tới.

Trong khi đó, Uniper, công ty vận hành nhà máy nhiệt điện than Ratcliffe cho biết vì 4 tổ máy đã có các hợp đồng cung cấp riêng nên sẽ không đủ điều thực hiện hợp đồng dự phòng mới.

Ngày 15/3, công ty quản lý hệ thống điện và khí đốt trên toàn Vương quốc Anh National Grid cho biết Anh đang cân nhắc duy trì vận hành một số nhà máy nhiệt điện than để đảm bảo nguồn cung điện cần thiết cho mùa Đông tới.

Anh đã lên kế hoạch đóng cửa toàn bộ các nhà máy nhiệt điện than vào tháng 10/2024 như một phần trong nỗ lực cắt giảm khí thải nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng các mục tiêu khí hậu toàn cầu.

Các nhà điều hành nhà máy nhiệt điện than như EDF và Drax cho biết các cơ sở của họ sẽ đóng cửa trước thời hạn trên, song vẫn cung cấp điện theo hợp đồng với National Grid như một phần của kế hoạch dự phòng cho mùa Đông 2022/23 trong bối cảnh giá khí đốt tăng cao kỷ lục và lo ngại về các vấn đề nguồn cung.

Cũng nhằm đảm bảo khí đốt trong mùa Đông 2023, ngày 16/3, Cơ quan Điều hành thị trường năng lượng Australia (AEMO) cho biết các nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở bờ biển phía Đông Australia có thể cần phải chuyển nguồn cung khí đốt dư thừa cho khách hàng trong nước để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nguồn cung tiềm ẩn nào trong mùa Đông này ở miền Nam Australia.

AEMO thông báo mặc dù các cam kết sản xuất của ngành năng lượng đã tăng lên kể từ năm 2022, nhưng nguồn cung ở miền Nam Australia đang giảm nhanh chóng, làm tăng nguy cơ thiếu hụt trong ngắn hạn và thiếu hụt nguồn cung trong dài hạn. 

Từ năm 2026, Australia yêu cầu các cam kết bổ sung để mở rộng nguồn cung cấp khí đốt hoặc có đủ các dự án năng lượng tái tạo để bù đắp nhu cầu khí đốt.

AEMO cho biết sự không chắc chắn về đầu tư đối với sự phát triển của Cảng Kembla của Squadron Energy ở New South Wales - cảng nhập khẩu LNG đầu tiên của Australia và sẽ trở thành trung tâm vận chuyển khí đốt về phía Nam - cũng có thể ảnh hưởng đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Mặc dù không phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga như các nước thành viên Liên minh châu Âu, nhưng cả Anh và Australia đều bị ảnh hưởng bởi việc giá điện và khí đốt tăng nhanh sau xung đột tại Ukraine, cùng với việc một số nhà máy điện than ngừng hoạt động.

Link gốc

Theo: Vietnam Plus