Tin trong nước

Ánh điện sáng vùng cao - Bài 1: Màu áo cam bên dãy Giăng Màn

Thứ ba, 23/8/2022 | 10:46 GMT+7
Khoảng 2 thập niên trở lại đây, nhiều công trình điện lưới đã được Nhà nước đầu tư cho các xã biên giới huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa. Và cũng chừng ấy thời gian, các thế hệ cán bộ, công nhân ngành Điện gắn bó với mảnh đất biên cương, giữ cho ánh điện sáng mãi…
Đội đang tuyên truyền người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.
 
Năm 2006, Đội tổng hợp Hóa Tiến, Chi nhánh điện Tuyên - Minh đã được thành lập để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ vận hành lưới điện ở các xã vùng biên ải của 2 huyện miền núi. Kể từ đó đến nay, những “chiến sĩ” màu áo cam luôn có mặt trên dãy Giăng Màn, làm tốt công tác quản lý, vận hành hiệu quả lưới điện tại 7 xã miền núi, biên giới huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa.
 
Đội tổng hợp Hóa Tiến phụ trách 6 xã miền núi và biên giới huyện Minh Hóa và xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa). Trong quá trình làm nhiệm vụ, đội luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức bởi có khoảng 90% dây và cột trung thế do đội quản lý, vận hành đi qua vùng rừng núi. Hành lang an toàn lưới điện phức tạp, đi qua nhiều khu rừng trồng nên nguy cơ xảy ra sự cố cao. Tại các xã biên giới, đa số bà con dân tộc thiểu số sinh sống ở các bản làng xa xôi, hẻo lánh nên rất khó khăn trong công tác ghi chỉ số, phúc tra chỉ số, thu vét tiền điện. Tình trạng sạt lở, cây gãy đổ gây ảnh hưởng cho tuyến điện cũng thường xảy ra trong mùa mưa bão…
 
Để hiểu nỗi vất vả của đội, chúng tôi đã theo chân những người “chiến sĩ” áo cam lên dãy Giăng Màn làm nhiệm vụ. Từ nơi làm việc của đội tại xã Hóa Tiến, chúng tôi đi theo Quốc lộ 12A xuyên qua những khu rừng về các bản làng. Tại những nơi cột điện và đường dây đi qua có hành lang lưới điện rộng gần 15m đều được phát quang sạch sẽ.
 
Anh Phạm Hồng Đối, Đội phó phụ trách Đội tổng hợp Hóa Tiến chia sẻ: “Hầu hết cột và đường dây điện do đội quản lý nằm trên rừng và đồi núi cao. Có những vị trí cột cách đường giao thông hàng trăm mét, có cột nằm chênh vênh bên vực sâu và cách nhau trên 300m nên công tác vận hành vô cùng khó khăn, vất vả”.
 
Theo lịch làm việc ngày hôm đó, đội phải phát quang hành lang lưới điện vào bản Ba Loóc, xã Dân Hóa và xử lý sự cố mất điện cho một hộ dân. Đây là bản có địa hình cách trở, đường giao thông đi lại rất khó khăn trong khi tuyến điện vào bản có nhiều vị trí cột, dây chạy qua rừng tự nhiên và trên những ngọn đồi cao. 4 công nhân của đội phải bỏ lại xe máy ven Quốc lộ 12A, đi bộ khoảng hơn 200m đến bìa rừng rồi xẻ một lối đi nhỏ giữa lau lách, cây bụi để tiếp cận được hành lang lưới điện. Cả nhóm dùng rựa, máy cưa, liềm chuyên dụng… chặt tỉa gọn gàng, thông thoáng cả tuyến hành lang dài gần 1km.
 
Anh Cao Tiến Dũng, công nhân quản lý vận hành Đội tổng hợp Hóa Tiến cho hay: “Cây cối ở đây phát triển nhanh nên chúng tôi phải thường xuyên phát quang, dọn thực bì. Mùa này, măng tre nứa từ ngoài hành lang mọc rất nhanh, ngọn gập xuống nên chúng tôi phải kiểm tra thường xuyên để tránh va chạm, gây ra sự cố cho lưới điện”.
 
Địa điểm xử lý sự cố mất điện là tại hộ gia đình anh Hồ Xuân Đức, thuộc dân tộc Chứt có cuộc sống rất khó khăn. Anh Đức cho biết: Đêm hôm trước, nhà anh bị cháy cầu chì làm mất điện. Do hiểu biết về điện còn hạn chế nên anh không thể tự khắc phục mà nhờ người quen báo về tổng đài chăm sóc khách hàng. Sau khi khắc phục xong sự cố, nhóm thợ điện đã cẩn thận kiểm tra lại các ổ điện, thiết bị điện trong nhà anh và tuyên truyền, nhắc nhở bà con cách sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.
 
Anh Phạm Hồng Đối cho biết: “Nhiều khi bóng đèn bị cháy, một số thiết bị điện trong nhà bà con bị hư hỏng nhẹ nhưng họ không thể khắc phục được. Có nhiều đêm mưa gió, lũ lụt, đường đi lại rất khó khăn, nguy hiểm nhưng khi có sự cố điện trên tuyến hoặc bà con gọi là chúng tôi cũng đội mưa đi khắc phục ngay.”
 
Bản Ba Loóc có trên 30 hộ dân. Do địa hình cách trở nên đến năm 2011 bà con mới được sử dụng lưới điện quốc gia. Ông Hồ Xuân Ba, Bí thư Chi bộ bản Ba Loóc tâm sự: “Từ khi có điện lưới quốc gia về, đời sống bà con trong bản đã đổi thay đáng kể. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn gặp những sự cố về điện mà bà con không thể khắc phục được. Những lúc như thế, chúng tôi đều được các thợ điện giúp đỡ, xử lý rất nhanh.”
 
Ông Phạm Phước Vĩnh Kha, Phó Giám đốc Điện lực Minh Hóa cho hay: “Để bảo vệ những tuyến điện xuyên rừng, đội đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền tuyên truyền cho người dân không trồng cây, làm nhà trong phạm vi hành lang lưới điện; thường xuyên giải phóng hành lang, thu dọn thực bì những nơi lưới điện đi qua; kiểm tra, tu sửa lại các đường dây, lèo, xà, nâng cột những nơi địa hình phức tạp; cách điện tại những điểm đầu dây để chống chim, chuột, rắn...

Nhờ đó, các sự cố và tai nạn về điện trên tuyến đã giảm đáng kể. Ngoài ra, Đội tổng hợp Hóa Tiến còn tích cực phối hợp, hỗ trợ các tổ chức đoàn thể chung tay thực hiện hàng chục công trình ánh sáng vùng biên, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự trong khu vực. Có điện lưới, điều kiện đời sống, sản xuất của đồng bào được nâng lên.

Đội tổng hợp Hóa Tiến (trước đây là Tổ trực điện Hóa Tiến) thành lập từ năm 2006. Ngày mới thành lập, tổ chỉ có 5 người gồm 1 tổ trưởng, 4 nhân viên, phụ trách 7 xã miền núi và biên giới gồm: Hóa Hợp, Hóa Tiến, Hóa Phúc, Hóa Thanh, Trọng Hóa, Dân Hóa (Minh Hóa) và xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa). Hiện tổ có 8 cán bộ, nhân viên đang làm nhiệm vụ quản lý 68 trạm biến áp, 91km đường dây trung thế, 37km đường dây hạ thế, 1.660 vị trí cột trung thế, 830 vị trí cột hạ thế với gần 4.300 khách hàng. Riêng 3 xã biên giới là Dân Hóa, Trọng Hóa, Lâm Hóa (Minh Hóa) có khoảng 1.800 khách hàng.
 
Theo: Báo Quảng Bình