Ngày 12/9, Chính phủ Argentina công bố lộ trình chiến lược nhằm thúc đẩy lĩnh vực sản xuất hydro sạch, với mục tiêu thu hút 90 tỷ USD vốn đầu tư từ nay đến năm 2050.
Argentina muốn thu hút 90 tỷ USD đầu tư vào sản xuất hydro sạch. Ảnh minh họa.
Cụ thể, Chiến lược quốc gia về phát triển nền kinh tế hydro của Argentina vạch ra các hành động và mục tiêu dài hạn nhằm thúc đẩy nền kinh tế hydro phát thải thấp.
Lộ trình đặt mục tiêu đến năm 2050, tổng sản lượng hydro phát thải thấp tại Argentina sẽ đạt ít nhất 5 triệu tấn/năm. Khoảng 80% sản lượng hydro sạch sẽ dành cho xuất khẩu. Phần còn lại sẽ dành cho thị trường nội địa, trong đó, tập trung đáp ứng nhu cầu của các ngành sản xuất nhiên liệu tổng hợp, công nghiệp thép, hóa dầu và lọc dầu.
Để đạt được các mục tiêu này, Argentina cần phải lắp đặt thêm ít nhất 30 gigawatt (GW) công suất điện phân và 55 GW điện tái tạo, đồng nghĩa với việc tăng gấp 11 lần sản lượng năng lượng tái tạo hiện tại và tăng gấp đôi tổng sản lượng điện tại quốc gia Nam Mỹ này.
Theo Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực năng lượng của Bộ Kinh tế Argentina Flavia Royón, quốc gia Nam Mỹ này sở hữu các đặc điểm về địa lý và khoa học công nghệ vô cùng thuận lợi cho quá trình công nghiệp hóa hydro. Argentina cũng đặt mục tiêu trở thành một trong những quốc gia cung cấp năng lượng sạch lớn nhất thế giới trong tương lai gần.
Cùng ngày, Liên đoàn Công nghiệp Quốc gia (CNI) của Brazil khẳng định năng lượng tái tạo từ gió ngoài khơi sẽ giúp nước này củng cố vị thế cường quốc trong sản xuất và xuất khẩu hydro xanh.
Trong một báo cáo, CNI cho biết Brazil có ý định đầu tư khoảng 30 tỷ USD vào các dự án sản xuất hydro xanh trong nước trong những năm tới, qua đó thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi năng lượng tại nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này.
Theo CNI, công suất điện gió ngoài khơi của Brazil hiện đạt 195 GW, trong khi tiềm năng kinh tế kỹ thuật điện gió ngoài khơi ở mức trên 700 GW. Từ đầu năm đến nay, CNI đã nhận được yêu cầu cấp phép lắp đặt 78 trang trại điện gió ngoài khơi với tổng công suất 189 GW.
Link gốc
Theo: BNews