Sự kiện

Ba thách thức trong cung ứng điện

Thứ ba, 13/6/2023 | 11:12 GMT+7
Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia một cách bền vững là yêu cầu sống còn đối với một quốc gia, là nền tảng và tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ở Việt Nam, điện là loại năng lượng đặc biệt, là mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý giá.

Công nhân PC Đà Nẵng thực hiện đo phát nhiệt đường dây 110kV trong mùa nắng nóng. Ảnh: Ngọc Hà.

Điện cũng là chi phí đầu vào quan trọng, sử dụng trong hầu hết các ngành kinh tế và tiêu dùng của hộ gia đình. Nói đến điện không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề an ninh, an toàn quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, ngành Điện lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về cung - cầu, đầu tư và giá. 

Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh Hà Đăng Sơn cho biết, thách thức lớn nhất trong hệ thống điện hiện nay là tại miền Bắc hầu như không có nguồn điện mới được đưa vào nên đang phải truyền tải cao từ các nguồn điện ở khu vực miền Trung và miền Nam ra miền Bắc. 

Nguồn điện gần đây nhất được huy động là Nhiệt điện Thái Bình 2 với công suất 1.200 MW. Mặc dù vậy, đường dây truyền tải từ Nam ra Bắc chỉ có giới hạn an toàn ở mức 2.200MW, nhưng ở một vào thời điểm phải truyền tải lên tới 2.600 MW. Đây sẽ là khó khăn rất lớn trong một vài năm tới khi có sự mất cân đối giữa nguồn cung ứng điện và nhu cầu phụ tải từng khu vực

Hệ thống điện của Việt Nam tới cuối tháng 12/2022 có 360 nhà máy đang vận hành (không kể các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ) với tổng công suất đặt 80.704 MW, chưa kể nguồn nhập khẩu; trong đó, thuỷ điện chiếm 21%, nhiệt điện than 32%, điện mặt trời trang trại 11,4%, điện mặt trời mái nhà nối lưới 9,49%, nhiệt điện khí 9,17%, điện gió 6,27%, thuỷ điện nhỏ 1,96%, điện sinh khối 0,49%, điện nhập khẩu 0,71%…

Đo phát nhiệt tại TBA 220kV Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Ảnh: Ngọc Hà.

Theo báo cáo ngày 8/6 của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương, có 11 hồ thuỷ điện đang ở mực nước chết gồm: Lai Châu, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ, Trị An, Đại Ninh và Pleikong không thể huy động phát điện để đảm bảo an toàn kỹ thuật không ảnh hưởng tới việc quản lý, vận hành hệ thống điện và cung cấp điện cho sinh hoạt của người dân. Chưa kể nước hồ thuỷ điện sau khi qua máy để làm ra điện còn cung cấp nước sinh hoạt và nước tưới cho hạ du.

Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà Nguyễn Mạnh Cường cho biết, mực nước tại hồ thủy điện Thác Bà đã dưới mực nước chết từ ngày 1/6/2023. Trước tình hình này, Công ty đã chủ động dừng hoạt động của 2 tổ máy (công suất mỗi tổ máy 40 MW), tổ máy số 3 phát điện ở công suất tối thiểu (15MW) nhằm đảm bảo cung cấp nước cho hạ du và duy trì cung cấp điện cho đời sống của nhân dân, đồng thời đảm bảo đúng quy trình điều tiết liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.

Theo Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương Trần Việt Hoà, duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 12-13/6/2023. Tổng công suất không huy động được của các nguồn thủy điện miền Bắc nêu trên sẽ ở mức 5.000 MW và có thể lên đến 7.000 MW khi hồ thủy điện Hòa Bình về mực nước chết. Như vậy, tính đến ngày 6/6/2023, công suất khả dụng của nguồn thuỷ điện là 3.110 MW, chỉ đạt 23,7% công suất lắp đặt.

Trực vận hành tại TBA 220kV Hòa Khánh (Đà Nẵng). Ảnh: Ngọc Hà.

Về điện gió ở Việt Nam, mùa gió tốt là từ tháng 12 đến tháng 2 hàng năm, tức là lúc thời tiết lạnh, nhu cầu sử dụng điện không nhiều, còn gió từ tháng 3, 4 và 5 là mùa gió lặng. Nên mặc dù công suất điện gió vào khoảng 5.000MW nhưng chỉ phát được vài trăm tới 1.000 MW.

Ban ngày hệ thống điện huy động được khoảng 12.000MW từ nguồn điện mặt trời, nhưng về ban đêm thì mất toàn bộ 17.000MW, trong đó, có cả công suất từ điện mặt trời mái nhà. Công suất này phải bù bằng các nguồn truyền thống là nhiệt điện và thuỷ điện.

Theo ông Hà Đăng Sơn, việc cung ứng các nguyên liệu truyền thống như than, khí cũng gặp nhiều khó khăn. Một số tổ máy nhiệt điện than ở miền Bắc, như: Phả Lại, Vũng Áng, Nghi Sơn 2, Thái Bình 2 vừa bị sự cố phải khắc phục khi nước làm mát cho lò hơi nóng theo thời tiết khiến công suất phát điện của các nhà máy này giảm đi.

Tại buổi trao đổi với một số cơ quan báo chí về tình hình cung cấp điện và một số vấn đề liên quan, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, tổng sản lượng điện nhập khẩu hàng năm chỉ hơn 10 triệu kWh/ngày, chưa tới 1,3% sản lượng điện toàn quốc; trong đó nhập từ Lào theo hiệp định liên Chính phủ khoảng 7 triệu kWh/ngày, mua của Trung Quốc từ năm 2005 với sản lượng 4 triệu kWh/ngày.

Ảnh: Ngọc Hà.

Năng lượng tái tạo thời gian qua phát triển mạnh nhưng chủ yếu chỉ nằm ở khu vực miền Trung và miền Nam, trong khi khó khăn về cung cấp điện lại diễn ra ở miền Bắc. Đồng thời, do giới hạn về mặt kỹ thuật để bảo đảm vận hành an toàn các đường dây truyền tải điện 500kV Bắc - Nam nên các nguồn điện bổ sung ở miền Trung và miền Nam cũng không hỗ trợ được cho miền Bắc. Thêm nữa, tiến độ hàng loạt các dự án nguồn điện khu vực phía Bắc đưa vào chậm so với quy hoạch điện đã được phê duyệt trước đó đã gây áp lực đến cung cấp điện.

Ngày 19/5/2023, công suất hệ thống điện lên cao nhất tính từ đầu năm và đạt 44.600 MW, tiêu thụ sản lượng điện là 932 triệu kWh. Từ ngày 10/6, công suất nguồn điện miền Bắc có phần được cải thiện do đưa vào vận hành trở lại khoảng 1.000MW công suất. 

Quy hoạch Phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) đã thỏa mãn được yêu cầu phác họa tương lai của hệ thống điện Việt Nam trong thời gian tới, nhưng để thực hiện các mục tiêu cần xây dựng kế hoạch, các giải pháp triển khai cụ thể, trong đó, có mục tiêu bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. 

Theo ông Hà Đăng Sơn, trong thời gian tới, khi triển khai Quy hoạch điện VIII sẽ phải có kế hoạch đồng bộ, đây không chỉ là trách nhiệm của Bộ Công Thương mà còn là trách nhiệm của nhiều bộ, ngành khác trong xây dựng toàn bộ chuỗi giá trị từ sản xuất, lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng… cũng như có thể hướng tới vấn đề xuất khẩu công nghệ, xuất khẩu điện như trong Quy hoạch điện VIII.

Song song với việc phát triển hệ thống điện thì việc tiết kiệm điện vẫn phải trở thành một ý thức thường trực đối với toàn xã hội. Việc điều tiết các phụ tải sử dụng điện; hạn chế thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp tốn điện, lợi dụng điện giá rẻ của Việt Nam; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ bắt buộc phải triển khai mạnh mẽ, đặc biệt trong mùa hè nắng nóng năm nay.

Hiện nay Chính phủ, các bộ ngành chức năng cần tìm biện pháp trước mắt cũng như giải pháp căn cơ lâu dài “cứu” điện. Bởi, nếu chậm trễ và không quyết liệt, thì hai năm tới, cái giá phải trả sẽ là những cú sốc khó lường, không chỉ trong phát triển kinh tế, mà liên quan tới cả xã hội.

 

Mai Phương