PC Phú Yên hướng dẫn doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng tiết kiệm năng lượng hiệu quả.
Làm gì để doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào các giải pháp sử dụng hiệu quả năng lượng; Và để có thể tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng? để hiện thực hoá mục tiêu TKNL, chuyển đổi xanh trong các ngành kinh tế - doanh nghiệp công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng?
Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh “sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội”. Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được triển khai từ năm 2006 và qua nhiều giai đoạn với các mục tiêu đặt ra cụ thể cho từng thời kỳ. Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được ban hành và đi vào thực hti từ năm 2011. Song, việc sử dụng chưa hiệu quả năng lượng, đồng nghĩa tiềm năng TKNL ở hầu hết các ngành kinh tế - xã hội, đời sống tiêu dùng nói chung tại Việt Nam vẫn còn rất lớn. Trong đó, khả năng TKNL trong khối công nghiệp có thể lên tới 20-30% nếu được quan tâm đầu tư đúng mức.
Cùng với nguồn vốn hạn chế khiến không ít doanh nghiệp “lần lữa” với việc đầu tư thay thế thiết bị lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, đổi mới công nghệ hiện đại để giảm tiêu hao năng lượng, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra thực tế một bộ phận doanh nghiệp vẫn đang tồn tại “sức ỳ”, tư duy “lười đổi mới”, chấp nhận tiêu tốn nhiều năng lượng để tiếp tục quy trình sản xuất cũ. Việc tồn tại này có nhiều nguyên do, trong đó có việc hàng hoá, sản phẩm vẫn được thị trường chấp nhận, và thiếu các quy định bắt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ các điều kiện về phát thải ra môi trường.
Vì vậy, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất được các chuyên gia chỉ ra, đó là phải có một hành lang pháp lý đủ mạnh cho các yêu cầu bắt buộc phải sử dụng hiệu quả năng lượng gắn với chuyển đổi xanh của nền kinh tế. Nghĩa là, cần nhanh chóng sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng áp đặt thực hành tiết kiệm năng lượng để phù hợp với các yêu cầu thực tiễn.
Ông Nguyễn Đình Hiệp - Chủ tịch Hội KH&CN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) cho rằng: "Về cơ bản chúng ta có đủ hệ thống văn bản để triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về TKNL cũng như định hướng cho xã hội sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, Luật sử dụng năng lượng hiệu quả (ra đời năm 2010 - Luật 50) và sau đó thì có hiệu lực từ 2011 - tính đến thời điểm này đã hơn 10 năm rồi, trong khi hơn 10 năm qua đã có rất nhiều những thay đổi về kinh tế xã hội, rồi quan điểm về quản trị quốc gia, rồi cách nhìn về sử dụng năng lượng và chuyển dịch năng lượng trong giai đoạn hiện nay".
Cần tuân thủ và đảm bảo giá thị trường với các mặt hàng năng lượng như xăng dầu, khí đốt, điện năng để đảm bảo hiệu quả tiết kiệm được cao hơn đồng thời với đó, phải coi trọng việc kiểm soát lượng tiêu hao nhiên liệu, năng lượng của các thiết bị sử dụng - là khuyến nghị của PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính: "Thực tế hiện nay chúng ta cũng đã có đánh nhiều loại thuế liên quan đến xăng dầu vào việc bảo vệ môi trường, nhưng so với các quốc gia phát triển thì chúng ta vẫn còn quá ít, và đặc biệt là thuế đối với khí thải thì gần như chúng ta chưa tính đến một cách đầy đủ. Và vì như vậy, cho nên các phương tiện công cụ cũ, các máy móc thiết bị cũ vẫn được rất nhiều các doanh nghiệp và người dân sử dụng, mà nó tiêu tốn lượng nguyên liệu gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với những phương tiện mới sản xuất trong thời gian gần đây, và đặc biệt là những cái phát thải ra môi trường thì cực kỳ lớn. Cho nên việc kiểm tra chất lượng và hiệu quả, công suất của các phương tiện máy móc, thiết bị sử dụng các loại nguyên nhiên vật liệu, xăng dầu cũng là một trong những giải pháp giúp cho quá trình tiết kiệm. Chúng tôi cho rằng, đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng được một mạng lưới giao thông công cộng phát triển, để từ đó góp phần giảm thiểu phương tiện cá nhân, đó sẽ là một trong những biện pháp tiết kiệm rất nhiều năng lượng và đảm bảo an toàn về môi trường trong thời gian tới đây…"
Từ thực tế Nhà máy xi măng Vissai Ninh Bình áp dụng giải pháp công nghệ thu hồi nhiệt, khí thải để phát điện - khi tham gia vào một dự án do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ - đã tiết kiệm mỗi tháng hơn 12 tỷ đồng, ông Chu Bá Thi - Chuyên gia năng lượng cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, muốn thúc đẩy tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong các ngành công nghiệp, Việt Nam cần chú trọng tới nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có 2 yếu tố chính là vốn và kỹ thuật. Đây chính là "chìa khoá" cho doanh nghiệp đầu tư thực hiện có hiệu quả các dự án TKNL cũng như phát triển thị trường năng lượng theo hướng xanh sau này. Từ kinh nghiệm của nhiều nước, ông Chu Bá Thi cho rằng Việt Nam nên tái khởi động mô hình công ty cung cấp dịch vụ năng lượng - ESCO.
"Trên thế giới có rất nhiều mô hình tài trợ, tài chính để thúc đẩy tiết kiệm năng lượng. Trung Quốc, Ấn Độ hoặc là Hàn Quốc thì có rất nhiều mô hình khác nhau. Các mô hình về ESCO… giúp cho phát triển thị trường rất nhanh. Ở Việt Nam thì theo tôi chúng ta phải có các biện pháp mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp và người dân tuân thủ thực hiện TKNL. Đồng thời cũng phải có cơ chế khuyến khích, ưu đãi, hoặc thưởng doanh nghiệp đầu tư vào những giải pháp TKNL. Ngoài việc đó ra thì cũng cần phải nhanh chóng xây dựng một hệ thống giám sát MRV từ doanh nghiệp đến trung ương, hệ thống này không những giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước giám sát về tình hình tiêu thụ năng lượng mà còn là công cụ để chúng ta phát triển thị trường mua bán phát thải carbon sau này. Và đặc biệt chúng ta phải có một cơ chế tài chính trong nước rõ ràng để giúp huy động và khơi thông nguồn vốn giá rẻ từ các Quỹ khí hậu cũng như các định chế tài chính như WB.. giúp cho DN tiếp cận nguồ vốn giá rẻ để đầu tư vào các giải pháp TKNL...
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 17/TT-NHNN nhằm hướng dẫn các tổ chức tín dụng trong việc cấp tín dụng, đảm bảo được mục tiêu, yêu cầu về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. NHNN cũng đã ban hành một chương trình hành động tổng thể cho toàn ngành ngân hàng hướng dòng vốn, tập trung nguồn lực vào những lĩnh vực tín dụng xanh, cho vay theo chương trình để đảm bảo được mục tiêu về chống biến đổi khí hậu.
"NHNN có cơ chế hành lang pháp lý để các tổ chức tín dụng mạnh dạn cho vay và cho vay đúng đối tượng này. Thứ hai, khi đã triển khai những chương trình tín dụng xanh thực sự có hiệu quả và thể hiện sự cam kết rất rõ nét của Chính phủ Việt Nam, tạo điều kiện thu hút được nguồn lực của nước ngoài, tài trợ cho những dự án, tài trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp tư nhân vay ngân hàng, hoặc đồng hành cùng với nguồn vốn của Ngân hàng để hỗ trợ các dự án khác về mặt thủ tục, lãi suất, thời gian hoặc là mạch nguồn vốn có tính chất trung dài hạn. Chúng tôi đã và đang đặt ra chỉ tiêu cho các tổ chức tín dụng trên cơ sở khả năng vốn của từng ngân hàng và quy mô của từng ngân hàng. Tất nhiên, cũng đặt vai trò trách nhiệm nặng hơn đối với Ngân hàng có vốn Nhà nước, nhất là những dự án lớn thì sẽ có sự quan tâm để hỗ trợ cho tổ chức tín dụng, qua đó hỗ trợ cho những doanh nghiệp vì trách nhiệm đối với môi trường, trách nhiệm đối với vấn đề bảo vệ, chống biến đổi khí hậu để có điều kiện thực hiện tốt hơn mục tiêu này".
Đánh giá cao nỗ lực trong hoàn thiện các cơ chế, chính sách từ phía NHNN, song, từ thực tế hoạt động cho vay các dự án TKNL, chuyển đổi sang kinh tế xanh thời gian qua, đại diện nhiều tổ chức tính dụng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên giao cho các ngân hàng thương mại có tỷ trọng cho vay lớn trong các ngành kinh tế được sử dụng nguồn tín dụng tái cấp vốn cũng như nguồn vốn tài trợ của các tổ chức nước ngoài thông qua hình thức cho vay lại, bảo lãnh của Ngân hàng Nhà nước hay Chính phủ với lãi suất ưu đãi để thực hiện đầu tư mang lại hiệu quả cao.
Ông Hà Huy Cường, Phó tổng giám đốc ngân hàng Nam Á chia sẻ kinh nghiệm: "Làm sao để xây dựng được sản phẩm tín dụng đa dạng, phù hợp với các đối tượng khách hàng liên quan đến phát triển xanh. Còn về vận hành thì chúng ta có thể số hoá tất cả các quy trình để vấn đề giấy tờ không còn là gánh nặng của các tổ chức và cuối cùng phải tìm được các nguồn vốn giá rẻ để đa dạng hoá ngành nghề trong tài trợ tín dụng xanh".
TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đề xuất: "Chúng tôi mong muốn trong luật tổ chức tín dụng sửa đổi lần này có 1 chương về tài chính xanh, tín dụng xanh và cả ngân hàng xanh, để chúng ta có cơ sở pháp lý vững chắc, trên cơ sở đó hệ thống tài chính, ngân hàng có thể triển khai thực hiện tốt hơn".
Đồng quan điểm này, chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng - TS. Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) cho rằng, muốn chuyển đổi năng lượng xanh thì nguồn tài chính cũng phải xanh. Điểm danh 3 thách thức lớn đối với nguồn “tài chính xanh” là thiếu vốn, thiếu chính sách hỗ trợ đối với tài chính xanh (thanh khoản, lãi suất, thuế, phí, hỗ trợ giá, chi tiêu công xanh) và nhận thức, thói quen tiêu dùng xanh chưa cao, TS. Phạm Xuân Hòe đưa ra tới 14 khuyến nghị chính sách đối với Chính phủ, các bộ ngành và doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng Chương trình tín dụng xanh, trái phiếu xanh cho năng lượng xanh, hiệu quả năng lượng: "Tư duy về chính sách và sự đồng bộ của chính sách. Đó mới là điều quyết định để câu chuyện là có hình thành được câu chuyện tài chính xanh cho năng lượng công bằng hay không mà thôi".
Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về 0 (Net zero) vào năm 2050. Các giải pháp để hiện thực hoá mục tiêu này cũng đã được cụ thể trong từng cấp ngành. Trong đó, riêng trong lĩnh vực năng lượng, tại các Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nâng chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng cao hơn các mục tiêu TKNL đặt ra tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị do cập nhật thực tế về tiến bộ của công nghệ gắn với cam kết Net zero của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 và kỳ vọng sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, cũng như nguồn lực vốn trong nước cho nỗ lực này.
Các giải pháp nhằm huy động tốt nhất nguồn vốn ưu đãi đầu tư vào các dự án TKNL được các chuyên gia phân tích, khuyến nghị trong loạt bài “Vốn đầu tư vào TKNL trong hành trình tiến đến Net Zero” xuất phát từ thực tế Việt Nam đang không ngừng hoàn thiện thể chế luật pháp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phù hợp với tiến trình chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế tuần hoàn của Việt Nam. Do vậy, rất cần sớm được nghiên cứu, triển khai trên thực tế.