Tin thế giới

Bán điều hòa không khí ở nơi không có điện như châu Phi: Các công ty Trung Quốc đã giải bài toán khó này như thế nào?

Thứ ba, 30/6/2020 | 09:52 GMT+7
Lục địa châu Phi nóng bỏng đang trở thành chiến trường mới cho các công ty điều hòa không khí đến từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
 
Một công nhân châu Phi đang lắp đặt máy điều hòa không khí Daikin.
 
Châu Phi, vùng đất nguyên thủy chưa được khai phá cuối cùng trên thị trường điều hòa không khí toàn cầu. Năm 2018, khi 110 triệu máy điều hòa không khí đã được bán ra trên toàn thế giới thì Châu Phi chỉ chiếm vỏn vẹn 3 triệu đơn vị trong số đó. Nhưng tỷ lệ này càng thấp, thì tiềm năng của thị trường càng lớn.
 
Để khai thác triệt để thị trường châu Phi và nắm bắt lấy cơ hội trước sự bùng nổ về nhu cầu, các công ty điều hòa không khí ở Trung Quốc và Hàn Quốc như LG đã kiên nhẫn triển khai việc kinh doanh mặt hàng này trong nhiều năm.
 
Cách đây không lâu, Daikin, công ty điều hòa không khí nổi tiếng của Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ tiến công vào thị trường châu Phi. Lục địa châu Phi nóng bỏng đã chính thức trở thành một chiến trường mới cho các công ty điều hòa không khí của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tranh đoạt. Nhưng không phải thị trường tiềm năng có nghĩa là bạn chỉ cần mang sản phẩm tới đây rồi sau đó dễ dàng gặt hái lợi nhuận. Vì câu hỏi quan trọng nhất cần phải giải đáp, chính là: Tại sao 1,3 tỷ người châu Phi chỉ mua 3 triệu máy điều hòa không khí?
 
Thu nhập thấp của người dân chỉ là một phần của lý do, nhưng nó không phải là lý do quan trọng nhất.
 
Nam Phi, Morocco và Nigeria hiện là ba thị trường điều hòa không khí quan trọng nhất ở châu Phi. Tại cả ba quốc gia này, thu nhập bình quân đầu người hàng tháng lần lượt là 477 USD, 258 USD và 146 USD. Con số này thậm chí là cao so với các nước kém phát triển.
 
Và trên nền tảng thương mại điện tử ở Nigeria, một mẫu máy điều hòa LG công suất 1,5 HP có giá khoảng 467 USD. Máy điều hòa không khí thương hiệu Hisense của Trung Quốc, có cùng thông số kỹ thuật chỉ có giá 311 USD. Không chỉ rẻ hơn mà nhà sản xuất còn cung cấp dịch vụ lắp đặt miễn phí và bảo hành trong 5 năm.
 
Các thương hiệu điều hòa không khí Trung Quốc có thể đạt được mức giá cực thấp này, chủ yếu là do họ đã có nhà máy sản xuất lắp ráp tại địa phương. Từ đầu năm 2005, hãng chuyên sản xuất đồ điện tử tiêu dùng Trung Quốc là Shinco đã tới Nigeria để thành lập một nhà máy với công suất hàng năm là 500.000 máy điều hòa không khí.
 
Năm 2006, Hisense cũng thành lập một nhà máy ở Ai Cập để sản xuất điều hòa, đồng thời mua lại một nhà máy khác ở Nam Phi.
 
Năm 2010, Midea mua lại 32,5% cổ phần của một công ty điều hòa không khí ở Ai Cập và trở thành cổ đông lớn thứ hai của nó. Năm 2016, 3 trong số 8 cơ sở sản xuất điều hòa không khí ở nước ngoài của Haier được đặt tại Châu Phi, cụ thể là ở Algeria, Tunisia và Nigeria.
 
Có thể nói, các dòng máy điều hòa không khí thương hiệu Trung Quốc được sản xuất tại địa phương và có giá cả phải chăng đã chiếm lĩnh hầu hết các thị trường Bắc và Đông Phi. Gree, Midea, Haier, Hisense và Chigo đều là những thương hiệu phổ biến nhất.
 
Tại châu lục nóng nhất thế giới này, người dân ở đây rõ ràng rất thích điều hòa không khí. Và với mức thấp kể trên, nhiều người thực sự có thể mua được. Nếu châu Phi được coi là một nền kinh tế, GDP bình quân đầu người của châu Phi là gần 2.000 USD. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu BearingPoint, 150 triệu người ở Châu Phi chi tiêu hơn 4 USD mỗi ngày. Với mức thu nhập và quy mô dân số như vậy, tại sao chỉ bán được 3 triệu máy điều hòa một năm?
 
Cơ sở hạ tầng cung cấp điện đã kiềm chế nhu cầu của người tiêu dùng
 
Câu trả lời thực sự nằm trong bức ảnh vệ tinh chụp vào ban đêm này. Châu Phi thiếu điện, rất, rất ít người được dùng điện.
 
Tính trên khắp châu Phi, Nam Phi là nước có cơ sở hạ tầng năng lượng hoàn chỉnh nhất. Và quốc gia này có quy mô sản xuất điện năng chiếm tới gần một nửa sản lượng điện của cả châu lục. Và ngoại trừ các quốc gia Bắc Phi như Ai Cập và Algeria, các quốc gia châu Phi khác đều có ít nhiều vấn đề liên quan tới việc cung cấp điện cho người dân.
 
Nigeria, Ethiopia và Kenya đều là những quốc gia có diện tích lớn nhưng mức tiêu thụ điện bình quân đầu người lại rất thấp.
 
Ở các nước lạc hậu như Mali, mức tiêu thụ điện của một hộ gia đình bình thường trong cả năm thậm chí còn thấp hơn mức tiêu thụ điện của các hộ gia đình ở các nước phát triển.
 
Tại khu vực cận sa mạc Sahara, gần 600 triệu người châu Phi hoàn toàn không có điện. Bạn có thể nhìn từ ảnh vệ tinh được chụp vào ban đêm, toàn bộ khu vực này người dân phải sống trong bóng tối.
 
Ở Ghana, việc mất điện thường diễn ra cứ sau 2 giờ. Ở Nigeria, trung bình, chỉ có 3 đến 6 giờ cung cấp điện mỗi ngày.
 
Do đó, để đảm bảo nguồn cung cấp điện, các công ty và gia đình giàu có ở Châu Phi sẽ luôn có máy phát điện. Tuy nhiên, chi phí vận hành của máy phát điện cao gấp 3 đến 6 lần so với điện lưới công cộng. Và nó cũng chỉ có thể được dùng để vận hành các thiết bị cần điện năng lượng thấp như đèn điện và máy tính.
 
Nhận ra điều này, vào năm 2018, Haier đã ra mắt một máy điều hòa không khí chuyên dụng dành cho máy phát điện ở Nigeria.
 
Máy điều hòa này có thể được kết nối với bất kỳ loại máy phát điện nào. Miễn là máy phát điện đang chạy, điều hòa có thể bắt đầu làm mát như bình thường một cách nhanh chóng. Đây là điều gần như không thể đối với các dòng máy điều hòa thông thường.
 
Chiếc điều hòa này nhanh chóng tạo ra một "vụ nổ" trên thị trường điện máy, với doanh số tăng trưởng chóng mặt.
 
Học theo đối thủ, Gree cũng ra mắt một dòng máy điều hòa không khí mới ở Nigeria vào năm ngoái. Nó thậm chí có thể vận hành khi không có máy phát điện. Công nghệ được sử dụng cho phép thiết bị chạy bằng quang năng, hay năng lượng thu được từ các tấm pin mặt trời.
 
Hiệu suất chuyển đổi năng lượng trên dòng điều hòa của Gree có thể lên tới 98,9%, giúp mang lại "phí điện bằng 0" trong suốt cả năm cho người dùng. Đối với các nước châu Phi thiếu điện nhưng luôn dư thừa nguồn năng lượng mặt trời, đây giống như một sản phẩm được thiết kế "đo ni đóng giày" cho châu lục này.
 
Mới đây nhất, Daikin tấn công thị trường Tanzania với chiến lược kỳ lạ, cho phép các khách hàng doanh nghiệp sử dụng các thiết bị làm mát của mình với chi phí thuê cực rẻ, chỉ 1,2 USD (khoảng 28.000 đồng) mỗi ngày. Phương thức "tiền trao cháo múc" này sẽ mở ra cơ hội để mọi người làm quen với các máy điều hòa không khí của hãng mà không phải bỏ ra một khoản tiền lớn ban đầu. Tất nhiên, việc lắp đặt và chi phí tiêu thụ điện sẽ do khách hàng thực hiện. Sau một thời gian dùng thử, công ty Nhật sẽ khuyến khích khách hàng mua hẳn một máy điều hòa không khí cho riêng mình.
 
Có thể nói, người dân châu Phi không phải không có sức tiêu thụ các sản phẩm điện gia dụng. Họ chỉ đơn giản là bị hạn chế bởi cơ sở hạ tầng lạc hậu. Vượt qua thử thách này, hay một khi cơ sở hạ tầng được nâng cấp, sẽ có một sự bùng nổ về nhu cầu trên thị trường. Và các công ty Trung Quốc, vốn từ lâu đã quen thuộc với châu Phi, không còn xa lạ gì với điều này.
 
Hiện tại, châu Phi đang xây dựng hàng trăm dự án điện với tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ USD. Và các nhà thầu Trung Quốc đang đóng một vai trò quan trọng trong các kế hoạch này.
 
Một khi cơ sở hạ tầng điện trở nên hoàn hảo, một quốc gia lớn như Nigeria với dân số hơn 200 triệu người chắc chắn sẽ giải phóng ra một nhu cầu lớn trên thị trường điều hòa không khí cũng như các lĩnh vực điện gia dụng khác. Và các thương hiệu Trung Quốc, với lợi thế được triển khai trước, cuối cùng sẽ là những người đầu tiên thu hoạch.

Link gốc
Theo: Gen K