Ảnh minh họa.
Đó là một trong những yêu cầu được cụ thể tại Thông báo số 174/TB-VPCP do Phó chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục ký Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về việc bổ sung một số dự án nhà máy điện mặt trời vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh theo đề nghị của Bộ Công Thương hôm 26/4/2018.
Thông báo nêu rõ, việc triển khai thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh hiện nay đã bộc lộ một số khó khăn và hạn chế, trong đó nhiều dự án nguồn điện có tiến độ chậm so với kế hoạch, nhất là các dự án nguồn điện tại khu vực miền Nam (như Long Phú I, Long Phú II, Sông Hậu I, Sông Hậu II, Vĩnh Tân III…). Việc phát triển nguồn nhiệt điện than ngày càng khó khăn do yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường cũng như yêu cầu về hạ tầng nhập khẩu, cung cấp than cho các nhà máy v.v. Do đó, việc xem xét điều chỉnh bổ sung các dự án nhà máy điện mặt trời (là nguồn điện sạch có tiến độ đầu tư xây dựng nhanh) vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh như đề nghị của Bộ Công thương là cần thiết. Việc đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo có tiềm năng ở nước ta trong đó có điện mặt trời là phù hợp với xu hướng chung trên thế giới và Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015.
Ngoài các dự án đã được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực, số lượng và tổng quy mô công suất các dự án điện mặt trời được các nhà đầu tư quan tâm đã trình Bộ Công Thương thẩm định/phê duyệt hiện nay là rất lớn. Do đó, việc xem xét bổ sung các dự án điện mặt trời cần được xem xét tổng thể để bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong quản lý quy hoạch, bảo đảm sự phù hợp về yêu cầu cung cấp điện, khả năng đấu nối và vấn đề sử dụng đất cho các dự án.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công thương báo cáo cụ thể danh mục các dự án nhà máy điện mặt trời Bộ Công thương đã phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tăng cường công tác quản lý quy hoạch đối với các dự án đã được bổ sung quy hoạch bảo đảm phát triển các dự án thực chất theo đúng tiến độ, không theo phong trào; Đồng thời, khẩn trương hoàn thành xây dựng Quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/7/2018.
Thông báo cũng chỉ rõ, trong giai đoạn tới khi chưa hoàn thành Quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia, chỉ xem xét bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh đối với các dự án nhà máy điện mặt trời Bộ Công thương đã hoàn thành thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, trong đó có dự án nhà máy điện mặt trời BIM2 (250MW) tỉnh Ninh Thuận và Phù Mỹ (330MW) tỉnh Bình Định và một số dự án điện mặt trời khác; Bộ Công thương chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung thẩm định nhất là nội dung tính toán xác định sự ấn thiết bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, quy mô công suất các dự án, mức độ khả thi trong việc triển khai đầu tư xây dựng và sự phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật; Văn phòng Chính phủ thẩm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo Báo cáo của Bộ Công thương, tổng quy mô công suất các dự án nhà máy điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực là khá lớn, trong đó, riêng Bộ Công thương đã phê duyệt bổ sung trên 70 dự án đưa vào vận hành trước tháng 6/2019 với tổng quy mô công suất trên 3.000MW (các dự án có quy mô công suất đến 50MW). Quy mô công suất này đã vượt hơn nhiều sơ với quy mô phát triển điện mặt trời dự kiến đến năm 2020 trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.