Diễn đàn năng lượng

Báo chí có vai trò quan trọng trong hoạt động truyền thông về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Thứ ba, 25/6/2024 | 16:43 GMT+7
Tại toạ đàm “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Từ hoạch định chính sách đến hành động và vai trò của báo chí, truyền thông” do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hôm nay theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, các diễn giả (chuyên gia, cơ quan quản lý) đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí trong hoạt động truyền thông về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần hiện thực hoá các mục tiêu tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện đặt ra tại Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm (VNEEP) và Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. 

Quang cảnh tọa đàm.

Phát biểu tại Toạ đàm, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ TKNL & PTBV (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia có quy mô nền kinh tế đang tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 6 - 7% trong vòng vài thập kỷ gần đây. Trong giai đoạn 2020 - 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi và phát triển khả quan so với nhiều nền kinh tế trên thế giới. Năng lượng là đầu vào thiết yếu của nền kinh tế, vì vậy, nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam trong những năm tới dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và dân sinh. 

Trong bối cảnh đó, công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là cần thiết và quan trọng. Đây là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua. Ngày 8/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 20/CT-TTg về công tác tăng cường thực hiện tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Đặc biệt, ngày 14/2/2024, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 05 về đảm bảo cung ứng điện, than, dầu khí để đảm bảo điện cho năm 2024. Trong 12 nhóm giải pháp lớn, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh vai trò của công tác tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 

Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ TKNL & PTBV (Bộ Công Thương) phát biểu.

Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ TKNL & PTBV (Bộ Công Thương) cho biết, trên cơ sở các chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, của Chính phủ, Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng; Coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội trước mắt cũng như lâu dài. Để đạt được các mục tiêu đề ra, Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 -2030 xác định truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, có vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông với nòng cốt là những nhà báo, phóng viên trên khắp cả nước.

Chuyên gia năng lượng Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội năng lượng Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của các nhà báo, phóng viên, cơ quan báo chí, truyền thông đã giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Đã chuyển từ nhận thức thành hành động, từ hành động trở thành thói quen và cho kết quả cụ thể đối với từng đối tượng tiêu dùng năng lượng cũng như lợi ích cho đất nước.

"Năng lượng tiêu thụ ít đi có nghĩa là chúng ta giảm được giá thành, và có tác dụng cho các doanh nghiệp. Thế còn ý nghĩa về tiết kiệm năng lượng đối với các quy hoạch, các chiến lược năng lượng của chúng ta thì thứ nhất là ý nghĩa về giảm đầu tư mới, giảm được mức độ đầu tư mới; Thứ hai nữa là gì chúng ta còn giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhiên liệu. Hiện nay chúng ta là quốc gia nhập khẩu năng lượng, chúng ta phải nhập khẩu năng lượng từ năm 2015 trở về đây, và đỉnh điểm của chúng ta là năm 2020 đã nhập tới gần 49% nhiên liệu tính theo cán cân xuất nhập khẩu...

Từ hiệu quả mang lại hết sức thiết thực của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, là một trong các giải pháp giúp giảm phát thải, góp phần đưa Việt Nam đạt mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, TS Lê Anh Tuấn - phụ trách Khoa Kinh tế và quản lý, Trường Đại học Điện lực cho rằng, việc chủ động cung cấp thông tin từ phía cơ quan quản lý, sự đầu tư nghiên cứu của phóng viên, nhà báo và sự sẵn sàng của chuyên gia trong việc chia sẻ, phản biện chính sách sẽ đem lại hiệu quả trong truyền htoong về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 

TS Lê Anh Tuấn, cho biết thêm, "về công tác truyền thông thì tôi cũng đánh giá rất cao trong giai đoạn vừa rồi, và tất nhiên là luôn luôn cần phải có sự cải tiến, sự thay đổi để làm sao truyền thông sát hơn đối với người tiêu dùng. Và chúng tôi sẽ cố gắng để có những chương trình đào tạo về năng lượng, thì bản thân Trường Đại học Điện lực cũng mới có một môn học về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả đưa vào giảng dạy cho tất cả các ngành học ở trong trường, thì đấy cũng là một sự thay đổi; Và cũng rất mong muốn là kiến thức về năng lượng này sẽ được truyền bá sâu hơn, rõ hơn cho các thế hệ sau".

Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, trong chương trình phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai dự án Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (Gọi tắt là VLEEP II), Chiến lược truyền thông về năng lượng bền vững giai đoạn đến năm 2030 đã được xây dựng. Qua nghiên cứu, đánh giá cùng với kết quả thực hiện khảo sát đối với đối tượng là các phóng viên, nhà báo, trong thời gian tới, các buổi toạ đàm, tập huấn nhằm phổ biến chủ trương, chính sách, định hướng triển khai và những giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến phóng viên, nhà báo sẽ được triển khai thường xuyên và sâu rộng hơn. Đây cũng sẽ là các diễn đàn cởi mở để đội ngũ phóng viên, nhà báo có thể chia sẻ, thẳng thắn góp ý và đồng hành với Bộ Công Thương trong công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói riêng và ngành năng lượng nói chung.

Nguyên Long